Xe container ở các khu công nghiệp ở tỉnh vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa xuất khẩu phần lớn đều qua các cảng ở TP.HCM. Do đó chỉ cần phía TP.HCM điều chỉnh tăng lệ phí cầu đường, coi như gánh nặng ấy lập tức trĩu vai doanh nghiệp (DN).
Năm 2010 do phải tạm ngưng thu phí trong 2 tháng để bảo đảm thông xe, phục vụ sửa chữa cầu Bình Triệu cũ nên doanh thu của Công ty CII - đơn vị thu phí tại đây chỉ đạt 86,69% kế hoạch. Từ quý 1-2011, theo hợp đồng, sau khi hoàn thành sửa chữa, thông xe cầu cũ thì Công ty CII (Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, gọi tắt CII) được phép tổ chức thu phí hai chiều trên tuyến (được phép lập thêm trạm thu phí theo chiều từ thành phố qua cầu cũ đi về hướng tỉnh Bình Dương, thuộc địa phận quận Thủ Đức) nhưng doanh thu thực hiện mới chỉ đạt 45,83% kế hoạch. Tương tự, theo số liệu thống kê, trong quý 1-2011, doanh thu tại trạm thu trên xa lộ Hà Nội chỉ đạt 84,25% và tại trạm trên đường Kinh Dương Vương chỉ đạt 75,77% kế hoạch.
Hoạt động vận tải hàng hóa đang gặp khó khi phí cầu đường tăng. (Ảnh: T.Bình)
Chính vì những con số phần trăm doanh thu không làm hài lòng các ông chủ của Công ty CII, nên buộc lòng phải tăng lệ phí “qua trạm”. Ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty Vận tải Đặng Tiến nói sau hai đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, hầu hết các DN vận tải bằng container đều điều chỉnh giá cước tăng trung bình từ 20 - 30%. Từ nay đến cuối năm, không DN nào dám tăng giá cước nữa vì sẽ mất khách hàng. Vì vậy, việc tăng mức phí qua trạm lần này chỉ có doanh nghiệp gánh. Ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc DN vận tải Minh Thành than vãn nếu áp dụng mức thu mới thì tới đây mỗi ngày DN ông phải tiêu tốn thêm vài trăm ngàn.
Điều khiến không ít DN tỉnh Bình Dương và TP.HCM bức xúc là nếu dòng xe đi từ quốc lộ 1A (xa lộ Đại Hàn cũ) rẽ phải về xa lộ Hà Nội để về các cảng Tân Cảng, cảng Sài Gòn theo lộ trình qua cầu Sài Gòn và vòng xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh để vào Tân Cảng hoặc đi tiếp về hướng quận 1, sang quận 4 vào khu vực cảng Sài Gòn và (lộ trình ngược lại) hoàn toàn không sử dụng đường Điện Biên Phủ mở rộng nhưng lâu nay vẫn bị buộc đóng phí cho sử dụng đường Điện Biên Phủ. Lý do được đưa ra là các xe có đi vào mố cầu Sài Gòn là đã sử dụng đường Điện Biên Phủ và đương nhiên phải đóng phí. “Cầu nào mà không có đường dẫn nên việc cho rằng đi vào mố cầu Sài Gòn tức đã sử dụng đường Điện Biên Phủ là không thuyết phục”. Ông Đặng Đức Tiệp, nói. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng giải thích rõ về tính pháp lý của trạm thu phí xa lộ Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa được giải thích thỏa đáng. Trong khi đó, đơn vị thu phí lại được tăng mức thu.
MINH CHÂU