Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực khai thác thị trường châu Âu
(BDO) Với cam kết ở mức độ cao, “con đường cao tốc” nối liền Việt Nam và thị trường Liên minh châu Âu (EU) mở ra rộng lớn nhưng cũng không ít các thách thức. Các doanh nghiệp (DN) cũng đang nỗ lực để “hóa giải” rào cản, bước tiếp thành công từ những nền tảng đặt ra.
Sản xuất tại Công ty TNHH Long Hao (KCN Đất Cuốc, Bắc Tân Uyên)
“Hóa giải” bài toán xuất xứ
Từ 1-8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) chính thức có hiệu lực được cho là cơ hội lớn để các DN vươn xa. EVFTA loại bỏ gần 99% thuế hải quan giữa Việt Nam và EU trong 10 năm. Theo ước tính chính thức của Việt Nam, EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang EU thêm 44,37% vào năm 2030, so với kịch bản không có thỏa thuận.
Theo tính toán, EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm, nhưng để hưởng lợi nhiều hơn, Việt Nam cần nâng cấp chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Chính phủ cần hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu; chỉ dẫn các DN về khung pháp lý mới, những cam kết của Việt Nam trong EVFTA, như các cam kết về môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và xuất xứ. |
So với các ngành khác, EVFTA luôn được nhấn mạnh sẽ giúp dệt may Việt Nam chiếm lợi thế và bứt phá trong xuất khẩu (XK). Cụ thể, thuế suất giảm về 0% trong vòng 7 năm, thị trường có quy mô 250 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu mỗi năm được đánh giá là một cơ hội cho dệt may Việt Nam. Sau dịch bệnh Covid-19, ngành dệt may càng kỳ vọng vào những cơ hội mà hiệp định EVFTA mang lại. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh cho rằng EVFTA là cơ hội cho các DN dệt may và minh chứng rõ nét về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị được vị trí của DN Việt, trong đó có ngành may mặc. Kỳ vọng sau khi nền kinh tế thế giới hồi phục, cơ hội ấy càng lớn hơn với sự ổn định về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, sự nỗ lực của DN Việt.
Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ là vấn đề khó nhất của dệt may Việt Nam trong tận dụng EVFTA. Về dài hạn, các DN chỉ hưởng được sự ưu đãi khi tìm được lời giải cho “bài toán” này. Ngành dệt may vẫn chưa chủ động được nguồn vải đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU. Dù nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép DN Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản, ASEAN được cho là một phép hóa giải bài toán xuất xứ, song giá thành cao và chủng loại nguyên liệu không phong phú cũng là vấn đề cần tính toán của DN. Việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán và cạnh tranh được với các quốc gia khác. Chưa kể chi phí logistics ngày càng tăng cao đã nâng cao giá thành chào giá và giảm tính cạnh tranh của DN...
Là ngành sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu gỗ trong nước và nhập khẩu từ các nước châu Âu, ngành gỗ không quá áp lực về nguồn gốc nguyên phụ liệu song về công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn chưa đáp ứng cho ngành xuất khẩu cả về chất lượng và giá thành. Nhìn về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm bảo đảm thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ. Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam không thể phân tán lực lượng mà phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn có khả năng.
Trước vấn đề xuất xứ hàng hóa và áp lực của DN Việt, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết Bộ Công thương sẽ phối hợp với hiệp hội, đơn vị liên quan sớm hoàn thành chiến lược phát triển, làm cơ sở cho ngành phát triển khâu thượng nguồn, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Trước mắt, bộ sẽ xây dựng hệ thống riêng về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tuyên truyền và lựa chọn một số DN đưa vào hệ thống, kết nối với EU để bảo đảm uy tín của Việt Nam.
Đã đến lúc cần liên kết
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt nam (DNVVN), đánh giá thị trường EU cho dù có EVFTA nhưng vẫn không phải “miếng bánh dễ ăn” khi nguồn vốn, công nghệ sản xuất, khả năng cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa… của DNVVN Việt Nam rất hạn chế. Thiếu vốn, kinh nghiệm thương mại quốc tế hạn chế, sản phẩm chưa được xây dựng và bảo hộ thương hiệu… đang rất khó khăn DN khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.
Phía Hiệp hội Dệt may tỉnh cho rằng thời gian qua, tại Bình Dương, tỉnh, ngành công thương đã có rất nhiều hỗ trợ cho các DN tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, song điều kiện đủ phải là nỗ lực của DN. Việc hỗ trợ sẽ không có ý nghĩa thiết thực khi các DN không có đủ nguồn lực. Phía các DN chủ động tận dụng sự hỗ trợ để tham gia các hoạt động XTTM, mở rộng thị trường, một mặt cần chủ động liên kết với nhau để khắc phục được những hạn chế, phát triển các chuỗi cung ứng hiện đại, gắn với công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ một sớm một chiều mà cần có sự quyết tâm, bền bỉ và tầm nhìn dài hạn của DN.
Theo đánh giá, EVFTA là một “cánh cửa sáng” đối với ngành gỗ với nhiều cam kết mang tính toàn diện và một thị trường đáng tin cậy. EVFTA cũng sẽ thúc đẩy hỗ trợ DNVVN trên cơ sở liên kết chuyên môn hóa và hàm lượng chất xám cao, đẩy nhanh quá trình cấu trúc lại thị trường, khách hàng và năng lực cốt lõi của DN. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông như ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam. Nếu không có EVFTA, với tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay thì ngành gỗ Việt Nam yếu thế hơn trong cuộc đua cạnh tranh do không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập GSP như Malaysia, Trung Quốc.
Để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu lâm sản thời gian tới, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, về nội lực, bài toán liên kết sẽ là mấu chốt, nhưng cơ chế nào lại là một vấn đề. Điển hình ở Bình Dương chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ cả nước, nhưng liên kết lại rất yếu. Do vậy, cần thành lập khu công nghiệp tập trung cho ngành chế biến gỗ để tạo ra chuỗi liên kết với nhau. “Cơ hội đã rõ, thậm chí khách hàng dồn đến ào ạt. Tuy nhiên, sau cơ hội lớn đó là quyền lựa chọn khách hàng, lựa chọn giá trị trong sản phẩm, nhưng để có quyền đó chúng ta phải có một cái “chợ” để khi khách hàng đến họ sẵn sàng vào “chợ” này”. So với các trung tâm triển lãm về đồ gỗ của Singapore và Trung Quốc thì ngành gỗ Việt Nam phát triển chưa xứng tầm”, ông Hiệp trăn trở.
TIỂU MY