Độc đáo hình rồng trên gốm

Cập nhật: 30-12-2023 | 10:52:58

Chuẩn bị bước sang năm mới Giáp Thìn 2024, nhiều người đã tìm mua quà tặng độc đáo và không… đụng hàng. Một trong những món hàng dự báo sẽ “sốt” năm nay là sản phẩm gốm thủ công có hình rồng…


Nghệ nhân Huỳnh Thị Thu Nguyên vẽ hình tượng rồng trên gốm

Biểu tượng gắn bó trong đời sống, tình cảm, tâm hồn dân tộc

Nói về năm Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Hiếu Học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Bình Dương, cho biết rồng trong 12 con giáp là hình tượng có nhiều gắn bó trong đời sống, tình cảm, tâm hồn dân tộc Việt. Rồng phương Đông cũng như ở Việt Nam biểu tượng cho quyền uy nhưng có khi gần gũi, biểu hiện cho đời sống tâm linh, tinh thần, hy vọng của con người, nhất là người lao động về một sự đổi mới, tốt đẹp.

Rồng trong tứ linh Long- Ly- Quy - Phụng cũng rất gần gũi với người Việt qua các hình ảnh trong đồ gia dụng từ rất xa xưa. Rồng ở Việt Nam còn thể hiện rằng cha ông ta xưa nay vẫn tự hào mình là con Rồng cháu Tiên với truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân…

Ở Bình Dương, nơi nghề gốm phát triển từ lâu, hình tượng rồng được nghệ nhân vẽ vào những vật dụng trong nhà như lu, khạp, bình hoa, chén, dĩa, ấm nước… Các nghệ nhân ở làng gốm Tân Phước Khánh (TP.Tân Uyên), làng gốm Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một)… cho biết từ thời có Lò Ông Tía hay còn được gọi là làng gốm Bà Lụa, sản phẩm gốm sứ Bình Dương đã rất độc đáo với nhiều hình ảnh phong phú, trong đó không thể thiếu hình ảnh rồng.

Sản phẩm làng gốm Chánh Nghĩa đặc trưng ở điểm được tráng men trong hoặc men trắng đục. Làng nghề gốm Lái Thiêu xuất hiện muộn hơn, vào khoảng đầu thế kỷ XX, cực thịnh vào giai đoạn 1930-1970. Sản phẩm làng gốm Lái Thiêu đặc trưng ở nước men bóng và màu sắc mang tính chất hội họa nổi trội hơn…

Làm sống lại hình ảnh rồng trong gốm xưa

Điều thú vị là hiện tại cả 3 làng nghề gốm thủ công Tân Phước Khánh, Chánh Nghĩa và Lái Thiêu vẫn còn sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm theo mẫu gốm xưa. Sản phẩm cung cấp cho khách hàng ưa chuộng về gốm trong và ngoài nước. Khi công nghệ khoa học phát triển, máy móc tự động hóa, các làng nghề gốm thủ công truyền thống vẫn còn hoạt động là điều rất đáng mừng.

Chị Bùi Ngọc Ánh, nhân viên phụ trách marketing của một lò gốm ở Lái Thiêu, cho biết tại đây có xưởng gốm Thủ Biên hiện có 7 - 8 nghệ nhân chuyên tạo hình, vẽ trên gốm theo yêu cầu. Theo chị Ánh, quà tặng tết năm nay nhiều khách lựa chọn có hình tượng con rồng như dĩa rồng, bình rồng hoặc những tượng dùng để trang trí trong phòng khách, bàn làm việc. Khoảng 60% khách hàng dịp này chọn sản phẩm có hình rồng. Một chiếc dĩa vẽ rồng theo kiểu xưa có giá 250.000 đồng. Các sản phẩm khác dao động từ vài triệu đồng/sản phẩm. “Tùy độ tinh xảo, công phu của sản phẩm mà có giá khác nhau”, chị Bùi Ngọc Ánh cho biết.

Theo nghệ nhân Trần Thị Yến, cách tạo hình con rồng chủ đạo của năm nay là rồng đang uốn lượn và bay lên, thể hiện sự phát triển, mạnh mẽ và hy vọng một năm mới khấm khá hơn. Cái dĩa gói gọn trong một diện tích nhỏ nên nghệ nhân phải khéo léo thể hiện được thần thái của con rồng nhưng vẫn gần gũi với đời sống…

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên