Doanh nghiệp thuận lợi khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Cập nhật: 02-12-2021 | 09:22:35

Để góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác và sử dụng tài nguyên nước, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-BTNMT (Thông tư 17) thay thế cho Thông tư 47/2017/TT-BTNMT (Thông tư 47) về các quy định giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Theo đánh giá, Thông tư 17 sau khi ban hành đã và đang tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tối ưu chi phí khi tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên nước.


Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đang khảo sát thực tế nhà máy xử lý nước thải tại Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam Chi nhánh Bình Dương

Giảm chi phí cho doanh nghiệp

Trên cơ sở khảo sát, lấy ý kiến của đơn vị quản lý nhà nước các địa phương và các chuyên gia trong lĩnh vực, Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư 17 thay thế cho Thông tư 47. Việc điều chỉnh các quy định về giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thông tư này kế thừa những quy định tại văn bản trước đó, đồng thời đưa ra một số điều chỉnh, bổ sung giúp các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiểu rõ và thực hiện tốt hơn.

Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài Nguyên nước & Khoáng sản, Sở TN&MT, cho rằng Thông tư 17 vừa ban hành đã và đang tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Theo đó, thông tư này không chỉ đưa ra những quy định rạch ròi, chặt chẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình mà còn giúp các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.

Cụ thể, thay vì phải đầu tư lắp đặt, vận hành và thường xuyên bảo dưỡng hệ thống thiết bị quan trắc, giám sát nhiều chỉ số về tài nguyên nước tại khu vực khai thác, sử dụng, hiện nay các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chỉ phải lắp đặt một thiết bị theo dõi. Đối với những doanh nghiệp (DN) có nhu cầu sử dụng lượng lớn tài nguyên nước thì đây là một trong những chính sách thuận lợi, góp phần giúp DN được phục hồi tốt hơn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, một trong những DN lớn hoạt động trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến mủ cao su. Với nhu cầu sử dụng tài nguyên nước khá lớn, thời gian qua công ty đã đầu tư hệ thống nhà máy khai thác, sử dụng tài nguyên nước khá quy mô, bài bản theo quy định của Thông tư 47/2017/TT-BTNMT. Ông Tào Mạnh Cương, Trưởng phòng quản lý chất lượng Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, cho biết sau khi Bộ TN&MT ban hành Thông tư 17 thay thế Thông tư 47 trước đó, công ty đã cắt giảm được một khoản chi phí đáng kể cho việc đầu tư lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các thiết bị quan trắc.

Tăng cường cải thiện tài nguyên nước

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ TN&MT và UBND tỉnh về việc duy trì, bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương phía Nam, cùng với việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, từ nhiều năm qua Sở TN&MT đã giao các đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát chất lượng, mực nước mặt, nước ngầm tại nhiều khu vực.

Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước thời gian gần đây, tình trạng suy thoái tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã được hạn chế. Ở một số khu vực, chất lượng và trữ lượng tài nguyên nước còn có dấu hiệu được cải thiện và dần phục hồi theo thời gian. Có thể khẳng định, đây là thành quả chung mà ngành TN&MT cùng các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực và người dân trên địa bàn đã chung tay thực hiện.

Để có được thành quả nói trên, trước hết phải kể đến việc đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống các trạm quan trắc kỹ thuật môi trường nước mà Sở TN&MT phối hợp các DN thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, với công nghệ hiện đại được quản lý bởi phần mềm đa nhiệm tại trụ sở đơn vị giám sát là Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật Tài nguyên & Môi trường tỉnh, thông qua những dữ liệu thực tế được gửi về từ các trạm quan trắc, cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng nắm bắt chất lượng, lưu lượng đầu vào và đầu ra các loại nước thải và nguồn tài nguyên nước được các tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng. Hệ thống quan trắc tự động môi trường nước đồng thời cũng giúp DN kịp thời nhận biết những nguy cơ, dấu hiệu quá tải hoặc bất thường trong các khâu xử lý nước thải để kịp thời khắc phục. Việc này được đánh giá là sẽ giúp bản thân DN tránh được nguy cơ bị xử lý vi phạm hành chính do các sự cố kỹ thuật trong khâu vận hành hệ thống xử lý nước thải, đồng thời giúp bảo vệ môi trường sống tại các khu vực lân cận.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên