Doanh nghiệp “tìm lối” ở thị trường ngách

Cập nhật: 07-12-2023 | 08:38:34

 Giữa những khó khăn của thị trường truyền thống, nhiều doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tìm thị trường mới, đẩy các sản phẩm thế mạnh sang thị trường ngách để duy trì sản xuất.

 Sản xuất tại một DN may mặc Cụm công nghiệp Phú Chánh (TP.Tân Uyên)

 Duy trì sản xuất

Ông Đoàn Sỹ Lợi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chang Shuen, chuyên sản xuất giày da (KCN Tân Đông Hiệp), cho biết từ giữa năm ngoái, đơn hàng đi châu Âu giảm mạnh, hoạt động sản xuất của công ty khó khăn. Để xoay chuyển, lãnh đạo DN chuyển hướng sang thị trường Mỹ, chấp nhận những mẫu sản phẩm có đơn giá thấp. Tuy nhiên, xoay đủ cách nhưng nhà máy vẫn hụt 30% so với công suất hoạt động. Theo ông Lợi, từ nay đến tết, công ty vẫn có việc do có đơn hàng mùa đông nhưng năm tới khó đoán định. Dù rất nỗ lực tìm kiếm thị trường song nhu cầu mua sắm giảm, hàng tồn vẫn nhiều nên khách hàng ra đơn cầm chừng, nhà máy chỉ đủ việc duy trì hoạt động.

 Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Halcom Việt Nam: Chúng ta đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn. Những căng thẳng địa chính trị đang đặt ra thách thức lớn về tài chính, chuỗi cung ứng song cũng tạo ra cơ hội lớn trong việc thiết lập lại thị trường, tìm kiếm khách hàng mới.

Đối với ngành may mặc, bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Quốc Tế (TX.Bến Cát), cho biết trong khó khăn hiện nay của ngành may mặc, công ty chuyển đổi sang mặt hàng thể thao, cụ thể là quần áo đánh golf xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. “Chính nhờ chuyển đổi mặt hàng mà công ty vẫn có đơn hàng, duy trì được 70% công suất, bảo đảm việc làm cho công nhân. Chúng tôi cho rằng đây là hướng đi đúng mà công ty đã lựa chọn trong khó khăn chung của ngành may mặc. Chúng tôi cũng đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng đối với lĩnh vực đồ đánh golf ở một số nước châu Á để ổn định sản xuất”, bà Trang chia sẻ.

Không chỉ với thị trường xuất khẩu, các DN trong nước cũng nỗ lực tiếp cận với các phương thức bán hàng mới. Đưa những sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa thị trường, vượt khó duy trì sản xuất. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nam Bình, cho biết: “Có thể dễ dàng nhận thấy các trang thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada… có lượng người truy cập khổng lồ cùng khả năng bắt kịp xu hướng cực kỳ nhanh. Giao diện của những sàn này đều được phân khúc theo thị trường một cách rõ ràng. Công ty Nam Bình đang cố gắng đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử đồng thời quảng cáo trên các kênh TikTok, Zalo, Facebook… để mở rộng thị trường. DN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như thay đổi mẫu mã, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ… để thích ứng với tình hình mới đầy khó khăn hiện nay”.

Các DN ngành gỗ cũng “thức thời”, không còn ngồi đợi đơn hàng như thời hoàng kim năm 2022 khi các thị trường xuất khẩu lớn giảm sâu. Các DN tìm cách khai thác thị trường, ngay cả các thị trường ngách nhỏ lẻ hoặc quay trở về “sân nhà” với gần 100 triệu dân… nhằm tạo việc làm cho người lao động và duy trì sản xuất.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (TP. Thuận An), trước sự sụt giảm mạnh đơn hàng kéo dài ở thị trường truyền thống lớn như Mỹ, châu Âu… các DN đồ gỗ đã khai thác thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, Úc… hoặc quay trở về “sân nhà”. Mỗi DN có cách ứng phó riêng để duy trì sản xuất và tồn tại trong tình hình thị trường đầy khó khăn.

Bên cạnh tìm thị trường mới nhiều tiềm năng như Trung Đông và Ấn Độ… thời gian qua, Công ty TNHH Kettle Interiors Asia đồng thời quay về thị trường nội địa để phần nào gỡ lại lượng đơn hàng sụt giảm mạnh. Ông Cao Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia, cho biết tham gia thị trường nội địa, công ty không mở cửa hàng mà chỉ kinh doanh qua thương mại điện tử và tận dụng cửa hàng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại nhà máy ở Bình Dương nên không tốn kém nhiều chi phí. Nhờ tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân trong nước mà mỗi tháng công ty cũng tạo được doanh thu hơn 1 tỷ đồng, đồng thời duy trì được việc làm cho hơn 400 người lao động.

Nghiên cứu kỹ thị trường

Trên thực tế, trường hợp Công ty Kettle Interiors Asia nói trên là khá may mắn và mang tính cá biệt, bởi lẽ hiện tại thị trường trong nước cũng gặp khó khăn tương tự như các thị trường xuất khẩu. Nếu DN không nghiên cứu kỹ thị trường, xu hướng tiêu dùng mà chỉ lấy mẫu mã và nguyên liệu sản xuất ở các thị trường xuất khẩu áp vào thị trường nội địa thì rất khó tồn tại.

Mặt khác, trên thực tế trong một thời gian dài, ngành sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam chỉ chú trọng xuất khẩu và dường như đã bỏ quên “sân nhà” với doanh số hàng tỷ đô la Mỹ. Điều này khiến cho thị trường gỗ nội thất trong nước đang bị lấn át bởi sản phẩm nhập khẩu hay được sản xuất theo mẫu mã nhập từ nước ngoài, nhất là sản phẩm giá rẻ, bình dân từ Trung Quốc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Halcom Việt Nam, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Hiện Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do nên DN có nhiều cơ hội cạnh tranh ở các thị trường mới. Xu hướng tìm kiếm, đa dạng thị trường hay dùng sản phẩm ngách để tạo lợi thế cạnh tranh giúp DN giải phóng hàng tồn, mở ra cơ hội mới cho DN. Ngoài tham gia triển lãm, diễn đàn xúc tiến thương mại, DN cũng cần định hướng sản phẩm, tiếp cận nhanh nhiều thị trường mới giúp tăng doanh thu. DN Bình Dương cũng không thể nằm ngoài lối đi này”.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=390
Quay lên trên