Nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất VN - Petrolimex vừa thông báo tính đến chiều qua, với mỗi lít xăng bán lẻ hãng đang lỗ khoảng dưới 800 đồng, chưa bao gồm các khoản chi phí khác. Mặt hàng dầu cũng lỗ ở mức tương đương.
Bảng so sánh giá cơ sở với giá bán lẻ hiện hành vẫn được Petrolimex công bố trên website của mình theo đúng quy định. Công thức tính giá xăng bao gồm các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức... này được coi là cơ sở để người tiêu dùng so sánh khoản chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ hiện hành.
Xăng A92 đang có giá 16.990 đồng một lít.
Quan chức Petrolimex than thở: "Chúng tôi đang kinh doanh trong bối cảnh rất khó khăn. Giá thế giới tăng cao, doanh nghiệp gần như không có lãi. Do vậy, nếu như Nhà nước tiếp tục kìm giá thì phải áp dụng các biện pháp giảm thuế hoặc hỗ trợ bằng quỹ bình ổn...".
Petrolimex cho biết trong vòng 30 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm chào bán tại thị trường Singapore - nơi cung cấp nguồn hàng chính cho các doanh nghiệp Việt đang đứng ở mức rất cao với 88,39 USD một thùng. Các mặt hàng dầu dao động quanh ngưỡng 87-88 USD một thùng. Với giá nhập khẩu này, sau khi cộng các khoản phí, thuế, chênh lệch tỷ giá, khoản trích quỹ bình ổn… giá mỗi lít xăng A92 về thị trường vào khoảng 18.061 đồng, trong khi giá bán lẻ hiện hành là 16.990 đồng. Nếu trừ 300 đồng tiền lãi định mức đã tính trong giá bán lẻ, mỗi lít xăng A92 Petrolimex đang lỗ khoảng 771 đồng, chưa bao gồm một số khoản chi phí khác. Tương tự, đối với mặt hàng dầu diezel và dầu hỏa, khoản lỗ này vào khoảng gần 600 đồng mỗi lít.
Đại diện hãng xăng dầu Quân đội lại khẳng định trong bối cảnh hiện nay giá thế giới tăng cao, doanh nghiệp nào cũng lỗ. Tuy nhiên, với doanh nghiệp lớn, khoản lỗ chỉ ở ngưỡng 700-800 đồng, còn các đơn vị nhỏ, chi phí cao, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, khoản lỗ này lên tới trên 1.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp không được đóng cửa, bất kể kinh doanh lãi hay lỗ...
Một số doanh nghiệp đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính cho phép được giảm thuế nhập khẩu, bên cạnh việc "xả" quỹ bình ổn ra để ứng cứu. Tuy nhiên, đến thời điểm này các biện pháp "giải khó" cho doanh nghiệp vẫn đang nằm trong diện xem xét của Bộ Tài chính. Phương án mà cơ quan này tính đến là trích quỹ bình ổn ra bù lỗ cho doanh nghiệp. Tính đến tháng 3 quỹ bình ổn đang có trên 1.500 tỷ đồng. Quan chức Bộ Tài chính khẳng định: Tiếp tục kìm giá bán lẻ vẫn là biện pháp cấp bách hiện nay.
Theo VNE