Chợ tranh Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một trong những phiên chợ cổ, đặc biệt tại vùng quê Kinh Bắc.
Cùng với thời gian, trải qua chiến tranh, phiên chợ không còn tổ chức nhưng những người quản lý, nhân dân nơi đây vẫn đau đáu được sống lại không khí xưa, quyết tâm bằng các giải pháp gìn giữ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Trình diễn khắc tranh gỗ tại chợ tranh.
Một thời vang bóng
Phiên chợ tranh Đông Hồ đã có cách đây hàng trăm năm, tồn tại đến giữa những năm 40 của thế XX. Mặc dù đến nay, Phiên chợ này không còn tổ chức nữa, nhưng ký ức về một thời huy hoàng của nó luôn thường trực trong tâm trí người dân nơi đây.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phục dựng lại phiên chợ tại Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, phường Song Hồ thỏa lòng mong ước, niềm mến yêu tranh của những người yêu tranh.
Tranh Đông Hồ có tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (nay là khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành). Đây là loại tranh thường được phát hành dịp Tết Nguyên đán nên còn gọi là tranh Tết. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân, tranh Đông Hồ không chỉ trưng bày vào dịp Tết mà còn được mọi người "chơi" quanh năm.
Nhớ lại những phiên chợ tranh Tết xưa, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là một trong số ít người còn gìn giữ, bảo tồn dòng tranh tại Song Hồ cho biết, chợ tranh Tết xưa diễn ra tại đình Đông Hồ vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hàng năm.
Trong mỗi phiên chợ, hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán. Điều đặc biệt, mọi người mua tranh trả tiền hay dùng hàng hóa đổi lấy tranh đều được. Theo ký ức của những người làng tranh và thế hệ sau này nghe cha ông kể lại, khách mua tranh từ khắp các tỉnh gần xa xuôi theo sông Đuống, tuyến đường bộ về buôn tranh. Thương lái đến mua tranh mang theo đủ loại mặt hàng như người ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mang theo nước mắm, ở Bình Lục (Hà Nam) mang lụa sồi, ở Phú Thọ mang trà mạn, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) lại mang theo thuốc lào... Người dân làng tranh nổi tiếng tài hoa, phóng khoáng, việc mua bán cũng dễ dàng.
Sau năm 1945, chợ tranh Đông Hồ không còn được tổ chức. Không khí chợ tranh Tết Đông Hồ nhộn nhịp tấp nập xưa, giờ chỉ còn lại trong ký ức của các bậc cao niên...
Trở về không khí chợ tranh xưa, cụ Nguyễn Thị Yểng (88 tuổi, khu Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành) cho biết, xưa kia, cụ được tham gia các phiên chợ tranh Tết. Khi ấy, cả khu vực đình làng rực rỡ sắc màu, tranh trải trên chiếu, vắt trên tường, treo trên dây... Không khí chợ tranh ngày giáp Tết tấp nập vui như trảy hội. Cảnh nhộn nhịp ấy được ghi lại trong câu ca: "Hỡi anh đi đường cái quan/ Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu/ Mua tờ tranh điệp tươi màu/Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều".
Tan buổi chợ phiên, hàng vạn tờ tranh chất chồng đủ loại gà đàn, lợn đàn, cá chép, đám cưới chuột, tứ quý, tố nữ, hứng dừa, đánh ghen... được đóng ngăn nắp để đưa lên thuyền. Cứ thế, những tờ tranh Đông Hồ mang theo nét đẹp văn hóa vùng Kinh Bắc được đi khắp nơi từ miền Bắc vào miền Nam. Những người làm tranh, làng tranh đều cảm thấy tự hào. Nay được chứng kiến sự "hồi sinh" của chợ tranh, cụ có cảm giác như trở về với phiên chợ xưa khi dòng tranh còn thịnh hành. Nó giống như một góc nhỏ của chợ tranh xưa.
Hồi sinh chợ tranh Tết
Nhằm tái hiện một di sản văn hóa quý của quê hương, Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức trưng bày tái hiện không gian chợ tranh Đông Hồ. Với 20 gian hàng giới thiệu nguyên liệu, quy trình làm tranh, trưng bày tranh, sản vật quê hương… người dân địa phương, du khách được một lần trở về với chợ tranh xưa. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của tranh dân gian Đông Hồ, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Có mặt từ đầu giờ sáng, đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ ngồi vẽ từng nét tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh - nữ nghệ nhân duy nhất của dòng tranh Đông Hồ cho biết, trước đây, qua lời kể của cha ông, bà được biết đến phiên chợ tranh truyền thống.
Lần đầu tiên tham gia chợ tranh Tết do Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức, gia đình bà chuẩn bị nhiều loại tranh từ truyền thống đến hiện đại. Vinh dự được đi giới thiệu tranh ở khắp nơi trên thế giới, sáng tạo ra hơn 50 chủ đề tranh các loại, đến với chợ tranh bà có dịp trưng bày tác phẩm của mình. Qua đó, bà mong muốn đóng một phần sức lực của mình vào công cuộc bảo tồn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Tại chợ tranh, với mỗi gian hàng lại trưng bày một chủ đề riêng như gian trưng bày các nguyên liệu làm tranh, gian trưng bày đồ thực phẩm chợ quê, gian trưng bày, giới thiệu tranh, gian khắc tranh gỗ… giúp đông đảo người dân hào hứng, như được sống lại phiên chợ truyền thống. Bà mong những phiên chợ này tổ chức nhiều hơn để tranh dân gian Đông Hồ được nhiều người biết đến, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Em Hà Quý Minh Tuấn, học sinh Trường Trung học Cơ sở Song Hồ hào hứng, mặc dù quê em có dòng tranh nổi tiếng Đông Hồ nhưng em mới chỉ biết đến dòng tranh này trong các tác phẩm văn học. Đây là lần đầu tiên em được tận mắt chứng kiến cách làm tranh truyền thống của cha ông xưa. Từ cây dó làm ra giấy, được quét một lớp điệp từ vỏ con sò làm thành giấy điệp. Màu sắc của bức tranh khá đặc biệt, lấy từ nguyên liệu tự nhiên như màu đỏ từ gạch non, màu đen lấy từ than tre, màu vàng từ hoa hòe, màu xanh từ lá tràm, trắng từ vỏ sò điệp… Để tạo ra bức tranh, người làm tranh phải trải qua nhiều công đoạn. Qua đây, em càng thêm tự hào, yêu mến dòng tranh truyền thống của quê hương mình.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, hàng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức phiên chợ tranh Đông Hồ phục vụ nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và niềm mong mỏi của nhân dân về bảo tồn, phát triển giá trị nghề làm tranh và dòng tranh quý này, năm 2013, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bắc Ninh đã xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, trưng bày hơn 1.000 tài liệu, hiện vật được nghiên cứu, sưu tầm từ các gia đình nghệ nhân và nhân dân địa phương.
Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" để xem xét ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và dự kiến được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2024. Những người giữ nghề, nhân dân Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được bảo tồn và phát triển.
Theo TTXVN