Độc đáo sơn mài mỹ thuật

Cập nhật: 26-11-2024 | 17:01:07

(BDO) Sản phẩm sơn mài gồm có sơn mài mỹ thuật và sơn mài ứng dụng. Những bức tranh sơn mài độc đáo của làng nghề Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) vẫn được nhiều người tìm mua và “trị giá cả gia tài” - nói như cách những người trong nghề biết định giá về cái đẹp.


Bức tranh sơn mài Nhà truyền thống TP.Thủ Dầu Một được nhiều người chọn làm quà tặng

Về sản phẩm sơn mài mỹ thuật, trong nhân dân còn lưu giữ nhiều hiện vật và công trình kiến trúc văn hóa cổ tiêu biểu như: chùa Hội Khánh (1741), nhà Ông Trần Văn Hổ (1890), nhà Ông Trần Công Vàng (1892)… Tất cả sản phẩm tại các rường cột bên trong những công trình này đều sơn then, sơn chùi. 

Trên các bức hoành phi được trang trí sơn son thếp vàng, câu đối cẩn xà cừ trên nền sơn then bóng láng rất công phu và độc đáo, các công trình kiến trúc đó đều có phủ thếp sơn vẫn còn tồn tại đến ngày nay và đều do nghệ nhân địa phương thực hiện.


Họa sĩ Nguyễn Tấn Công (trái) nói về tranh vẽ cảnh đẹp Bình Dương

Theo tài liệu ghi lại, sơn mài truyền thống có giá trị về mỹ thuật, có đặc trưng riêng của chất liệu và kỹ thuật. Chất liệu sơn mài  truyền thống Bình Dương (sơn ta) được sử dụng xuyên suốt hoàn chỉnh sản phẩm là loại sơn khai thác tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam và Campuchia, Myanma, được xem là nguyên liệu chính, kết hợp với nguyên liệu phụ có khả năng biểu hiện riêng như: vàng bạc lá, vàng bạc hạt, vỏ ốc trai, vỏ trứng gà vịt, son, bột màu các loại… 

Trong nghệ thuật sơn mài, sơn “cánh gián” hay “then” có vai trò chủ đạo trong việc kết hợp với toàn bộ màu, các chất liệu mài và dẫn dắt chúng đi theo đúng các bước kỹ thuật vẽ, từ khi khởi đầu đến khi hoàn thiện công việc và tự thân vừa là chất keo, chất phủ, chất bóng, chất lót tạo nền cho từng sản phẩm.

Đặc điểm của kỹ thuật chế tác sơn mài truyền thống ước tính trải qua gần 25 công đoạn, thời gian hoàn thành phải từ 3 đến 6 tháng, chia thành 2 giai đoạn: kỹ thuật làm sơn, vóc và kỹ thuật thể hiện (vẽ, cẩn…).

Trong khâu thể hiện có nhiều thể loại khác nhau như: sơn lộng, sơn mài vẽ chìm, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài vẽ dày, sơn mài khắc trũng, sơn mài cẩn ốc chìm, sơn mài cẩn ốc nổi, sơn mài cẩn trứng chìm, sơn mài cẩn trứng nổi, sơn mài vẽ màu vàng bạc nhũ, sơn mài vẽ màu vàng bạc lá, sơn mài vẽ lặn đơn giản - vẽ lặn phức tạp, sơn mài đắp nổi, sơn mài tổng hợp... 


Ông Trương Quan Tịnh, Chủ cơ sở Sơn mài Định Hòa giới thiệu những bức tranh sơn mài vẽ phong cảnh Bình Dương

Bên cạnh đó, trong tranh sơn mài ở những di tích thắng cảnh của Bình Dương cũng được họa sĩ tạo nên những tác phẩm thật độc đáo. Đó là những bức tranh như: cầu gãy Sông Bé, Nhà việc Phú Cường (nay là Nhà truyền thống TP.Thủ Dầu Một, Chợ Thủ), Chợ hoa ngày Tết, Bến xe thổ mộ, bến Lò Lu,  Chùa Hội Khánh… 


Cánh hoa Dầu - Biểu tượng của Bình Dương trong tranh sơn mài

Họa sĩ Nguyễn Tấn Công, giáo viên Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương cho rằng: mỹ thuật cũng như nhiếp ảnh, là đem cảnh đẹp từ cuộc sống vào trong tác phẩm. Sơn mài mỹ thuật cũng ghi lại những cảnh đẹp này để làm phong phú thêm sản phẩm sơn mài của Bình Dương.

Nhiều nghệ nhân khác cũng đã tạo ấn tượng mạnh với du khách qua nhiều sản phẩm sơn mài với chủ đề về các cảnh đẹp Bình Dương. Ngày nay, du khách có thể đến với phòng trưng bày tranh của cơ sở sơn mài Định Hòa để hiểu thêm về nguồn gốc ra đời của các tác phẩm này. Ở đây, nhiều bức tranh sơn mài mỹ thuật được chủ nhân sưu tập và trưng bày để giới thiệu cho những ai muốn tìm hiểu về sơn mài Tương Bình Hiệp.


Chợ gà - một bức tranh sơn mài rất sinh động của vùng đất Thủ Dầu Một

Sự sáng tạo của con người là không ngừng! Và như thế, sơn mài mỹ thuật vẫn sẽ còn mãi qua những bức tranh, qua những họa tiết thật đặc sắc để lưu truyền hết đời này sang đời khác, để làm nên tên tuổi của một làng nghề. 

Cánh hoa Dầu xoay tít bay bay, Nhà truyền thống TP.Thủ Dầu Một… là những hình ảnh mà nhiều người chọn đưa vào tranh sơn mài. Có những bức tranh sơn mài đã được chọn vẽ số lượng nhiều để làm quà tặng theo đơn đặt hàng. Từ bức tranh, người trao và nhận đều muốn lưu giữ nét riêng của Bình Dương, của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Và như thế, sơn mài lại tiếp nối dòng chảy của thời gian, những bức tranh sơn mài thật đẹp, được làm rất tỉ mỉ, công phu như gói trọn tinh hoa làng nghề, ghi đậm nét giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc vào từng tác phẩm. 

Quỳnh Như

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=682
Quay lên trên