Doanh nhân Nguyễn Quang Vũ và thương hiệu giày Việt

Thứ hai, ngày 20/01/2014

Có người cho là “liều mạng” khi ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, chủ nhân nhãn hàng giày thể thao Prowin quyết tâm đi theo hướng sản xuất giày gắn với thương hiệu riêng trong bối cảnh những nhãn hàng giày thể thao trong nước dần bị triệt tiêu và đa số các doanh nghiệp (DN) thì lại chủ yếu sản xuất giày gia công theo đơn hàng của các đối tác nước ngoài. Vậy nhưng, với cách nghĩ, cách làm “khác người”, sau 3 năm nhãn hàng giày thể thao Prowin do ông gây dựng đã và đang tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và có mặt ở các thị trường nước ngoài…

Từ nỗi đau “đẻ con không được đặt tên”

Ông Vũ thừa nhận, tùy từng thời điểm, DN vẫn phải làm 2 mảng, cả gia công và tự làm thương hiệu cho sản phẩm riêng của mình. Hơn nữa, công nghệ làm giày chủ yếu ở các nước châu Âu, đặc biệt là ở Đức, Anh, Ý… Vì thế, DN Việt Nam dù muốn hay không vẫn phải làm gia công để có thể cập nhật được các công nghệ mới từ các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, song song với quá trình làm gia công, DN cũng cần tính toán hướng đi riêng, đó là tự sản xuất, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. Thực tế, hiện rất nhiều DN giày da Việt Nam đang làm gia công, sản xuất ra một sản phẩm giày da hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng lại vẫn phải gắn nhãn mác của các đối tác nước ngoài. Nếu coi những sản phẩm sản xuất ra như những đứa con tinh thần thì DN làm gia công cũng đẻ ra những đứa “con” nhưng lại không được đặt tên, đó là một nỗi đau!

Với hướng đi riêng, ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình đã đưa nhãn hàng giày thể thao Prowin xuất hiện trên thị trường trong và ngoài nước. Trong ảnh: Sản xuất giày Prowin tại Công ty TNHH Nam Bình

Đó chính là nỗi lòng khiến ông Vũ, người đã có gần 20 năm sản xuất giày gia công, quyết định đi theo hướng sản xuất giày mà như ông tự nhận là không giống ai. Có điều, sự không giống ai này của ông đã cho xuất hiện trên thị trường nhãn hàng giày thể thao Prowin với sức sống riêng của nó. Năm 2009, Công ty TNHH Nam Bình bắt đầu đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và đưa ra thị trường mặt hàng giày thể thao Prowin. Khởi điểm, DN chỉ sản xuất được khoảng 3.000 đôi/tháng, nhưng chỉ sau hơn 1 năm chuyển hướng, quy mô đã tăng lên 20.000 đôi/tháng. Hiện trung bình, mức độ tăng trưởng của sản lượng giày thể thao Prowin đạt 15%/năm. “Sau 3 năm, Prowin đã bắt đầu đạt được những kết quả đáng kể với sản lượng khoảng 500.000 đôi, doanh số đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm. Chúng tôi không làm đại trà mà chuyên sâu vào từng dòng sản phẩm cụ thể, phục vụ cho từng môn thể thao cụ thể. Ngay cả đối với giày cho đá bóng, chúng tôi cũng không tham lam vì bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi chủng loại giày khác với bóng đá sân mini, bóng đá trong nhà…”, ông Vũ chia sẻ. Hiện nay, hệ thống phân phối của Prowin đã và đang bắt đầu hình thành thông qua các hệ thống bán sỉ và đại lý phân phối với 2 đại lý phân phối lớn tại Hà Nội, 1 đại lý tại Đà Nẵng và khu vực Đông Nam bộ cũng đã hình thành 2 đại lý.

Phải để lại “cái gì đó…”

“DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực gia công giày da xuất khẩu, khi đi làm thuê cho người nước ngoài, phụ thuộc từ nhập nguyên vật liệu, đơn hàng đến giá thành gia công nên hiệu quả kinh tế không cao. Đầu tư nhãn hàng riêng không chỉ vì bài toán kinh tế mà còn là mong muốn xây dựng thêm một thương hiệu riêng của người Việt trong ngành giày da”

(Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình)

Khi được hỏi về quyết định xây dựng thương hiệu riêng có phiêu lưu hay không trong bối cảnh ngành giày thể thao của Việt Nam xưa nay chủ yếu là sản xuất gia công, ông Vũ cho rằng: “Đi làm công cho người ta mãi thì cũng đến lúc phải làm cái gì đó để lại cho mình…”. Theo ông, lúc đầu DN đi làm công một mặt đó là một phương thức kinh doanh, một mặt là tiếp cận được công nghệ hiện đại, hệ thống tiêu chuẩn quản lý, sản xuất của các nước tiên tiến. Ví dụ, khi DN làm gia công cho một đối tác nước ngoài, đối tác sẽ đến kiểm tra công nghệ, kỹ thuật, yếu tố bảo đảm môi trường, sức khỏe, chế độ… đối với người lao động. Khi DN bảo đảm được những điều kiện tiêu chuẩn ấy thì cũng có nghĩa là đã đủ khả năng để đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đội ngũ cán bộ, công nhân viên cũng đã có đủ kiến thức, trình độ và vận hành sản xuất theo đúng tiêu chuẩn. Đây là điều mà DN khi làm gia công cần phải tận dụng được. Nhưng, nếu như DN chỉ làm gia công thì rất thụ động và không an toàn. Về lâu dài, DN cần phải tự chủ bằng cách từ việc làm gia công, học hỏi rồi tách ra làm một “cái gì đó” của riêng mình. “Tôi cho rằng đây là một cách đi phù hợp đối với các DN giày da của Việt Nam trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Trên thực tế, chúng ta xuất khẩu giày da mạnh nhưng lại chưa có một thương hiệu giày da nào lớn nổi lên cả. Thế giới cũng chỉ có mấy anh thôi. Không lẽ chúng ta cứ là người đi làm thuê mãi sao…?”, ông Vũ trăn trở.

Vậy nhưng khi DN muốn chuyển hướng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, theo ông Vũ, cũng cần phải học hỏi, đúc rút những kinh nghiệm từ những thất bại của các nhãn hàng trước đó. DN cần thiết nêu ra những luận đề như tại sao những thương hiệu cùng ngành lại “chết”, qua đó tránh đi vào vết xe đổ. Những thương hiệu đó “chết” là bởi chính các DN trong nước cùng ngành tự tiêu diệt lẫn nhau chứ không liên kết để khai phá thị trường mới ở nước ngoài để cùng nhau mạnh hơn. Vì vậy, khi đã nhận thức được vấn đề, DN một mặt phát triển thị trường trong nước nhưng đồng thời cũng tích cực mở rộng tìm kiếm thị trường để xuất khẩu sản phẩm. Với cách nghĩ đó, giày thể thao Prowin hiện đã có mặt ở một số thị trường khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và tới đây sẽ được đẩy mạnh sang thị trường Myanmar thông qua việc tham gia hội chợ triển lãm hàng Việt Nam nhân sự kiện SEA Games 27. Ông Vũ cho rằng, Myanmar là một thị trường mới mở cửa nên việc đưa sản phẩm đến thị trường này càng sớm càng tốt, nhằm đẩy nhanh quá trình nhận diện thương hiệu.

“Việc tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng chỉ là một bước đi đầu tiên mà chúng tôi hướng đến. Sau khi đã có thị trường, Prowin còn có thể sẽ được sản xuất ngay tại Myanmar. Vì vậy, bên cạnh việc quảng bá thương hiệu, DN cũng còn đang tính toán nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt là môi trường đầu tư để sẵn sàng tổ chức sản xuất khi điều kiện đã chín muồi…”, ông Vũ tiết lộ.

THÀNH SƠN – THÚY VÂN