Doanh nghiệp Việt “tìm đường” đưa sản phẩm vào siêu thị

Cập nhật: 16-10-2023 | 09:03:50

Tuy khó khăn còn bủa vây, nhưng bằng nỗ lực, nhiều doanh nghiệp (DN) đã “tìm đường” và đưa được hàng vào chuỗi các siêu thị lớn. Bài toán đặt ra là làm thế nào để hàng Việt trụ vững trên các quầy kệ siêu thị, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa địa phương.

 Doanh nghiệp địa phương tham gia kết nối cung cầu tại Hội chợ Công thương vùng Đông Nam bộ tháng 9-2023

 Hành trình kiên nhẫn

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại thực phẩm T.P (TP.Thuận An), cho biết giữa tháng 9 vừa qua, sản phẩm T.P đã vào được chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam (AEON MALL) phân phối trên toàn quốc. Những tiêu chuẩn khắt khe cũng như các kiểm nghiệm, kiểm định y tế, chất khoáng, nấm mốc của hệ thống AEON đặt ra, T.P điều đạt trên mức yêu cầu”.

Trước đó, dù đã có mặt hàng rượu tỏi đen xuất khẩu vào thị trường Mỹ, trong khó khăn DN này nỗ lực không ngừng để mở rộng tiêu thụ tại thị trường nội địa. “Dù sản phẩm đã được xuất khẩu, đạt chất lượng quốc tế nhưng chưa có thương hiệu tại thị trường trong nước, chưa được người tiêu dùng biết đến, bởi vậy mang đi chào hàng tại các siêu thị đều bị từ chối. Để tìm chỗ đứng, công ty đã phải “xách từng giỏ hàng” đi giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm đối tác tại nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Nhờ kiên trì mà sản phẩm của công ty đã được người tiêu dùng và đối tác biết tới. Việc vào được chuỗi siêu thị lớn sau thời gian đàm phán, kết nối kinh doanh là một minh chứng rõ ràng về những nỗ lực của DN”, ông Nguyễn Thái Phú không giấu được sự vui mừng.

Mới đây, đầu tháng 10, sản phẩm của T.P vinh dự được trao chứng nhận OCOP 4 sao tại hội nghị ngành công thương khu vực phía Nam tại tỉnh Hậu Giang. Điều này thêm một lần nữa minh chứng cho những nỗ lực từ phía DN trong hành trình chinh phục thị trường trong nước.

Thực tế cho thấy, khó khăn nhất của các DN Việt lại xuất phát từ chính “bản thân” DN. Các DN khi xây dựng thương hiệu nếu được người tiêu dùng biết đến, việc vào siêu thị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Làm thế nào để hàng hóa Việt, mà cụ thể là các DN sản xuất tại Bình Dương vào được các siêu thị, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Long, Giám đốc thu mua vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên của Sài Gòn Co.op, cho biết DN phải xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm đủ lớn để cung ứng vào chuỗi siêu thị. Bên cạnh đó là bảo đảm chất lượng, số lượng, các tiêu chí giao hàng hóa theo các điều khoản hợp đồng ký kết.

Chủ động hợp tác

Kinh nghiệm từ các DN đã có hàng hóa vào siêu thị lớn cho thấy, các DN cần phải nắm rõ các điều khoản trong đàm phán, chủ động đưa ra các điều khoản hợp tác phù hợp. Ông Trầm Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-DV-SX C.V.C, chia sẻ: “Trà của công ty đã cung ứng tại chuỗi siêu thị Co.opmart. Chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để giữ vững thương hiệu, chất lượng. Điều đặt biệt mỗi DN phải tuân thủ những điều khoản trong hợp đồng, giao hàng và tuân theo quy định của siêu thị. Nếu có những biến động gì DN cần chủ động báo với siêu thị sớm để chủ động giải quyết”.

Theo ông Trầm Văn Huệ, bản thân DN phải chủ động trong việc đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, cần chủ động tìm thị trường để đa dạng khách hàng, quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, từ đó nâng cao uy tín với đối tác.

Ông Takeuchi Takashi, Phó Tổng giám đốc khối văn phòng, Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho biết với dân số trẻ cùng sự gia tăng tầng lớp trung lưu, Bình Dương là một thị trường đầy tiềm năng cho lĩnh vực bán lẻ. Đó cũng là lý do Bình Dương được nhận định là thị trường trọng yếu trong chiến lược đầu tư và phát triển của Tập đoàn AEON. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng nhanh nhờ triển vọng kinh tế của Bình Dương rất tích cực, kéo theo chất lượng cuộc sống của người dân đang ngày một tốt hơn. Đó là điều kiện thuận lợi cho các nhà cung ứng, các đơn vị, hợp tác xã trên địa bàn tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này. AEON mong muốn tìm được nhà sản xuất có những sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, có trách nhiệm với cộng đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc phải chặt chẽ trong hợp đồng cung ứng, ông Nguyễn Hồng Quyết, HTX dưa lưới Kim Long, cho biết vào được siêu thị là vấn đề đáng mừng, nhưng điều mà DN cần hết sức lưu ý là các điều khoản hợp đồng thỏa thuận cần thể hiện rõ các thông tin liên quan đến thời gian cung ứng, giá cả, phương thức thanh toán phải thật chặt chẽ. Điều quan trọng nhất để các DN bảo vệ được quyền lợi, tránh bị thua thiệt chính là DN cần tham khảo, nắm rõ các chi tiết trong hợp đồng để chủ động hơn trong việc ứng phó với các rủi ro xảy ra. Đó là điều mà HTX Kim Long từng gặp phải trong quá trình đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị trong nước.

 Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết thông qua hoạt động kết nối cung cầu ngành chức năng sẽ hỗ trợ kết nối hiệu quả các chuỗi khép kín, từ sản xuất đến phân phối. Qua đó, định hướng tư duy kinh doanh cho các DN sản xuất phù hợp với xu hướng của các nhà bán lẻ, người tiêu dùng… Thông qua các chương trình kết nối cung cầu cũng cho thấy con đường vào hệ thống siêu thị của hàng Việt rất rộng mở. Tuy vậy, đây là con đường cần sự kiên trì, giải quyết từng yêu cầu của nhà bán lẻ. Chiếm lĩnh được thị trường nội địa cũng là giải pháp bảo đảm phát triển bền vững, đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế tỉnh nhà.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1662
Quay lên trên