Doanh nhân Việt trong dòng chảy lịch sử

Cập nhật: 12-10-2012 | 00:00:00

Với quan niệm “sĩ, nông, công, thương”, thời phong kiến “thương” bị xếp ở vị trí cuối cùng trong các giai tầng xã hội, nên doanh nhân (DN) thời kỳ này không phát triển được. Bước sang thời kỳ thực dân, mặc dù bị chèn ép nhưng với sự giao thương mở rộng, giới DN Việt Nam bắt đầu được hình thành và từng bước vươn lên cạnh tranh với các nhà tư bản nước ngoài. Ngày nay, khi đất nước đổi mới và ngày càng hội nhập sâu rộng toàn cầu, đội ngũ DN được đánh giá là những người “đứng mũi chịu sào”, cầm lái con thuyền kinh tế Việt Nam giong ra biển lớn…

Vai trò của DN thời đại mới

Trong thời kỳ kháng chiến, vai trò của DN tuy phai nhạt, nhưng cũng đã có biết bao nhiêu tấm gương DN yêu nước đã dốc hết tài sản đóng góp cho sự nghiệp cách mạng theo lời kêu gọi của Bác trong các “Tuần lễ vàng”. Đất nước thống nhất, giới DN bị bóp nghẹt bởi nền kinh tế bao cấp. Phải đến khi công cuộc đổi mới bắt đầu (năm 1986), DN mới có thể phát triển trở lại. Với Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời ngày 21-12-1990, sau này hoàn thiện dần, đã mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân ra đời và cùng với đó là sự hồi sinh, phát triển của tầng lớp DN Việt Nam.

Thật ra, trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, các DN Việt Nam mới chập chững tham gia thương trường, nên cứ thấy DN nước ngoài vào Việt Nam làm gì thì làm theo. Sau những năm 90, giới DN Việt Nam mới thực sự bắt đầu liên kết với các DN nước ngoài và kiều bào để tạo sức mạnh chung và tính tự tôn dân tộc trong cộng đồng DN Việt bắt đầu được khơi dậy. Cũng từ đây, tính tự chủ của DN Việt Nam từng bước được phát huy và trở thành sức mạnh để thúc đẩy niềm đam mê, khát vọng kinh doanh. Nhờ vậy, cộng đồng DN Việt đã không ngừng lớn mạnh theo đà phát triển chóng vánh của kinh tế - xã hội đất nước. 

Các DN Bình Dương tiêu biểu luôn được lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh quan tâm động viên kịp thời

Trong thời gian kinh tế Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và phạm vi toàn cầu với việc gia nhập khối ASEAN và sau đó tham gia vào WTO, cộng đồng DN Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển bình đẳng hơn; đồng thời cũng bắt đầu chấp nhận cuộc cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã tạo dựng nên hình ảnh mới về dân tộc, quốc gia Việt Nam trong khu vực và cả trên thế giới. Việt Nam đã từng được ví như một “con rồng châu Á”, một “Singapore thứ 2”… Thành quả đó, công lao đầu tiên thuộc về các DN.

Giữ niềm tin để vượt qua thách thức

Từ năm 2008 đến nay, DN Việt Nam đã và đang phải hứng chịu những khó khăn, thử thách rất lớn do kinh tế toàn cầu suy giảm, bất ổn vĩ mô trong nước bởi lạm phát gia tăng, dẫn đến môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt. Nếu nhìn vào sàn giao dịch chứng khoán với trên 300 doanh nghiệp niêm yết có cổ phiếu bán với giá dưới giá sàn, cho thấy DN đang phải bán doanh nghiệp của mình dưới giá vốn, rẻ hơn giá trị thật. Với thực tế này, giới DN ai cũng trăn trở. Tuy nhiên, không phải vì thế mà DN chùn bước, họ luôn giữ vững niềm tin vào sự phát triển của đất nước, sự thịnh vượng của quốc gia.

Trong bối cảnh hiện nay, DN trông chờ gì ở Nhà nước? Đó là chủ trương cải cách nền kinh tế với việc tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư công; cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng; cải cách đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Hậu quả mà nền kinh tế đang phải hứng chịu do bất ổn vĩ mô ít nhiều có nguyên nhân từ sự yếu kém của các doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng và đầu tư công không hiệu quả. Tiếp đó là câu chuyện “sở hữu chéo” của các ông chủ trong hệ thống các ngân hàng đang gây ra mối quan ngại không chỉ đối với DN mà cả đối với người dân.

Nếu Nhà nước làm được những điều mà DN đang mong mỏi sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh mới, thuận lợi hơn cho DN, để từ đó có thể huy động hết nguồn lực vào công cuộc đầu tư, kinh doanh. Thực tế, nội dung cải cách cũng đã được Nhà nước công bố, vấn đề là các chính sách này sẽ được cụ thể hóa và đi vào đời sống thế nào là điều mà các DN đang trông đợi. DN Việt thời đại mới, những người đang kế thừa ý chí, khát vọng kinh doanh của những DN tiền bối như Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền… chắc chắn sẽ không chịu ngồi yên để chờ đợi. Do vậy, hãy cho họ niềm tin để vững bước trên con đường mà họ đã chọn.

Năm 2004, Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13-10 hàng năm để tôn vinh các DN Việt Nam. Cuối năm 2011, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ DN Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đây thực sự là một sự kiện lớn đối với cộng đồng DN, khẳng định cộng đồng DN đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên