Doanh nghiệp tăng cường hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển

Cập nhật: 06-07-2022 | 22:22:16

Trong thử thách, khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tận dụng mọi cơ hội xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm một cách chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Điều kiện thuận lợi

Với phương châm tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa các DN để mở rộng sản xuất, kinh doanh, thời gian qua Bình Dương đã tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi. Các ngành, địa phương đã tạo điều kiện để hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác lẫn nhau, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Nền tảng của việc tạo lập, kết nối quan hệ sau một thời gian dài giúp các DN hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, giữ vững thị phần, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), thị trường cho ngành hàng cơ khí chế tạo, thiết bị công nghiệp phụ trợ trong nước là rất lớn, dư địa phát triển của ngành còn nhiều. Việc hợp tác với các đối tác trong nước nhằm hướng tới chuỗi cung ứng có quy mô khép kín từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất ngay trong nước cần đẩy mạnh. “Hiệp hội chúng tôi có nhiều DN nhỏ và vừa, sản xuất các mặt hàng cơ khí, chế tạo lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cùng nhau hợp tác nên có thể tận dụng được các ưu thế của nhau. Khi DN này gặp khó, DN kia có thể giúp đỡ hoặc khi cần dùng sản phẩm, chi tiết nào đó cũng sẽ ưu tiên dùng hàng của nhau, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm, vừa giảm được các khâu trung gian”, bà Châu cho biết.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong Phía Nam (TP.Thủ Dầu Một)

Với Công ty Kim Chung, bằng kinh nghiệm nhiều năm làm hàng xuất khẩu, có lợi thế lớn khi thâm nhập vào các DN đầu tư nước ngoài. Nhưng so với sự cạnh tranh trên thị trường và so với hàng ngoại nhập thì tiềm lực DN trong nước vẫn còn hạn chế. Để khắc phục khó khăn, nhất là về công nghệ, thông tin, sự kết nối bạn hàng, DN mong muốn được kết nối và rất cần thêm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan.

Ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty Nghệ Năng (TP.Thuận An), nhận định tiềm năng hợp tác giữa các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Bên cạnh nỗ lực tìm kiếm khách hàng của mình, DN cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các DN trong hiệp hội ngành hàng, tạo sự liên kết hội viên, mang lại hiệu quả nhất định. DN mong muốn sẽ có thêm sự hợp tác, sử dụng hàng hóa dịch vụ, nhất là nguồn nguyên, vật liệu của các đối tác là DN Việt trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc chế tạo các mặt hàng.

Về vấn đề này, đối với một hiệp hội có tiềm lực lớn như Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) là hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay. Ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch BIFA, hiệp hội đang nỗ lực gắn kết các DN ngành gỗ từ nhà cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất và phân phối sản phẩm. Trong khó khăn về tình hình vận tải và những bất ổn địa chính trị hiện nay, BIFA nỗ lực hỗ trợ cùng nhau liên kết các dịch vụ logistics, sản xuất, cung cấp nguyên liệu… bằng cách giúp cho nhà cung cấp và khách hàng trực tiếp gặp nhau, giảm tối đa các chi phí trung gian.

Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp

Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác phát triển, đối với các DN sản xuất, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định thành công. Ông Vũ Thành Vinh, Phó Tổng giám đốc Sản xuất - Kỹ thuật Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong Phía Nam (TP.Thủ Dầu Một), cho biết trong bối cảnh cạnh tranh hàng hóa ngày càng gay gắt, DN nào có sản phẩm đặc trưng, tự chủ về công nghệ lõi và có giá trị cộng thêm cao sẽ nắm được lợi thế.

Theo ông Vinh, bên cạnh việc đầu tư vào hệ thống máy sản xuất hiện đại từ châu Âu, sử dụng nguyên liệu chính phẩm và áp dụng mô hình quản lý sản xuất tiên tiến nhất để kiểm soát toàn bộ quá trình vận hành, DN này cũng rất chú trọng việc kiểm soát chất lượng, từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm cuối cùng theo từng lô sản xuất tại nhà máy. DN đã được thẩm định và công nhận đáp ứng tiêu chuẩn hệ thống quản lý ISO 9001:2015, phòng thử nghiệm sản phẩm của công ty cũng được cấp giấy chứng nhận Vilas phù hợp với yêu cầu của ISO/IEC 17025:2017. Đây là điều kiện cần có để sản phẩm của Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong Phía Nam được cung cấp ra thị trường luôn có chất lượng tốt và ổn định.

Lãnh đạo ngành công thương tỉnh cho biết luôn nỗ lực hỗ trợ để DN có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Từ đó thúc đẩy hợp tác giữa các DN với nhau, khuyến khích sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp… “Chúng tôi khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất trong vấn đề lựa chọn mẫu mã, bao bì sản phẩm để quảng bá hình ảnh, đưa sản phẩm ra thị trường thuận lợi hơn. Điều đó cũng góp phần thực hiện phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam gắn với việc nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết.

TIỂU MY  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1099
Quay lên trên