Độc đáo tác phẩm điêu khắc “Tình ca phương Nam”

Cập nhật: 27-12-2023 | 10:20:52

Điêu khắc là một trong những ngành nghề có truyền thống lâu đời trên đất Bình Dương và cũng là 1 trong 8 ngành được đào tạo tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Thời gian qua, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh, giáo viên của trường đã tham gia và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực cũng như toàn quốc.


Lãnh đạo HĐND tỉnh và Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chụp ảnh cùng nhà điêu khắc Châu Trâm Anh (bìa phải) bên cạnh tác phẩm “Tình ca phương Nam”

Những năm gần đây, tác phẩm tượng trong nhà và ngoài trời thường được sáng tác theo xu hướng đến gần thiên nhiên, phù hợp với kiến trúc và cảnh quan, chứa đựng những suy tư, chiêm nghiệm của các nghệ sĩ về cuộc sống đương đại, chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội, thời cuộc rõ nét. Với tác phẩm tượng điêu khắc bằng đá trắng có tên gọi “Tình ca phương Nam”, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh đã đạt giải nhì (không có giải nhất) tại cuộc thi và triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức năm 2023.

Chia sẻ niềm vui này với chúng tôi, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh cho biết, quá trình lên ý tưởng rồi hoàn thành tác phẩm đã cho anh rất nhiều niềm vui và hạnh phúc vỡ òa khi “Tình ca phương Nam” là 1 trong số 3 tác phẩm đạt giải nhì tại cuộc thi. Tác phẩm lấy hình tượng chiếc xe thổ mộ (xe ngựa), một loại xe rất đặc trưng, phổ biến ở Nam kỳ lục tỉnh xưa, mà nổi tiếng nhất là những lớp thợ nghệ nhân của đất Thủ Dầu Một từ miền Bắc, miền Trung di dân vào, lập nghiệp tạo ra những kiểu dáng đẹp mắt, chở những giỏ hoa trong dịp xuân về, hình tượng anh thanh niên cầm đàn tượng trưng cho đờn ca tài tử Nam bộ theo lớp lưu dân vào phương Nam khai hoang mở mang bờ cõi; hình tượng người nữ tay ôm bình gốm tượng trưng cho những làng nghề truyền thống sớm có mặt tại vùng đất mới từ những ngày đầu và từ tình yêu lứa đôi lớn lên dần thành tình yêu gia đình, dân tộc, đất nước…

Với muôn vàn khó khăn của cuộc sống ở vùng đất mới, nhưng với tình yêu và sự đùm bọc chở che cho nhau, họ đã đi cùng nhau đi đến hạnh phúc. Hình tượng đầu ngựa được cách điệu từ những thân cây cao su với lục lạc và bờm ngựa là những giọt vàng trắng (mủ cao su) mà ngày xưa lớp cha ông chúng ta đi phu để đổi lấy bằng máu và cả tính mạng mang lại cho người xem nhiều suy ngẫm. Hình ảnh thân xe ngựa là những lò gốm truyền thống quyện trong khói sương của bình minh ngày mới mang đến cho người xem cách nhìn đa chiều.

Theo nhà điêu khắc trẻ Châu Trâm Anh, tất cả các hình tượng trên sau khi được phối kết hợp bố cục mạch lạc, hài hòa theo ngôn ngữ tạo hình cách điệu lược giản, mượn hình tả ý để gửi gắm những thông điệp yêu thương lạc quan vào cuộc sống tương lai qua chất liệu đá trắng càng làm nổi bật lên ý tưởng tinh thần lạc quan - hào sảng - hiếu khách của đất và người phương Nam. Họ luôn dang rộng vòng tay đón chào bè bạn bốn phương về hội tụ và cùng nhau dựng xây một cuộc sống mới ngập tràn hạnh phúc được lan tỏa đến muôn phương.

“Tham gia cuộc thi lần này, tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và góp ý của các nhà điêu khắc, nghệ sĩ, họa sĩ lão thành của Việt Nam về sáng tạo nghệ thuật mang ngôn ngữ hiện đại, nhưng vẫn đậm hơi thở truyền thống, có chiều sâu văn hóa... Qua đó, các góp ý giúp bản thân có thêm ý tưởng để sáng tác thêm những tác phẩm sau hoàn mỹ hơn. Hy vọng, tác phẩm sẽ được đón nhận và đáp ứng nhãn quan nghệ thuật đương đại, góp phần khẳng định vị thế của Bình Dương trong giới mỹ thuật trong nước và quốc tế”, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh nói.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=566
Quay lên trên