Doanh nghiệp tư nhân có thêm động lực để phát triển

Cập nhật: 25-03-2010 | 00:00:00

Sắp tới DN tư nhân sẽ được chính danh tham gia các dự án được tài trợ bằng nguồn vốn ODA như DN Nhà nước. Trong ảnh: Công trình thủy lợi Phước Hòa. Ảnh: ĐÌNH HẬU

ODA là nguồn viện trợ chính thức của các tổ chức nước ngoài cho vay với sự bảo đảm của Nhà nước, nên việc tiếp cận nguồn vốn này chỉ trong phạm vi các cơ quan Nhà nước hoặc thành phần doanh nghiệp (DN) Nhà nước. Mới đây, kết luận về việc tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã yêu cầu: “Cần có cơ chế để DN tư nhân được vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) như các DN Nhà nước”. Trao đổi với PV. Báo Bình Dương, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương, Tiến sĩ Mai Hữu Tín cho rằng, sự kiện này sẽ tạo thêm động lực cho các DN tư nhân phát triển...

- DN tư nhân được vay vốn ODA như các DN Nhà nước khác, theo ông đây có thể là một tín hiệu mới giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển hay chí ít cho thấy Nhà nước đã nhận rõ hơn vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và những thiệt thòi từ cơ chế đối với khu vực này, qua đó có thay đổi để giúp kinh tế tư nhân phát triển?

- Những thiệt thòi mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải gánh chịu chắc chắn đã được các nhà lãnh đạo của đất nước nhìn thấy. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ các nhà lãnh đạo của chúng ta chọn thời điểm thích hợp để giải quyết các vấn đề này thôi. Tôi hy vọng ngoài việc cho DN tư nhân được vay vốn ODA thì Nhà nước sẽ sớm có thêm những giải pháp khác nữa để DN tư nhân Việt Nam có cơ hội thực hiện việc kinh doanh của mình tốt hơn, đóng góp được nhiều hơn cho đất nước. Ngoài vay vốn ODA còn có vay vốn thương mại với sự bảo lãnh của Nhà nước hoặc Nhà nước đứng ra phát hành trái phiếu nhưng cho DN tư nhân vay lại mà không tính thêm phí để thực hiện các dự án cần thiết cho đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và giáo dục.

- Ông có nhận định gì khi khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận được nguồn vốn ODA cũng như việc tiếp nhận nguồn vốn này sẽ tạo ra thay đổi gì trong hoạt động của DN tư nhân, cơ hội cũng như thách thức?

- Đương nhiên là các DN tư nhân sẽ có thêm động lực để phát triển, có nhiều cơ hội thực hiện các dự án lớn hơn và có thời gian thu hồi vốn đầu tư lâu hơn. Và chắc chắn là các DN tư nhân cũng phải điều chỉnh mình để có thể sử dụng tốt đồng vốn này. Thực tế còn nhiều DN tư nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Số DN báo cáo tài chính theo quy định của Luật Doanh nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp trong tổng số DN. Các báo cáo tài chính gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh cũng rất sơ sài, hình thức, số liệu thường thiếu chính xác và không đầy đủ. Công bằng mà nói, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay nói chung của DN hiện còn rất nhiều hạn chế, nguồn vốn vay ODA cũng không nằm ngoài quy luật này do những yếu kém nội tại của chính bản thân các DN. Vốn ODA gắn liền với các điều kiện khá ngặt nghèo của nước cung cấp vốn đề ra. Không có sự điều chỉnh và phấn đấu cần thiết thì việc sử dụng vốn này có hiệu quả không phải là chuyện dễ dàng.

- Nói kinh tế tư nhân có thể tiếp cận ODA nhưng thực tế điều này là không dễ dàng, theo ông Nhà nước cần có cơ chế cụ thể gì để giúp DN tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn này?

- Trước hết là sự minh bạch. Những thông tin cần thiết về điều kiện vay, lĩnh vực được vay, thời hạn, lãi suất, cách thức lựa chọn đơn vị được vay... phải được công bố rõ ràng. Có như vậy mới tránh được tiêu cực và tốn kém không cần thiết.

- Xin cám ơn ông!

THÀNH SƠN (thực hiện)

Chủ trương của Nhà nước là không phân biệt các thành phần kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi có chỉ đạo của Ban Bí thư, chắc chắn DN tư nhân sẽ được chính danh tham gia các dự án được tài trợ bằng nguồn vốn ODA. Giới chuyên gia cũng kỳ vọng, sự “mở cửa” này sẽ thúc đẩy sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn, gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trên thực tế, đến nay khu vực kinh tế tư nhân đã có đóng góp lớn cho nền kinh tế, chiếm đến 39% GDP và 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động với tốc độ nhanh, số lượng lớn. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức và có cơ chế phù hợp kích hoạt phát triển đúng tầm vóc. Sức sống mãnh liệt của khu vực kinh tế tư nhân biểu hiện rất rõ nét sau khi đất nước đổi mới. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm gần đây, số DN tư nhân đã tăng 15 lần và có độ thích nghi khá tốt khi thị trường trong nước và thế giới biến động. Chủ trương của Nhà nước là không phân biệt các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có cái nhìn khá e dè và đâu đó vẫn còn phân biệt đối xử với thành phần kinh tế này, thể hiện qua việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh, chính sách đầu tư, phân bổ vốn và nguồn lực quốc gia. Chính vì lẽ đó, khu vực kinh tế dân doanh chậm lớn so với tiềm năng và khả năng quản trị, điều hành.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một lực lượng đối trọng, trong đó bao gồm các tập đoàn kinh tế tư nhân được công nhận chính danh, có vị thế cạnh tranh trong nước và trên trường quốc tế, đòi hỏi tự thân các doanh nghiệp phải tăng cường nội lực thực sự trên thương trường, tham gia có hiệu quả vào các lĩnh vực kinh tế mang tính chiến lược của đất nước, trong đó có việc thực hiện có hiệu quả các dự án từ nguồn vốn ODA.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên