(BDO) Ngày con tôi còn bé, con vừa biết đọc chữ, tôi ra nhà sách mua cho con bộ sách 5 tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Khi con lớn lên, tôi thường xuyên đưa con đến nhà sách, thư viện để con được nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức.
Nuôi con khôn lớn, tôi yên tâm với những gì mình đã làm để duy trì, phát triển văn hóa đọc cho con, góp phần hình thành một con người mới có tri thức, đạo đức, có lý tưởng, khát vọng cống hiến để mai này xây dựng gia đình, đất nước ngày càng tươi đẹp, hạnh phúc.
Lễ ra mắt Thư viện Cù lao Rùa (ảnh cắt từ clip)
Vừa rồi sinh nhật con, con đem về nhà vài quyển sách là quà tặng của công ty nơi con làm việc. Con kể, đại diện Công đoàn công ty hỏi con thích được tặng món quà gì trong ngày sinh nhật của mình? Con trả lời thích được tặng sách. Vậy là đến ngày sinh nhật của mình, con được công ty tặng cho mấy quyển sách.
Thế nhưng vài tháng trôi qua, từ lúc đem các quyển sách từ công ty về nhà, tôi không thấy con cầm lên đọc. Một hôm sau bữa cơm, tôi hỏi con về thắc mắc của mình, con cười đáp: Con trả lời với công ty thích được nhận quà là sách để nâng giá trị mình lên thôi, chứ bây giờ bao nhiêu việc cần làm con còn làm chưa xong, lấy đâu ra thời gian để đọc sách nữa.
Nhìn lại bản thân mình, quả thật cũng khá lâu rồi, tôi chưa đọc trọn vẹn một quyển sách nào. Thỉnh thoảng bắt gặp đâu đó trên các báo hoặc trên facebook giới thiệu về những cuốn sách hay, tôi tìm mua nhưng rồi công việc, lễ lộc, hội hè cứ cuốn tôi đi. Những cuốn sách mua về nằm chờ trên kệ, tôi tự nhắc mình tối nay sẽ đọc, cuối tuần sẽ đọc nhưng rồi mỗi khi có thời gian rảnh rỗi tôi lại mãi mê truy cập facebook, Youtube…
Sáng nay xem chương trình Tôi yêu Bình Dương của Báo Bình Dương, tôi thật sự khâm phục và ngưỡng mộ về việc làm của nhà báo nghỉ hưu Mai Sông Bé, xây dựng một thư viện tư nhân khoảng 10.000 đầu sách tại cù lao Thạnh Hội (xã Thạnh Hội, TP.Tân Uyên), phục vụ cộng đồng phi lợi nhuận.
Bạn đọc tìm kiếm những điều hay, bổ ích từ sách tại Thư viện Cù lao Rùa (ảnh cắt từ clip)
Hiện nay, trước sự bùng nổ của smartphone và các nền tảng mạng xã hội đã đặt ra nhiều thách thức cho văn hóa đọc. Một trong những cách để lan tỏa văn hóa đọc là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình thư viện với những hình thức đọc sách đa dạng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Chính sự góp mặt của các thư viện sách tư nhân, thư viện cộng đồng, câu lạc bộ sách, xe sách lưu động, cà phê sách, đường sách… góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí.
Qua chương trình, tôi được biết sau khi nghỉ hưu và sau những ngày nằm viện điều trị bệnh, trở về nhà, ý tưởng về việc lan tỏa văn hóa đọc cho người dân cù lao Rùa quê hương ông càng được nung nấu mạnh mẽ hơn. Thật cảm kích trước tâm nguyện của một người con Bình Dương, ông chỉ mong sao nhờ đọc sách, mọi người sẽ được trang bị thêm tri thức, sống bao dung, nhân hậu và nghĩa tình hơn.
Nhà báo Mai Sông Bé (ảnh cắt từ clip)
Sau khi xem chương trình Tôi yêu Bình Dương giới thiệu về thư viện Cù lao Rùa, tôi cảm thấy bản thân mình và các con cần phải thay đổi ngay lúc này. Duy trì một động lực đúng đắn sẽ giúp ta trở nên tốt hơn mỗi ngày. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, hãy đặt điện thoại xuống và cầm sách lên, đọc sách để học cách sống có giá trị...
Minh Hoàng