Doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm hướng phát triển

Cập nhật: 19-02-2024 | 08:25:15

Sau giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đang củng cố “sức khỏe”, tạo bước đột phá để trở nên vững mạnh hơn trong năm 2024 cũng như giai đoạn kế tiếp.

 Sản xuất tại Công ty TNHH nhựa Shun Xing Việt Nam (TX.Bến Cát)

 Tăng sức cạnh tranh

Trao đổi với chúng tôi vào những ngày đầu năm Giáp Thìn, anh Nguyễn Văn Tiếng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dân Tiếng (huyện Bắc Tân Uyên), cho biết năm 2023 có nhiều biến động lớn về giá cả cây có múi song với chất lượng ổn định, các thành viên HTX vẫn có đầu ra để thu hồi nguồn vốn, quay vòng trong năm 2024. Mùa bưởi cuối năm, với riêng gia đình anh vẫn bán được hơn 700 triệu đồng với mức giá 20.000 đồng/kg.

“Phương châm xuyên suốt của HTX là liên kết sản xuất, sản phẩm sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh. Do đó, quy trình canh tác của chúng tôi luôn bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới hữu cơ, đề cao sức khỏe người tiêu dùng. HTX cũng rất khắt khe trong việc kết nạp thành viên, nông dân được chọn phải bảo đảm các tiêu chí trình độ, sáng tạo và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu trên”, anh Tiếng cho biết.

Cũng theo anh Tiếng, HTX đang tích cực ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chủ động tìm kiếm thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, hướng đi xa của HTX là muốn có được một chuỗi liên kết vững chắc từ vườn đến các đơn vị thu mua sản phẩm. Thích ứng với xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp, HTX sẽ tiếp tục áp dụng minh bạch hóa sản phẩm, kết hợp hệ thống tưới và bón phân theo công nghệ tự động, chấm công bằng quét mã QR… Từ đó tích hợp được lịch sử, quá trình làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với các DN cơ khí vừa và nhỏ, năm 2024 được xác định là năm có thêm nhiều cơ hội phát triển cả về chất và quy mô. Các DN từng bước nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm gắn với sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty Nghệ Năng (NNi), cho biết nền tảng của sự tồn tại và phát triển của NNi là luôn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ xanh, siêu tiết kiệm năng lượng và điều khiển thông minh. Công ty Nghệ Năng đã và đang áp dụng công nghệ xanh vào tất cả dự án mà mình thiết kế. “Năm 2024 chúng tôi quyết tâm thực hiện giải pháp sản xuất thông minh, mang đến cho khách hàng hệ thống điều hòa không khí siêu tiết kiệm điện, có thể tiết kiệm đến 50% điện năng tiêu thụ so với máy lạnh truyền thống”, ông Lưu Trí thông tin.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH nhựa Shun Xing Việt Nam (TX.Bến Cát), cho biết sản phẩm của ngành nhựa rất đa dạng và ngày càng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực dân dụng và công nghiệp các chất liệu nhựa được sử dụng phổ biến như uPVC, PVC, cPVC, PPR, PPH… Trước áp lực đó, Shun Xing đã nỗ lực không ngừng để có lối đi vững vàng. “Mặc dù là DN trẻ và đang trong tình hình kinh tế lạm phát, nhiều DN nhựa đóng cửa nhưng nhựa Shun Xing vẫn luôn duy trì và tạo ra các sản phẩm ứng dụng rộng rãi. Tương lai công ty sẽ tìm kiếm đối tác và xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia và tiến xa hơn nữa là thị trường các nước EU”, bà Nguyễn Thị Dung khẳng định về ưu thế và triển vọng của DN.

Thay đổi tư duy

Bà Nguyễn Thị Dung cho biết để nâng cao sức cạnh tranh, DN cần lựa chọn những máy móc, thiết bị, công nghệ mới, hiện đại nhằm giảm chi phí vận hành cũng như tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, thu hút thêm khách hàng tiềm năng, khai thác tối ưu các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Đức, Đài Loan… Việc đầu tư máy móc thiết bị là đòi hỏi khách quan đối với các đơn vị sản xuất nếu muốn chiến thắng trong cạnh tranh, củng cố và mở rộng chỗ đứng của mình trên thị trường.

Ông Lưu Trí cho rằng việc nắm bắt thông tin thị trường sẽ là yếu tố để DN ngành cơ khí bứt phá, bên cạnh các chính sách, chương trình hỗ trợ của tỉnh về thị trường. Nhiều DN cơ khí quy mô nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, chủ động đầu tư máy móc hiện đại, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng hỗ trợ DN trong thời gian tới, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết năm 2024 ngành công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN, HTX sản xuất công nghiệp, phát huy vai trò “bà đỡ” để đẩy mạnh phát triển công nghệ, thị trường, tạo lập vị trí vững vàng cho DN Bình Dương. Để có bước đột phá trong năm 2024, các DN, HTX cũng cần hiểu rằng nếu muốn phát triển hiệu quả chuyển đổi số chính là “đòn bẩy”.

 Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Bản thân người chủ DN, lãnh đạo HTX cần thay đổi tư duy, phải biết xu hướng của thị trường trong nước và trên thế giới, phải biết rõ những chủ trương của Nhà nước như kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, công nghệ 4.0, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)… Tất cả những xu hướng, chủ trương này người đầu tiên phải nắm rõ chính là chủ DN và lãnh đạo HTX để ứng dụng một cách tốt nhất có thể trong đơn vị của họ.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên