Doanh nghiệp tăng lương, phụ cấp để tuyển dụng lao động

Cập nhật: 06-11-2021 | 10:02:23

Quay lại hoạt động sau dịch, rất nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đang thiếu lao động. Để kịp những đơn hàng cuối năm, cũng như ổn định nguồn lao động dài lâu, nhiều DN thực hiện tăng lương, phụ cấp, nâng chất bữa ăn cho người lao động để tuyển dụng; đồng thời khẩn trương liên lạc với công nhân về quê, đưa xe đến đón họ quay lại nhà máy, cũng như chăm lo nhu yếu phẩm những ngày chờ lương, hỗ trợ 1 tháng tiền trọ.


Dù nhiều DN treo bảng tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn nhưng người tìm việc vẫn rất ít

Đi làm công nhân, lương cao ngất

Những ngày gần đây, khi rảo bước qua nhiều khu công nghiệp như Đại Đăng, Sóng Thần, VSIP... chúng tôi ghi nhận có đến 70% DN treo bảng tuyển dụng lao động với mức lương rất cao, trung bình 9 - 10 triệu đồng/tháng với lao động phổ thông.

Điều đáng quan tâm là dù có mức lương cao, cộng với ưu đãi tốt, nhưng người đi xin việc rất ít. Điển hình như Công ty TNHH Sharp Mind Technology Việt Nam (KCN Đại Đăng) treo bảng tuyển 100 lao động, lương trên 10 triệu, tăng lương định kỳ hàng năm, bảo đảm đầy đủ bảo hiểm xã hội, thưởng theo năng suất lao động, nhưng nhiều ngày qua vẫn chưa tìm đủ người... Với những lao động có tay nghề, các DN đưa ra mức lương tuyển dụng cao ngất ngưởng. Như tại Công ty TNHH Excellence Team (KCN Đại Đăng), công ty này đang tuyển lao động có kinh nghiệm đúc khuôn cát (nhôm, đồng) của các linh kiện thiết bị phòng cháy, chữa cháy với mức lương từ 18 - 20 triệu đồng/tháng, công nhân vận hành máy tiện CNC lương 10 - 20 triệu đồng/tháng...

Các trung tâm tuyển dụng việc làm khác trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm Giới thiệu Việc làm Thanh niên Bình Dương, Trung tâm Giới thiệu Việc làm VSIP I Bình Dương, Trung tâm Giới thiệu Việc làm Phụ nữ tỉnh... vẫn đang nỗ lực giúp DN tìm lao động. Các cấp Công đoàn trong tỉnh đang nỗ lực kết nối, nhằm đưa người lao động trở lại làm việc.

Các DN sản xuất đồ gỗ cũng đang cần nguồn lao động lớn từ vài trăm đến cả ngàn lao động/ DN. Công ty TNHH Timberland (TX.Tân Uyên), chuyên sản xuất ghế sô pha xuất khẩu có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động phổ thông. Công ty đăng tải thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, dán thông báo tại khu vực đông người, thông qua giới thiệu của công nhân trong công ty và cử nhân viên “săn” lao động... thế nhưng mỗi ngày chỉ tuyển được khoảng vài chục người. Bà Phan Thị Cẩm Tú, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Timberland cho biết, trước dịch công ty có khoảng 8.500 lao động. Sau dịch, khi hoạt động trở lại thì chỉ có khoảng 4.000 lao động trở lại làm việc dẫn đến DN đang thiếu hụt lao động, trong khi đơn hàng cuối năm khá dồi dào.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Gỗ Tân Nhật (KCN Nam Tân Uyên) cho biết, công ty có khoảng 1.800 lao động. Sau dịch, dù đã trở lại hoạt động gần 1 tháng nhưng công ty đang thiếu lao động và dự kiến tuyển thêm từ 300 - 500 lao động. Bên cạnh đó, công ty đang kết nối với số lao động ở các tỉnh miền Tây đang về quê trong đợt dịch bệnh vừa qua để đưa họ trở lại nhà máy. Nếu ai trở lại làm việc, công ty đưa xe đến đón, chăm lo nhu yếu phẩm những ngày mới quay trở lại, chờ lương. Mức lương của Công ty Gỗ Tân Nhật đưa ra khi tuyển dụng lao động mới, cộng phụ cấp là khoảng 11 triệu đồng/ tháng. Với lao động làm lâu năm thì tổng thu nhập cao hơn nhiều.

Giúp DN tìm lao động

Theo thống kê, hiện các DN trên địa bàn đang cần gần 50.000 lao động để ổn định sản xuất. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc các DN thiếu hụt lao động được dự báo trước khi một lượng lớn lao động về quê. Trong thời gian này, bên cạnh DN chủ động liên lạc với công nhân về quê để đưa họ quay lại nhà máy, nâng cao thu nhập cùng các chế độ phụ cấp thì các DN phải liên kết với nhau để tìm lao động. Đó là những lao động dư thừa khi DN gặp khó khăn trong dịch bệnh, dẫn đến ngừng hoạt động; phải nhanh chóng kết nối với số lao động này để bổ sung vào nguồn lao động thiếu hụt. Sở cũng đã làm việc với các DN, rà soát số lao động đang thiếu, kết nối với nhiều địa phương để đưa người lao động trở lại.

Từ đầu tháng 10, khi Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đã liên tục tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Trung tâm cũng kết nối lao động ở các DN ngưng sản xuất chuyển qua các DN hoạt động trở lại. Chỉ trong 1 tháng qua, các DN đã liên hệ với trung tâm để tuyển khoảng 17.000 vị trí việc làm; trong đó chủ yếu là lao động phổ thông, tập trung ở các ngành may mặc, giày da, điện tử và gỗ, ngoài ra còn các vị trí văn phòng, kế toán, kỹ thuật có tay nghề…

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh cho biết, nguồn lao động tại chỗ hiện nay rất ít nên cần phải liên kết đưa lao động từ các tỉnh về Bình Dương. Tuy nhiên, việc này phải có sự phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành. Các kênh kết nối tại trung tâm trong mùa dịch và hiện nay chủ yếu tập trung vào các kênh online: Trang Zalo (Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương), email, website (vieclambinhduong.vn), Facebook, hộp thoại chat tìm việc nhanh trên website, ngân hàng việc làm tại trung tâm, qua điện thoại… DN và người lao động cũng có thể tìm việc và tìm người trực tiếp trên website của trung tâm.

Cũng theo ông Phương, để thu hút lao động trở lại làm việc, đa số DN có các chính sách hỗ trợ một tháng tiền thuê trọ ban đầu cho lao động, hỗ trợ xe đưa đón tận địa phương đến công ty, thực hiện cách ly 14 ngày vẫn hưởng lương, sau đó mới đi làm. Nếu chưa tiêm vắc xin sẽ được công ty đăng ký tiêm vắc xin tại DN...

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên