Hàng loạt hoạt động xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đang được tiến hành cho thấy một xu hướng mới.
Trong hội thảo xúc tiến đầu tư sang Australia và New Zealand lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với nhóm 50 doanh nghiệp tiềm năng do Đại sứ quán hai nước tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, các thông tin về việc một số doanh nghiệp Việt Nam đang xúc tiến thành lập công ty, đại diện tại Australia để hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất bột giấy, các sản phẩm sữa, nông sản và rượu bia đã được tiết lộ.
Thị trường mới
Không chỉ đầu tư sang các thị trường truyền thống - các nước láng giềng như Lào và Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam đang vươn ra khỏi châu lục với những khoản đầu tư đáng kể.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Được biết, dự án đầu tư sản xuất than Coldry xuất khẩu tại Australia có tổng công suất khoảng 20 triệu tấn/năm của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thăng Long (vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư) đang triển khai thủ tục với phía Australia để tiến hành giai đoạn 1 của dự án (2 triệu tấn/năm) với trị giá khoảng 93 triệu USD.
Như vậy, mặc dù Việt Nam cơ bản chưa phải là quốc gia xuất khẩu vốn, song việc Đại sứ quán Australia và New Zealand tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam để kêu gọi đầu tư hoàn toàn có cơ sở. Hơn thế, theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hàng loạt cuộc xúc tiến tương tự cũng đã được một số quốc gia khu vực Trung Đông, châu Phi thông báo lịch trình.
Nhiều doanh nghiệp cho biết cho biết, thủ tục đầu tư tại thị trường Australia khá dễ dàng. Với các dự án có tổng vốn đầu tư không quá 231 triệu AUD, không thuộc các lĩnh vực nhạy cảm và doanh nghiệp đầu tư có sự chi phối và quản lý của nhà nước, thì nhà đầu tư chỉ cần đăng ký thành lập doanh nghiệp mà không cần giấy phép đầu tư từ chính quyền sở tại. Đây có thể sẽ là lý do thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Việt Nam.
Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Allater Cox khẳng định, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, nhất là trong khoảng 15-20 năm tới khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa. Trong giai đoạn này, với tiềm năng của mình, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang lớn mạnh sẽ phải tìm hướng phát triển, trong đó đầu tư ra nước ngoài là một lựa chọn.
“Chúng tôi nhìn thấy nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ tài chính, giáo dục và du lịch mà đây cũng là các lĩnh vực mà Australia đang kêu gọi đầu tư,” ông Allater Cox cho biết.
Lĩnh vực đa dạng hơn
Trong 4 tháng đầu năm 2010, bên cạnh sự nổi lên của Campuchia ở vị trí số 1, Lào ở vị trí số 2, thì nhiều thị trường mới đã xuất hiện trong danh mục địa điểm đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Có thể kể tới Mỹ, Đức, Indonesia, Singapore, các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất…, chưa kể các cam kết ghi nhớ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar mới đây.
Mặc dù lượng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của 4 tháng đầu năm 2010 chưa nhiều, vào khoảng gần 200 triệu USD (gồm cả cấp mới và tăng thêm), nhưng danh mục dự án đang xếp hàng xin giấy chứng nhận đầu tư đang kéo dài. Và việc có thể đạt được con số trên 2 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong năm nay là một khả năng được các chuyên gia của Cục Đầu tư nước ngoài xác nhận.
Không những thế, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam cũng đang hướng tới khá nhiều cơ hội đầu tư xuất hiện sau khủng hoảng. Đó là lĩnh vực bất động sản tại Mỹ, dịch vụ xây dựng tại Trung Đông, trò chơi trực tuyến tại châu Á.
Các dịch vụ ngân hàng, tài chính, hàng không, viễn thông không chỉ thu hút lượng vốn khá lớn của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài mà còn đang tạo nên những thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài một cách khá vững vàng. Câu chuyện xây dựng thương hiệu của Viettel, Vietnam Airlines hay các ngân hàng Việt Nam tại Campuchia, Lào… là những ví dụ điển hình.
Chính sự thành công của các doanh nghiệp Việt Nam này ở nước ngoài đã tăng thêm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong đánh giá từ nhiều thị trường đang kêu gọi đầu tư.
(THEO TTXVN)