Doanh nghiệp Việt: Phục hồi sản xuất, thích ứng linh hoạt với thị trường nội địa

Cập nhật: 15-12-2021 | 08:24:48

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp (DN) Việt trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nhờ phát huy nội lực, không ít DN vẫn duy trì được sản xuất, thay đổi linh hoạt, hiệu quả, nắm bắt cơ hội để phát triển.

Sản xuất dần phục hồi

Đại dịch Covid-19 là một cú sốc đối với các DN trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Bằng nội lực vững vàng, Công ty Gốm sứ Minh Long I vẫn hoạt động khá ổn định. Công ty đã có sự tích lũy kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh, có chiến lược, kế hoạch ứng phó với từng giai đoạn dịch bệnh phù hợp. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, cho biết trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, công ty đã tinh gọn hệ thống sản xuất, tiết kiệm chi phí, điều chỉnh về kế hoạch sản xuất, kinh doanh ở nội địa và xuất khẩu nhằm từng bước thích nghi với tình hình mới, phục hồi sản xuất.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó sau dịch bệnh, tạo đà khôi phục sản xuất và phát triển. Trong ảnh: Sản phẩm làng nghề Bình Dương được giới thiệu đến người tiêu dùng tại Aeon Mall Bình Dương Canary

Theo ông Lý Ngọc Minh, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, thuế cho DN như giảm, giãn lãi suất vay, gia hạn nộp thuế… đã có những tác động nhất định nhằm giúp đỡ phần nào cho sản xuất, đồng thời cũng chính là góp phần tăng sức cầu cho nền kinh tế, qua đó đã giúp cho việc khôi phục của DN nhanh hơn. “Từ tháng 9 đến nay, việc sản xuất của công ty đang trở về trạng thái gần như bình thường. Hiện công ty vẫn tiếp tục có các đơn hàng sản xuất và duy trì việc làm cho rất nhiều lao động”, ông Lý Ngọc Minh cho biết thêm.

Tương tự, việc đầu tiên sau giãn cách của Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc (TX.Tân Uyên) là tập trung tìm kiếm khách hàng và tiếp tục thực hiện các đơn hàng bị gián đoạn trước đó. Theo bà Huỳnh Thị Kim Tuyến, Giám đốc công ty, để sớm trở lại giai đoạn “bình thường mới”, dù khó khăn nhưng công ty luôn lưu ý nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, gắn liền với đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đáp ứng kịp đơn hàng xuất khẩu. Hiện công ty vẫn bảo đảm 100% lương cho người lao động cùng một số chính sách bảo hiểm y tế khác.

Chú trọng thị trường nội địa

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa trở thành trụ đỡ quan trọng. Ở thị trường nội địa, các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, sơn mài… đều có thể tìm chỗ đứng. Tiềm năng tại thị trường nội địa càng được thể hiện rõ qua đại dịch Covid-19. Bà Huỳnh Thị Kim Tuyến cho biết: “Thời gian qua, thay vì các mặt hàng trang trí, lưu niệm được các thị trường châu Âu, châu Mỹ ưa chuộng, chúng tôi tập trung sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Các sản phẩm gia dụng như ví, giỏ xách, túi đi chợ, bàn ghế… được làm từ chất liệu mây tre lá rất được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Theo bà Tuyến, dù đơn hàng sụt giảm nhưng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh số tiêu thụ chung trên thị trường nhanh chóng được phục hồi trên 80% so với trước. Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc đang hiện thực hóa ý tưởng phát triển đa dạng mẫu mã sản phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn. DN sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng.

Ông Lưu Vương Vũ, Giám đốc Công ty Dược Vũ Nhật Nam, cho biết dịch bệnh khiến mục tiêu mở rộng kênh phân phối tại các nhà thuốc vùng Đông Nam bộ bị chậm lại. Mặt khác, các hoạt động tham gia tổ chức bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn. “Chúng tôi chủ yếu đẩy mạnh đầu tư vào chiều sâu, nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển phẩm mới trên cơ sở sản phẩm hiện hữu, chúng tôi tiếp tục mục tiêu mở rộng thị trường trong nước”, ông Vũ nói.

Theo tìm hiểu, các DN địa phương rất coi trọng vai trò của thị trường nội địa, cần bám rễ vào thị trường quan trọng này để phát triển. Nếu để mất thị trường nội địa đồng nghĩa với việc mất hệ thống phân phối, đồng thời mất luôn cả sự liên kết giữa sản xuất và phân phối. DN Việt cần phải tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo ý kiến của chuyên gia thị trường Hồ Minh Chính, phát triển thị trường nội địa sau dịch bệnh là một cơ hội đồng thời là thử thách cam go. Đòi hỏi các DN cần phải có những chiến lược nghiên cứu thấu đáo, khoa học, tổ chức thực hiện một cách bài bản và nghiêm túc. Yếu tố quan trọng là DN cần phải biết khai thác tối đa lợi thế, khắc phục điểm yếu, có chiến lược khai thác thị trường phù hợp với mục tiêu kinh doanh. Đồng thời, các DN cần phải phát triển mạng lưới cửa hàng, đại lý tới các địa phương vùng sâu, vùng xa một cách bền vững. Hiện hệ thống kênh phân phối hàng hóa với nguồn hàng Việt chiếm tới 80% đã giúp người tiêu dùng từ thành thị tới nông thôn dễ dàng mua sắm tiếp cận hàng hóa trong nước. Đây cũng chính là những lợi thế đã nhìn thấy trước, các DN cần nắm rõ để khai thác thị trường hiệu quả hơn trong thời gian tới.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết
Tags
Covid-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên