Doanh nghiệp Việt rộng cửa vào thị trường châu Âu

Cập nhật: 30-10-2021 | 09:46:08

Trở lại trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp (DN) cần thích ứng linh hoạt, khơi thông mọi nguồn lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm chuỗi cung ứng. Ngành công thương đang tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất, kinh doanh.

Tận dụng ưu đãi hiệu quả

Sau 1 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, nhiều DN đã tận dụng được ưu đãi qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O). Năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt ngày càng được cải thiện rõ rệt tại thị trường EU. Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR, xếp trong Top 10 các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, đánh giá đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong nước cũng như thế giới. Tuy nhiên, các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa, cầu hàng hóa trên thị trường đang hồi phục trở lại. Đây là cơ hội để các DN tại Bình Dương đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực. Các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập sâu vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. Hiện nay, EU là thị trường hàng hóa xuất khẩu đứng thứ 3 của Bình Dương. 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 9,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.

Doanh nghiệp nỗ lực cho các đơn hàng xuất khẩu ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Panko Vina (TX.Bến Cát)

Cộng đồng DN Bình Dương bày tỏ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế và phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - EU trong bối cảnh “bình thường mới”; đồng thời cũng chỉ ra không ít những thách thức trước mắt, đặc biệt là diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19. Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Triệu Phú Lộc (TX.Tân Uyên) - đơn vị đón đầu Hiệp định EVFTA ngay từ đầu năm 2020, cho biết công ty đang sử dụng 600 lao động chuyên sản xuất nội thất cao cấp cung cấp cho các công ty xuất khẩu. Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội cho khối DN đồ gỗ nói chung. EU là thị trường lớn, tiềm năng, có sự ổn định về kinh tế, đón nhận dòng hàng giá trị cao. Chủ động hội nhập, công ty tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt của thị trường này.

Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), cho biết đây là thị trường vô cùng khó tính song rất bền vững. Sau gần 10 năm loay hoay với các đơn hàng thử nghiệm, hiện các đối tác châu Âu có mối liên hệ bền chặt với công ty. Trong bối cảnh dịch bệnh, công ty đã cố gắng giữ mối liên hệ thường xuyên, cung cấp thông tin sản xuất để khách hàng yên tâm. Chính vì vậy, khi hoạt động sản xuất được khôi phục, DN không quá lo lắng về vấn đề đơn hàng.

Sức bật mới

Tại diễn đàn thương mại “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới” vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định trước bối cảnh kinh tế phục hồi, cùng sự định hình và phát triển của những xu hướng thương mại, đầu tư mới, EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng với các đối tác EU, mở ra cơ hội về thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, tạo nên sức bật mới.

Ông Nguyễn Thanh Toàn cũng khẳng định rằng hơn lúc nào hết, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, các DN cần nhanh chóng nắm bắt, chủ động thích nghi, đổi mới để đón đầu những cơ hội mới. Ngành công thương nỗ lực giữ liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại EU, nỗ lực đồng hành cùng DN, khai thác tối đa ưu thế từ EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Trao đổi về các vướng mắc hiện nay khi mở rộng hợp tác với khối EU, ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, cho biết hiện nay EU đã bình thường hóa đi lại nội khối nhưng thủ tục cấp visa cho doanh nhân Việt Nam vào EU giao dịch thương mại rất mất thời gian. Đề nghị đại sứ các nước EU tại Việt Nam hỗ trợ trong việc cấp visa sang EU tham gia giao thương, xúc tiến thương mại thuận lợi hơn. Các DN EU có lợi thế về công nghệ tiên tiến nhưng thời gian giao hàng thiết bị quá dài (hiện nay từ 3 - 6 tháng), làm giảm khả năng cạnh tranh và tiếp cận công nghệ cao của các DN Việt Nam.

Kiến nghị với Bộ Công thương, ông Trần Thành Trọng cho biết EU đã chung sống an toàn với Covid-19, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin không bị cách ly. Trong khi Việt Nam vẫn yêu cầu cách ly tập trung đối với DN nhập cảnh dù đã tiêm đủ liều vắc xin. Điều này hạn chế việc giao thương của các nhà đầu tư EU vào Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany, nhấn mạnh hai bên Việt Nam - EU cần hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại vì lợi ích chung của cộng đồng DN; đồng thời nhận định với việc dịch bệnh được kiểm soát tốt, cùng lợi thế lớn từ EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, an toàn.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=869
Quay lên trên