Doanh nghiệp thắt chặt chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 17-05-2022 | 08:09:28

Ứng phó với mức tăng của mặt bằng giá cả nguyên liệu đầu vào, hàng tiêu dùng, nhất là khi giá các loại nhiên liệu, cước vận tải tăng cao, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh phải cân đối lại chi phí hoạt động, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá đầu ra…

 Sản xuất giày da tại một DN trên địa bàn TX.Tân Uyên

 Gồng mình

Nhờ linh hoạt thích ứng, sản xuất của các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục phục hồi, phát triển. Trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, IIP tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiện nền kinh tế vẫn còn khó khăn khi giá cả hàng hóa tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất vẫn còn ở mức cao.

Tổng Giám đốc Công ty giày Nam Bình (TP.Dĩ An) Nguyễn Quang Vũ cho biết, nguyên vật liệu sản xuất nhập vào từ đầu năm đến nay đã tăng 10% - 20%, bên cạnh đó là các chi phí phát sinh khác. Mặc dù tăng trưởng về doanh số của DN năm 2022 có nhiều triển vọng, khi số lượng cung ứng ra có thể tăng 20%, nhưng do giá cả nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển, công nợ của khách hàng… nên tình hình sản xuất cũng có những khó khăn nhất định. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để vượt qua khó khăn bằng cách cân đối chi phí, đầu tư công nghệ và liên kết với nhau. Tăng giá bán ra ngày thời điểm này là không giữ được đối tác”, ông Vũ khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho hay, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, tất yếu sẽ kéo theo giá heo hơi tăng lên. Không chỉ phải đối mặt với giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng mà còn chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao liên tiếp. Tuy nhiên, khó khăn lớn là từ tết tới giờ sức mua thấp, nếu tăng giá sản phẩm thì sức mua giảm nữa nên tới thời điểm này công ty vẫn chưa dám tăng giá bán. Vissan bằng mọi giá vẫn ráng cầm cự.

Đối với các DN nhỏ, việc chắt chiu từng khoản chi phí được kỳ vọng trụ vững ở thị trường. Theo ông Lương Ngọc Văn, Giám đốc Công ty Trường Thọ, TX.Bến Cát, chuyên cung ứng các loại trà, bột giải khát cho biết: “Giá nguyên liệu đầu vào tăng, nguyên liệu nhập vào còn phụ thuộc vào chi phí sản xuất của người nông dân, các trang trại. Trong khi đó, giá phân bón thời gian qua liên tục tăng, khiến cho các nhà cung ứng nguyên liệu cũng tăng giá bán. Điều này kéo theo việc DN buộc phải tăng giá bán thành phẩm ra thị trường. Song trong bối cảnh khó khăn, DN tìm cách thích nghi để trụ lại khi ràng cắt giảm chi phí logictiscs, chi phí quảng bá ”, ông Văn chia sẻ thêm.

Tăng nhẹ để cắt lỗ

Ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, cho rằng Acecook hiện đã hết cách. Vào những năm trước, khi có những đợt cả chi phí mua nguyên vật liệu, nhiên liệu và vận chuyển tăng nhưng Acecook Việt Nam đã nỗ lực để duy trì giá bán. Tuy nhiên, đến nay tình hình đã đến mức DN dù cố gắng hết sức cũng không thể bù lại được. Ông Kajiwara Junichi cho biết lần tăng giá sản phẩm gần nhất của công ty cũng đã hơn 10 năm.

Những khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của giá và phí tăng cao ngất ngưỡng nói trên cũng đang xảy ra với những DN xuất khẩu. Chưa kịp mừng khi hoạt động sản xuất đang hồi phục và đơn hàng tăng trở lại, nay các DN “đứng ngồi không yên” vì giá xăng dầu tăng phi mã, kéo theo chi phí giá thành tăng cao cùng nguyên phụ liệu khan hiếm. Các DN gỗ cho biết đã bắt đầu chịu tác động từ ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine khi các đơn hàng từ Ukraine không thể chuyển về Việt Nam được nữa. Việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Âu cũng bị ảnh hưởng vì nguồn cung có hạn, giá bị đẩy lên cao khiến chi phí sản xuất tăng lên. Nguyên nhân được lý giải là do EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga.

Đứng trước vấn đề khó khăn, các DN ngành gỗ họp bàn những phương án đối phó và đưa ra những cách giải quyết cùng nhau vượt khó. Ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu, chia sẻ: “Tôi đã gọi điện cho các nhà cung cấp và biết rằng giá nguyên liệu gỗ đã tăng lên. Việc đấu giá gỗ nguyên liệu sẽ phải cạnh tranh rất cao, trong khi giá cước tàu vận chuyển thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”.

 Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương: Dù được đánh giá là phục hồi sản xuất nhanh nhất khi trong 4 tháng đầu năm các D N gỗ Bình Dương đạt hơn 10 tỷ đô la Mỹ xuất khẩu, chiếm 50% thị phần xuất khẩu của cả nước, tuy nhiên lợi nhuận giảm sâu so với trước đó. Các DN đều quyết tâm thực hiện đơn hàng, giữ vững thị trường. Ngành gỗ tính toán cho câu chuyện đường dài, phát triển bền vững, bởi ngay trong lúc khó khăn mà vẫn tồn tại và phát triển được đã thành công. Các DN đều cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận để cùng khách hàng vượt khó.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên