Doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng: Cần hỗ trợ để duy trì hoạt động

Cập nhật: 30-03-2022 | 08:10:03

Trước việc giá nhiện liệu tăng cao trong thời gian gần đây đã có nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách cố định đề xuất xin phép tăng giá cước. Trong khi đó doanh nghiệp xe buýt cho biết đang “gồng mình” trước những khó khăn chồng chất hiện nay. Dù đã giảm tần suất, số chuyến còn 50% so với trước, lượng khách vẫn quá ít, thu không đủ bù lỗ cho chi phí hoạt động, có đơn vị xe buýt đến nay chưa trở lại hoạt động.

Giá nhiên liệu tăng, khách giảm

Phục hồi hoạt động vận tải hành khách trên tuyến cố định, cũng như vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn đang gặp nhiều khó khăn do lượng khách ít thì việc giá xăng dầu tăng càng chồng chất thêm khó khăn. Tại Bến xe khách Bình Dương, cảnh “bến vắng” người dân đi lại trên các tuyến khách, tuyến buýt giảm rất nhiều so với trước, có chuyến xuất bến chỉ có vài hành khách. Theo các đơn vị vận tải, nguyên nhân do gián đoạn hoạt động trong thời gian dài, tâm lý sợ lây nhiễm dịch bệnh khi di chuyển bằng phương tiện xe buýt, xe khách khiến người dân chuyển sang di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Việc giá nhiên liệu liên tiếp tăng buộc nhiều doanh nghiệp đã chủ động xin cơ quan quản lý điều chỉnh giá cước để giảm việc lỗ trong hoạt động.

 

Buýt Phúc Gia Khang giảm 50% giá vé cho các đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên… nhưng chỉ còn 4/25 đầu xe hoạt động để giảm lỗ

Ông Huỳnh Văn Trọng, Giám đốc Bến xe khách tỉnh, cho biết trước tình hình giá xăng dầu liên tục tăng thời gian gần đây, một số doanh nghiệp vận tải các tuyến khách cố định đã xin điều chỉnh giá cước để cân đối với giá dầu cùng các khoản chi phí liên quan. Theo đó, 2 đơn vị vận tải gồm Hợp tác xã vận tải thủy bộ Vĩnh Thuận (Kiên Giang) xin điều chỉnh giá cước trên tuyến Bến xe khách Vĩnh Thuận - Bến xe khách Bình Dương tăng 10% (từ 195.000 đồng/vé tăng lên 215.000 đồng/vé); Hợp tác xã vận tải thủy bộ Thạnh Phú (Bến Tre) xin điều giá cước tuyến Bến xe Thạnh Phú - Bến xe khách Bình Dương tăng 27,27% (từ 110.000 đồng/vé tăng lên 140.000 đồng/vé).

Trao đổi với phóng viên, nhiều đơn vị vận tải cho biết nếu tình hình giá xăng dầu tiếp tục duy trì mức cao như hiện nay, trong khi lượng hành khách đi lại giảm sút, chắc chắn sẽ còn nhiều đơn vị xin điều chỉnh giá cước nếu không sẽ phải bù lỗ. Bà Trần Kim Hoàng, chủ nhà xe Kim Hoàng bày tỏ, nhiều năm hoạt động nhưng chưa bao giờ hoạt động vận tải hành khách lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Bà Hoàng cho biết: “Trước dịch bệnh trung bình mỗi ngày nhà xe có 3 chuyến đi 2 chiều từ Bến xe khách Bình Dương đi Tiền Giang, nhưng hiện nay do không có khách nên đơn vị giảm mỗi ngày còn 1 chuyến. Nếu tình giá nhiên liệu tăng chắc chắn sẽ phải xin điều chỉnh tăng giá cước để giảm lỗ trong hoạt động”.

Xe buýt cắt giảm 50% số chuyến

Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng cùng chung cảnh ngộ khi gặp khó khăn chồng chất. Theo các đơn vị, giá nhiên liệu 14 lần tăng giá, từ tháng 6-2021 đến 12-3- 2022. Cụ thể, đơn giá dầu diesel tăng từ 14.770 đồng/lít lên 25.268 đồng/lít, tương đương mức tăng 10.498 đồng/lít, tăng khoảng 71,08%. Trước khó khăn, dù nỗ lực hoạt động trở lại nhưng chỉ có 2/5 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cắt giảm 50% số chuyến so với trước. Bên cạnh đó, các phương tiện sau thời gian dài ngừng hoạt động, khi trở lại doanh nghiệp phải đầu tư thêm nhiều chi phí để duy tu, sửa chữa phương tiện...

Ông Đoàn Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Trinh, cho biết đơn vị đã cắt giảm 50% số chuyến so với trước nhưng mỗi tháng phải bù lỗ trung bình khoảng 150 triệu đồng do lượng khách quá ít, doanh số không thể trang trải cho kinh phí hoạt động. Cùng hoàn cảnh khó khăn này, chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Gia Khang, cho biết thời gian gần đây đơn vị cũng đang căng mình tìm nhiều biện pháp để cắt giảm lỗ trong hoạt động. 25 đầu xe của đơn vị chạy tuyến TP.Thủ Dầu Một - TP.Đồng Xoài, từ 10 đầu xe hoạt động khi trở lại “bình thường mới”, giờ đây đơn vị tiếp tục giảm còn 4 xe, nhưng vẫn bù lỗ trung bình cho mỗi chuyến khoảng 1 triệu đồng. “Nếu làm một phép tính về các chi phí trong hoạt động trên mỗi chuyến xe, việc bù lỗ là điều không thể tránh khỏi, các đơn vị vẫn đang “gồng mình” bù lỗ để duy trì hoạt động”, ông Nguyễn Trung Đoàn nói.

Ông Vũ Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cho biết trước những khó khăn chung trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, các doanh nghiệp đã kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải hỗ trợ theo lộ trình để giúp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Các đơn vị xe buýt rất kỳ vọng về lộ trình hỗ trợ chi phí nhiên liệu sẽ được UBND tỉnh chấp thuận. Từ đó tạo đà giúp các đơn vị duy trì hoạt động, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, góp phần thuyết phục người dân, công nhân lao động sớm lựa chọn xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại, giảm phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Tiếp thu kiến nghị của các đơn vị xe buýt trên địa bàn về lộ trình hỗ trợ để tổ chức hoạt động trở lại, Sở Giao thông - Vận tải vừa trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ chi phí nhiên liệu dầu diesel và khí CNG cho hoạt động của 13 tuyến trên địa bàn tỉnh. Thời gian hỗ trợ chi phí nhiên liệu trong 12 tháng dự kiến với số tiền khoảng 19 tỷ đồng. Việc hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần phục hồi và duy trì hoạt động trong thời gian tới.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=542
Quay lên trên