Doanh nghiệp Việt chủ động trước AEC và TPP

Cập nhật: 23-01-2016 | 08:20:49

Sáng qua (22-1), trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức Hội thảo khoa học Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên trình bày, thảo luận những kết quả nghiên cứu mới; là dịp giao lưu, hiện thực hóa những kết quả nghiên cứu với việc áp dụng một cách có hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống; đồng thời thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm, học thuật giữa nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên ở trong và ngoài trường Đại học Thủ Dầu Một...

TPP mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Bình Dương trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng các mối quan hệ thu hút đầu tư… Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH New Choice Foods (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II). Ảnh: XUÂN THI

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học với 23 bài viết và báo cáo tham gia, tập trung vào một số nội dung chính như trình bày tổng quan về Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và TPP; nền tảng và vai trò của TPP; sự khác nhau giữa gia nhập AEC và TPP; những cơ hội và thách thức từ AEC và TPP đối với từng lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam...

Phát biểu tại hội thảo, thạc sĩ Đỗ Thị Ý Nhi, trường Đại học Thủ Dầu Một nhấn mạnh, những mục tiêu, yêu cầu và nội dung của hội thảo về cơ bản đã được giải quyết. Hội thảo đã góp thêm ý kiến cho việc cần thiết phải thay đổi để Việt Nam nâng cao hiệu quả trong quá trình hội nhập. Sau hội thảo này, chúng ta cần quan tâm và giải quyết một số vấn đề như đẩy mạnh nhiều hình thức làm chuyển biến nhận thức trong mỗi người Việt Nam về vai trò, sự cần thiết phải hòa nhập thế giới; tiếp tục đánh giá thực trạng của Việt Nam khi tham gia vào AEC và TPP...

Nhiều tác động

Hội nhập kinh tế thế giới và khu vực đã trở thành xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Việt Nam và các nước trong ASEAN đã có những bước tiến quan trọng trong hợp tác về kinh tế trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2006-2014, ASEAN duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, trở thành một trong những khu vực có nền kinh tế năng động phát triển bậc nhất thế giới. Điều này cho thấy tác động rõ rệt của việc tự do hóa thương mại nội khối. Với việc tự do hóa thương mại, tăng cường vai trò và vị thế trong AEC, Việt Nam nhiều khả năng sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế quan và đẩy mạnh tự do hóa thương mại trong AEC sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực và hiệu quả đối với Việt Nam.

Trong khi đó, cán cân thương mại của Việt Nam cũng sẽ thay đổi rõ rệt trong thời gian tới khi tham gia AEC. Trong giai đoạn 2005-2014, Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực từ thâm hụt đến cân bằng. Như vậy, AEC có hiệu lực cũng đồng nghĩa với việc cán cân thương mại Việt Nam sẽ được cải thiện theo hướng tích cực, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cũng như nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Theo thạc sĩ Trần Tấn Hùng (trường Đại học Thủ Dầu Một), việc TPP được chính thức công bố vào cuối năm 2015 cũng mang lại nhiều tác động đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo một nghiên cứu mới nhất, trong trường hợp TPP có hiệu lực, đến năm 2025 GDP nước ta sẽ đạt con số 340 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 239 tỷ USD. Các cam kết của TPP về tạo lập một môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh công bằng, quyền lợi người lao động… là những yếu tố quyết định thu hút đầu tư, phân bổ hiệu quả nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Tuy nhiên, AEC và TPP cũng sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực cho Việt Nam. Cụ thể, việc mở rộng hội nhập đồng nghĩa với việc gia tăng sức ép cạnh tranh; trong khi đó nền kinh tế của nước ta còn yếu hơn nhiều nước trong nội khối. Đáng ngại nhất là trình độ công nghệ, quản trị sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn yếu kém, lạc hậu; năng suất lao động của Việt Nam nằm ở nhóm thấp; bên cạnh đó thị trường vốn của Việt Nam theo nhiều chuyên gia vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được đủ lực cho nền kinh tế…

Cần chủ động trước hội nhập

Có thể thấy, AEC và TPP sẽ tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng bị tác động lớn nhất, nhiều nhất. Chính vì thế, hơn ai hết, doanh nghiệp cần chủ động trước cơ hội lẫn thách thức mở ra trước mắt. Chẳng hạn, ở một trong những lĩnh vực được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ AEC và TPP là dệt may, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất lớn.

Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tăng trưởng bình quân đến 19%/ năm trong giai đoạn 2004-2014, đóng góp 10 - 15% GDP của cả nước hàng năm. AEC và TPP sẽ mở ra cơ hội tiếp cận với một thị trường rộng lớn hơn, đồng thời gia tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và là cơ hội lớn để thu hút đầu tư lớn hơn nữa vào ngành dệt may của nước ta. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với cú sốc cạnh tranh gay gắt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI và nguy cơ đánh mất thị trường trung, cao cấp vào tay của các doanh nghiệp thương hiệu lớn của nước ngoài.

Thạc sĩ Hà Lâm Oanh (trường Đại học Thủ Dầu Một) cho rằng, để tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp dệt may cần có nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không phát triển được nguồn nhân lực thì ngành dệt may không bao giờ giải quyết được vấn đề nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cởi mở hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực, tránh phụ thuộc vào nguồn nhân lực do các trường nghề đào tạo. Nói cách khác, doanh nghiệp không chỉ sử dụng mà còn phải tự đào tạo nhân lực cho mình.

Đồng tình với quan điểm doanh nghiệp cần chủ động trước AEC và TPP, thạc sĩ Vũ Quang Huy (Đại học Thủ Dầu Một) cũng cho rằng, khối doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải hứng chịu tác động rất lớn và áp lực thay đổi là không hề nhỏ. “Nhà nước cần quyết tâm hơn trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, chú trọng đến vấn đề tái cơ cấu về mặt sở hữu và quản trị doanh nghiệp để doanh nghiệp Nhà nước thay đổi về nội dung, bản chất, thay vì hình thức hời hợt bên ngoài. Chỉ khi làm được như vậy, doanh nghiệp Nhà nước mới có thể tự mình thoát khỏi tâm lý ỷ lại vào cơ quan chủ quản, xây dựng lại chiến lược phát triển để cạnh tranh sòng phẳng bằng thực lực”, ông Huy cho biết.

Theo các nhà khoa học, việc AEC vừa có hiệu lực và các nước hoàn tất các vòng đàm phán TPP đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng các mối quan hệ thu hút đầu tư, hợp tác phát triển với các đối tác nội khối ASEAN và trong khu vực. Tuy nhiên, để biến thời cơ thành cơ hội thực sự, biến thách thức thành lợi thế để phát triển, cần có sự chủ động tự làm mới mình đến từ chính cộng đồng doanh nghiệp. Hơn ai hết, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng để tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết nhất trước AEC và TPP.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết
Tags
TPP

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=759
Quay lên trên