Với các giải pháp cụ thể của tỉnh, kinh tế tháng 5 có sự phát triển khả quan, các lĩnh vực hàng hóa, bán buôn, bán lẻ, du lịch... đang tăng trưởng tốt. Tình hình sản xuất công nghiệp khởi sắc hơn so với tháng trước, đặt thêm nhiều kỳ vọng về sự hồi phục và phát triển.
Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đang trên đà hồi phục tốt. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Sharp Việt Nam (KCN VSIP II)
Những tín hiệu sáng
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa diễn ra, các thành viên UBND tỉnh đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách Nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Theo đó, điều đáng phấn khởi là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đáng chú ý công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,2%. Con số này được cho là nền móng của sự phục hồi và phát triển, hoàn thành mục tiêu năm 2023.
Cùng với công nghiệp, các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ, hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 ước đạt 25.899 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đạt 123.648 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 3,1%, giá vàng tăng 0,5%, giá đô la Mỹ tăng 3,1%. Tất cả cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi và phát triển trở lại.
Bức tranh kinh tế đã xuất hiện những sắc màu sáng, tuy nhiên áp lực về nguồn thu vẫn lớn. Bình Dương là một trong những tỉnh thành nộp ngân sách về Trung ương cao của cả nước, áp lực nguồn thu vẫn là sự canh cánh của lãnh đạo tỉnh và các ngành. Tháng 5, ước thu mới ngân sách đạt 4.200 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đạt 28.200 tỷ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ, đạt 42% dự toán HĐND tỉnh. Trong đó, thu nội địa 21.700 tỷ đồng, bằng 103% so với cùng kỳ, đạt 45% dự toán HĐND tỉnh; thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu 6.500 tỷ đồng, bằng 72% so với cùng kỳ, đạt 32% dự toán HĐND tỉnh.
Các ý kiến tại phiên họp đánh giá tình hình quốc tế, trong nước trong 5 tháng đầu năm có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. “Nỗi lo lớn nhất là doanh nghiệp (DN) vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng lớn. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành cần có sự hỗ trợ, sát cánh cùng DN”, ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết.
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ
Hiện nay, theo đánh giá của lãnh đạo ngành hải quan, một số ngành đã có sự phục hồi về xuất khẩu như máy móc, linh kiện điện tử… Tuy vậy, với một số ngành như gỗ, may mặc, giày da… vẫn còn đối diện với không ít khó khăn. Khó khăn không chỉ là nhu cầu thị trường mà đó còn là xu hướng tiêu dùng của thế giới. Mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững, nhưng DN vẫn “cái khó bó cái khôn” khi thiếu vốn, thiếu nhân lực.
Đơn cử như ngành dệt may, một ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi chiếm một phần đáng kể giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và luôn đứng trong top đầu nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, hiện nay dệt may đối diện với áp lực thay đổi toàn diện theo hướng xanh, bền vững.
Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, dệt may vốn là ngành xuất khẩu tới 80% sản lượng các mặt hàng. “Sức khỏe” của ngành dệt may phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu dùng thế giới, nhất là một số thị trường xuất khẩu truyền thống lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đầu năm tới nay, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân do suy thoái kinh tế, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt khiến nhu cầu suy giảm. Không chỉ oằn mình đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm về số lượng, tăng về độ khó, DN dệt may đang xoay xở đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, sản xuất bền vững từ các thị trường nhập khẩu lớn.
“Dù là đầu tư cho năng lượng mặt trời, nguyên liệu tái chế hay các điều kiện về môi trường, xã hội thì vốn luôn là bài toán khó của DN, bên cạnh đó thiếu nhân lực cũng là thách thức lớn. Đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may gần như đang tiến dần về đáy tăng trưởng, không có lợi nhuận trong khi gánh vác trên vai vấn đề an sinh xã hội của một bộ phận khá lớn lao động. Việc xoay xở đủ vốn để duy trì sản xuất đã khó, nói chi tới chuyện tái đầu tư”, bà Trang đau đáu.
Trong giai đoạn khó khăn này, cộng đồng DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các cơ quan chức năng. Trong đó, hỗ trợ về cơ chế, vốn cho đầu tư vào tăng trưởng xanh vẫn là mong muốn hàng đầu của DN” (Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gia Định) |
Theo ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gia Định, về vấn đề sử dụng năng lượng xanh, dù được nhận định sẽ đem đến nhiều lợi ích, nhất là những lĩnh vực tiêu thụ điện lớn như kéo sợi, nhưng vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là tài chính. Không phải DN nào cũng đủ khả năng để đầu tư phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho DN để đầu vào lĩnh vực này.
“Khi đối tác nước ngoài đặt hàng luôn kèm theo những tiêu chuẩn phải hướng đến. Tuy nhiên, song hành với đó là những yếu tố khác như nhân công, môi trường làm việc… Do vậy áp lực với DN sản xuất về tăng trưởng xanh là rất lớn cùng với sử dụng năng lượng xanh, yêu cầu về tỷ lệ nhất định nguyên liệu tái chế trong sản phẩm cũng khá “căng” với các DN”, ông Trung cho biết.
Khó là vậy nhưng bài toán tăng trưởng xanh của ngành dệt may, giày da vẫn phải giải quyết. Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới, những đối tác đặt hàng của ngành dệt may Việt Nam đang có xu hướng chuyển sang ưu tiên đặt hàng từ các nhà sản xuất “xanh”, đáp ứng điều kiện về môi trường. Vì vậy, muốn hay không việc tăng trưởng xanh là bắt buộc để ngành dệt may, giày da giữ được vị trí, bảo đảm tăng trưởng bền vững.
TIỂU MY - CẨM TÚ