Doanh nghiệp vận động công nhân ở lại nhà máy làm việc
(BDO) Khi dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng lây nhanh vào các công ty, khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang vận động công nhân ở lại nhà máy làm việc, tránh đi về mang mầm bệnh vào nhà máy. Việc làm này vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh vừa bảo đảm thu nhập cho người lao động (NLĐ).
Hàng trăm công nhân Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su Miền Nam được bố trí ăn ở, làm việc tại công ty để phòng, chống dịch bệnh
Tạo khu vui chơi cho công nhân trong nhà máy
Đi tiên phong trong việc này tại Bình Dương là Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (TX.Tân Uyên). Đã hơn 1 tuần nay, gần 500 công nhân đã ăn ở tại công ty để làm việc và dần đi vào nề nếp. Công nhân còn cải tạo những khoảng đất trống trong nhà máy làm sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông để luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe.
Ông Hoàng Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su Miền Nam, cho biết khi TX.Tân Uyên thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh, Ban giám đốc công ty đã họp bàn phương án cho toàn bộ công nhân viên ở lại công ty để duy trì sản xuất. Ngay sau đó, công ty tiến hành mua sắm đồ đạc, lều trại, sắp xếp chỗ ở đầy đủ tiện nghi cần thiết cho 480 người đồng ý vào ở lại. 170 lao động còn lại làm việc tại nhà hoặc nghỉ việc hưởng lương tối thiểu.
Tất cả công nhân nam ở lều trại, có 24 công nhân nữ được bố trí ở ký túc xá dành cho các chuyên gia. Mỗi người được cấp một ổ cắm điện, quạt, chăn, gối, mền. Nhà máy phối hợp với ngành y tế tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân để bảo đảm không đưa mầm bệnh vào nhà máy. Vật tư phải đi qua thang trượt ở cổng và khử trùng trước khi đến tay người nhận.
Bên cạnh miễn phí 3 bữa ăn chính và 2 bữa phụ, mỗi NLĐ còn được công ty hỗ trợ 150.000 đồng/ngày. Khu nội trú có nội quy rất nghiêm, yêu cầu công nhân phải tuân thủ để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Công ty còn mua sắm các dụng cụ thể thao cho công nhân vui chơi khi chiều đến, sắm dụng cụ cắt tóc cho những người có nhu cầu, trang bị wifi tại khu nội trú để công nhân tiện liên lạc, cập nhật thông tin, sinh hoạt cá nhân.
Vận động công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ
Hiện có rất nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang vận động công nhân ở lại nhà máy làm việc. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết hiện một số nhà máy, DN trên địa bàn có quy mô dưới 500 công nhân đã có phương án cho công nhân sinh hoạt và làm việc tại nhà máy. DN tận dụng các khu nhà tập thể hiện có hoặc sử dụng nhà kho, dọn dẹp một phần nhà xưởng, mua thêm lều trại, tự cơi nới để tạo điều kiện cho công nhân nghỉ ngơi.
Đến chiều 30-6, Công ty Gỗ Trần Đức (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) đã sắp xếp xong chỗ ở cho hàng trăm công nhân ở lại làm việc, tránh đi về lây dịch vào nhà máy. Ban giám đốc công ty cho biết nếu số lượng đăng ký vượt trên 80% lao động, ai không đăng ký sẽ được cho ở nhà, hạn chế lây dịch bệnh cho người ở lại. Khi ở lại làm việc tại công ty, công nhân được phụ cấp thêm 1 triệu đồng/tháng/ người. Nếu ở lại mà không tăng ca, công nhân vẫn được miễn phí 3 bữa ăn trong ngày.
Tuy nhiên, Ban giám đốc công ty khuyến khích công nhân tăng ca ít nhất 2 giờ/ngày để tăng thu nhập. Nếu lao động tăng ca qua 20 giờ đêm, công ty phục vụ ăn khuya... Công ty đã liên hệ với Bệnh viện Medic Bình Dương đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân viên trước khi tiến hành lưu trú, tránh dịch bệnh xâm nhập vào DN.
Theo bà Nguyễn Kim Loan, cách làm này giúp NLĐ yên tâm hơn, DN giữ nhịp sản xuất trước tình trạng các khu công nghiệp, nhà máy ở Bình Dương đan xen khu dân cư, nhà trọ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
QUANG TÁM