Thời điểm này, người nông dân trên địa bàn nói chung cũng như người trồng dưa lưới, dưa lê tại Hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp An (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) nói riêng đang tích cực chăm sóc hoa trái để kịp cung cấp cho thị trường tết cận kề.
Anh Dương Thanh Hữu đang tất bật với vườn dưa lưới, dưa lê sắp thu hoạch vào dịp tết
Vừa đẹp, vừa ngon
Thời điểm này, người làm vườn ở HTX Tân Hiệp An đang ở giai đoạn nước rút để cho ra mắt loại trái cây độc lạ. Cũng là trái dưa lưới, dưa lê, nhưng vườn dưa ở đây lại khá đặc biệt không chỉ là những trái dưa lê tròn, dài thường thấy mà trái có khắc chữ thư pháp Tài - Lộc, hình dáng thỏi vàng.
Anh Dương Thanh Hữu, Giám đốc HTX Tân Hiệp An, chia sẻ, những năm gần đây, dưa lê, dưa lưới luôn hút hàng trên thị trường, đặc biệt là vào dịp tết. Năm nay anh sẽ cho ra mắt dưa lê có hình thù độc đáo, 2 mặt in chữ “Tài - Lộc” và dưa lưới khắc chữ thư pháp. Lý do anh chọn giống dưa lê giống TL888 để tạo hình vì đây là giống dưa có thời gian sử dụng khá dài, khoảng 10 ngày.
Không chỉ có hình dáng tròn đều, màu đẹp, dưa lê tại HTX Tân Hiệp An trồng trong nhà màng, canh tác theo hướng an toàn nên có vị rất thơm, ruột màu cam vàng, giòn, ngọt. Anh Dương Thanh Hữu quyết định tạo hình trên quả dưa để tạo sự mới lạ, khác biệt cho mâm ngũ quả chưng tết. Với hình thù độc đáo, bắt mắt, sản phẩm đạt chất lượng tươi ngon nên sản phẩm này được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Chưa thu hoạch đã hết hàng
Năm 2017, anh Hữu bắt tay khởi nghiệp với mô hình dưa lưới trong 4 nhà màng, diện tích 4.500m2. Mỗi nhà màng được đầu tư hoàn thiện, với hệ thống kiểm soát nhiệt độ, tưới nhỏ giọt… Là “tay ngang”, anh tự nghiên cứu, mày mò học hỏi tham khảo kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác. Năm 2018, anh trồng thử nghiệm giống dưa lê Huỳnh Long. Riêng đối với dòng sản phẩm dưa TL888 hình thỏi vàng, đây là năm thứ 4, vườn dưa lê cung ứng ra thị trường 2 dòng sản phẩm dưa lê ép khuôn hình thỏi vàng có chữ nổi thư pháp (Tài - Lộc, Phúc - Lộc - Thọ…) và dưa lưới khắc chữ thư pháp, tất cả kỹ thuật đều do anh Hữu tự tay thực hiện.
Theo anh Hữu, trên mỗi gốc dưa chỉ chọn được vài trái để tạo hình. Dù chăm sóc kỹ lưỡng, tỷ lệ hao hụt chiếm khoảng 50-70%. Phần hao hụt rơi vào rất nhiều trường hợp, chẳng hạn như trái phát triển không đều trong khuôn ép, tạo mẫu xong thì dây bị héo, trái không lớn, trái bị hư thối, đây cũng là công đoạn khó khăn nhất. Theo anh Hữu, dưa tạo hình từ khi trái còn nhỏ, khoảng 6cm vì như vậy sẽ vừa khuôn, trái nung đều ra các góc cạnh. Quá thời gian này, việc vào khuôn xem như không thực hiện được nữa. Với dòng dưa lưới khắc chữ thư pháp, tránh để dao phạm sâu vào thịt dưa, tỷ lệ hao hụt ít hơn.
Anh kể, vụ đầu tiên canh tác còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng càng làm anh càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tỷ lệ hao hụt giảm qua từng vụ. Hiện nay, năng suất và chất lượng trái đạt yêu cầu, khách hàng hài lòng với sản phẩm. Anh Hữu cho biết: “So với dưa lưới, canh tác dưa lê đòi hỏi kỹ thuật cao. Dưa lê được trồng trong nhà màng, da sáng bóng, trái chín vàng tươi rất đẹp. Riêng độ ngọt, thịt dày thì người trồng có thể điều chỉnh được, bằng các phương pháp hoàn toàn hữu cơ”. Dự kiến, ngày 28 tháng chạp tới đây, anh Hữu sẽ thu hoạch khoảng 10 tấn dưa lê, dưa lưới phục vụ thị trường tết. Trong đó, cung ứng khoảng 400 trái dưa lê hình thỏi và khắc chữ. Trái có trọng lượng khoảng 1,2 - 1,5kg. Giá sản phẩm dao động từ 350.000 - 550.000 đồng/cặp. “Dù giá tiền cao hơn các loại trái cây thông thường nhưng khách hàng vẫn vui vẻ đặt hàng. Năm tới, tôi cố gắng tăng năng lực sản xuất, để có thể đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng”, anh Hữu nói.
THANH HỒNG