Hò ơi... / Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm / Công tôi cực lắm, chẻ lác nhuộm màu / Nối nghề cha dạy từ lâu / Tôi chèo ghe lên ngã bảy... / Hò ớ.. ơi... / Chèo ghe lên ngã bảy, đặng dãi dầu bán buôn...
Bài vọng cổ “Con trai người bán chiếu” vang lên giữa trưa phố thị nghe vừa ngộ nghĩnh vừa bồi hồi đến lạ lùng. Sau câu rao đó, là giọng rền ấm vang lên: - Chiếu đây! Chiếu đây! Ai mua chiếu không! Chiếu đây...
Cứ vài ba ngày, anh ta lại xuất hiện đẩy chiếc xe hai càng dài thoòng chở đầy ắp các loại chiếu đem bán. Quê anh không ở Cà Mau mà ở miền Trung. Cứ sau thiên tai, dân chúng lại đổ vào phương Nam rất nhiều. Họ làm đủ mọi nghề như mua ve chai, bán dép nhựa cao su. Cứ thế mà khu phố tấp nập ồn ào lên mãi các giọng rao. Có nhiều khi tôi chờ giọng rao chiếu của anh, chiếc xe đẩy của anh, chỉ để gật đầu chào. Anh ta nhìn tôi mỉm cười, tôi định hỏi han gì đó rồi lại thôi. Muốn hỏi anh về chuyện trước đây sống ra sao, làm gì, nhưng thấy anh vẫn vậy, vẫn nửa tỉnh nửa quê. Không thấy già, chắc là gầy hơn một chút nên có vẻ cao hơn một chút vẫn trong bộ đồ bà ba cũ kỹ và lầm lũi đi theo ngày tháng. Cái giọng cao rền trầm ấm đó cứ đọng mãi ở trong tôi như một làn gió mát gần gũi buổi oi bức lúc hè về.
Phụ nữ cũng chọn nghề bán chiếu dạo để mưu sinh…
Người bán chiếu trước kia vác hàng trên đầu hoặc xỏ chiếc đòn gánh bóng láng gánh kẽo kẹt trên vai. Nay thì hầu hết chở bằng xe đạp, một ít chạy xe gắn máy hay đẩy chiếc xe càng sắt như loại xe mua heo đời trước với hai bánh hai bên thùng. Lúc ai mua thì hạ càng xuống chống trên cây sắt làm chân trụ vững vàng. Như vậy có thể đi xa hơn và đỡ mệt. Họ đứng nép dưới bóng mát bên hàng ba vệ đường, dốc chai nước uống vài ngụm rồi lấy ra bao thuốc lá mồi lửa phì phà thả khói bay, nghỉ chân xả hơi có vẻ vô tư lự. Khác hẳn với các người làm công nhân, viên chức tất bật nét mặt luôn căng thẳng gay go trong tính toán công việc.
Khi thấy anh bán chiếu đi qua thì tôi bận không gọi anh lại được. Khi chờ để hỏi chuyện chơi thì anh lại biến mất tăm hơi! Chiều nay không mưa gió, trời còn ửng nắng nóng và khô khan, tôi thấy một người đàn ông quần áo gọn gàng, tóc tai ngắn gọn, dáng gầy của dân miền Trung đang đẩy xe chiếu đi qua. Chiếc xe chở ắp chiếu, chiếc dài, lớn ở dưới, chiếc ngắn, nhỏ sắp xếp ở trên gọn gàng cũng giống như chiếc xe đẩy của anh chàng cao lớn thường ngày. Anh kia có vẻ nông dân miệt vườn hơn, anh này thì ăn mặc theo lối công nhân sạch sẽ từ đầu đến chân, nét mặt có vẻ xẵng xái.
Tôi gọi hàng chiếu lại xem. Anh bán chiếu vừa dỡ chiếu ra vừa kể chuyện: “Tôi ở Đà Nẵng vào Sài Gòn bán chiếu từ nhỏ, cỡ 13 tuổi đến nay đã 52 rồi. Tôi có 3 đứa con. Thằng lớn đi học đến năm lớp 12 rồi thi đại học rớt, bây giờ được chia đất ruộng để làm ở nhà quê. Hai đứa em nó, 1 trai 1 gái còn đi học và làm ruộng rẫy với bà xã”. Tôi gật đầu: “Sao anh không ở nhà làm ruộng mà lại đi bán chiếu?”. Anh bán chiếu đặt đầy chiếu xuống đất: “Buôn bán ở đây vui hơn. Vả lại đất ngoài Trung mà tôi được chia, phèn nhiều quá không trồng lúa được nên mọi người đều trồng lác để dệt chiếu. Từ ông bà cha mẹ tôi đến giờ bán chiếu đã quen. Trong làng từ xưa, gia đình nào cũng vừa trồng lác, dệt chiếu sau đó tự quảy đi bán rong. Một chuyến đi có khi kéo dài cả tháng, bán hết chiếu lại quay về lấy chiếu mới. Sau này, mối lái đến tận nơi mua hàng, hoặc như tôi đi xa quá vào tận miền Nam vẫn quen bán chiếu chứ không đổi nghề khác”.
Anh giải thích dài dòng thêm: Ðất tốt dành cho hoa màu phụ hay lúa. Còn lác thì tận dụng đất phèn chỗ nào trồng cũng được. Sau 1 hoặc 2 năm thì bắt đầu thu hoạch. Rồi đến 5, 10 năm mới phải trồng lại. Cứ cắt ngang gốc làm lác lên mau. Từ đó thu hoạch đều hàng năm. Cây lác lên cỡ 1m6 đến 1m8 là vừa. Nếu dài quá thì cắt bỏ, canh sao cho vừa các loại chiếu khổ nhỏ, khổ lớn, dài hay ngắn. Khi dệt chiếu, cứ hai người một máy phụ nhau để đưa thoi. Ở làng chiếu, đàn ông, đàn bà đều dệt giỏi. Cả nhà xúm nhau vào cùng làm. Chiếu lác làm thủ công, dệt tay từng tấm dài cỡ hai chiếc chiếu rồi cắt ra, tiếp tục dệt cái khác. Bây giờ có chiếu nylon dệt đại trà bằng máy nhưng nằm không êm, không mát như lác. Vì thế người quen dùng chiếu vẫn chuộng chiếu lác hơn.
“Vậy cứ hết chiếu thì anh về Ðà Nẵng lấy đem vào bán?”. “Tiện thì chở, không thì thôi. Chiếu trong Nam cũng đẹp lắm. Tôi lấy ở mấy khu chợ Sài Gòn. Ngoài ra còn chiếu Long An chở lên cũng gần. Trên Thanh Ða cũng có nơi đầu mối bán chiếu. Cứ hết chỗ nào tiện tôi lấy ở đó. Chiếu được sản xuất ở nhiều nơi. Miền Bắc có chiếu Hới, Nga Sơn... Miền Trung là Hội Sơn, Cẩm Nê, Bàn Thạch... Miền Nam thì Gò Công, Mỹ Tho, Ðịnh Yên... đều nổi tiếng bền, đẹp cả”.
Tôi lật xem mấy tấm chiếu: “Nhiều quá, không biết chọn thứ nào”. Anh bán chiếu giới thiệu: Chiếu phải chở đi nhiều loại cho khách lựa chọn. Ðây là chiếu tơ thường, đây là chiếu đặt hàng. Chiếu đơn mỏng, chiếu đôi rất dày. Chiếu trơn hay chiếu hoa... Chiếu đám cưới in chữ hạnh phúc, chiếu thờ có cặp rồng... Mùa hè nằm mát, mùa đông lại ấm. Còn chiếu nylon anh coi, rất nhẹ và mỏng nhưng thật ra mau gãy. Chiếu khoảng 1m6 thì bán từ 100.000 - 150.000 đồng, loại trắng không màu chỉ cỡ 60.000 đồng một chiếu thôi. “Có loại nào nữa không?”. “Loại đặt thì 1m2, 1m7, 1m8 cỡ 250.000 đồng mỗi chiếc. Có loại 8 tấc, loại 1m, có loại 1m2, 1m4 cho đến 1m6 tùy người đặt nữa”. “Vậy anh ở đây bán chiếu quanh năm à?”. “Cứ vài tháng tôi về quê một lần. Tháng chạp chỉ bán cho tới khoảng 25 hay 27 tết thì về. Ở quê ăn tết cho đến khoảng 20 tháng giêng âm lịch tôi mới quay vào phương Nam lại”. “Vậy anh kiếm sống bằng nghề chiếu được không?”. “Mỗi chiếc lời cỡ 10.000 đồng. Mỗi ngày chừng một trăm. Tôi sống tiện tặn để dành chút ít. Còn ngoài quê, vợ con tôi vẫn trồng lác, dệt chiếu, làm song song với ruộng rẫy, hoa màu và nuôi thêm gà heo...”.
Tôi ngắm chồng chiếu: “Chiếu có màu đủ sắc mướt và đẹp quá!”. “Lác nhuộm cắt rồi đem phơi, sau đó mới dệt chiếu. Có khi không dệt bằng sợi lác màu thì người ta in thẳng màu vô chiếu. Loại dệt màu công phu hơn nên đắt hơn loại in màu. Miền Nam thường dệt chiếu trắng rồi mới in hoa, miền Trung nhuộm màu trước rồi dệt thành hoa văn, miền Bắc nhiều hoa văn phong phú. Người chuyên môn nhìn vào phân biệt được ngay chiếu vùng nào. Dân miệt xã, huyện dùng chiếu nhiều hơn ở thị tứ. Cuối năm là mùa chiếu bán chạy nhất. Chiếc chiếu cũ hay rách, ai cũng đợi đến tết mới thay. Mùa hè như vậy, bán chủ yếu cho khách ở trọ...”. Anh bán chiếu thật thà kể.
Thật ra bây giờ dân thị tứ dùng nệm nhiều. Nệm rẻ và nằm êm nên lấn lướt chiếu. Chiếu không còn chiếm độc quyền như xưa nữa, không kể chiếu lác cũng khó cạnh tranh nổi với chiếu nylon, chiếu trúc... Nhiều nơi, nông dân còn phá ruộng lác để nuôi tôm thu lời cao hơn. Nguồn nguyên liệu thu hẹp, đẩy giá thành cao hơn khiến nhiều làng nghề lao đao. Vừa bó đống chiếu lên xe ràng buộc chặt chẽ, anh bán chiếu giơ ra thêm món hàng mới: “Chiếu cũng có nhiều cải tiến lắm. Ðây là chiếu xếp tư vuông góc như cái bánh chưng rất tiện mang theo ba lô để đi du lịch”. Tôi trả 60.000 đồng cho chiếc chiếu thường để trải ghế bố nằm rất mát lưng. Anh bán chiếu ngồi lên chiếc xe đạp sắp đi quay lại chào tôi.
...Bỗng một vạt sóng xô hiện ra xuồng nhỏ, đến nắm tay tôi là dì áo vải bông hường. Phải rồi, dì ơi, cháu là con trai của một người năm xưa lên xứ này bán chiếu đó dì. Dì ơi, đã 27 năm tròn. Giờ thêm một lần anh bán chiếu khóc tương tư... Anh bán chiếu ngồi lên chiếc xe đạp sắp đi quay lại chào tôi và cất giọng với câu kết của “Con trai người bán chiếu” nghe thật bùi ngùi...
NGUYỄN HỒNG PHÚC