Đôi điều suy ngẫm về liên hoan cải lương toàn quốc 2018

Cập nhật: 15-09-2018 | 16:59:54

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 được tổ chức tại TP.Tân An, tỉnh Long An từ ngày 5 đến 19-9 với 32 vở diễn của hơn 20 đơn vị từ Bắc chí Nam. Tuy liên hoan năm nay có nhiều cải tiến, đổi mới, mở rộng đề tài, đối tượng tham gia… nhưng để lại cho bản thân người viết và những ai quan tâm đến cải lương nhiều băn khoăn, trăn trở .

 Sở dĩ cải lương tồn tại đến ngày hôm nay là do nhiều yếu tố cộng hưởng. Bên cạnh nội dung tuồng tích, thể tài đa dạng; đội ngũ sáng tạo dày dạn kinh nghiệm chuyên môn; thì âm nhạc và các yếu tố mỹ thuật (cảnh trí, đạo cụ, trang phục) cũng góp phần quan trọng giúp cho cải lương có sức cuốn hút mạnh mẽ so với các loại hình sân khấu truyền thống khác của dân tộc. Tiếc rằng, trong liên hoan lần này, khâu âm nhạc và cảnh trí của một số vở diễn đã không được chú trọng. Lạm dụng quá nhiều kỹ xảo, trang thiết bị điện tử làm mất đi “bản sắc” của nghệ thuật cải lương là tính ước lệ và đậm chất trữ tình. Đó là chưa kể trang phục của diễn viên chưa phù hợp với nội dung vở diễn.

Hiện thời, những soạn giả sáng tác kịch bản cải lương (nhất là lớp trẻ) chỉ đếm trên đầu ngón tay, số lượng và chất lượng vô cùng hạn chế. Thông qua những cuộc liên hoan như thế này sẽ phát hiện và bồi dưỡng những gương mặt mới, những cây viết trẻ với bút lực khỏe khoắn cho sân khấu cải lương. Nhưng đáng buồn thay, Ban tổ chức chấp thuận cho sử dụng những tuồng tích cũ, các đơn vị chỉ việc “xào đi nấu lại” theo kiểu “bình cũ rượu mới” khiến liên hoan không có nhiều vở diễn mang hơi thở mới của thời đại và điều đó cũng đồng nghĩa với việc đội ngũ sáng tác trẻ của sân khấu cải lương ngày càng khan hiếm, thậm chí là không có. Rốt cuộc liên hoan Cải lương 2018 cũng chỉ là sân chơi dành cho các tác giả, đạo diễn có uy tín trong nghề chứ không phải là hoạt động nhằm tìm kiếm, phát hiện tài năng mới để bổ sung lực lượng kế thừa cho di sản cải lương.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc vốn có của nghệ thuật cải lương một cách thiết thực, hiệu quả và có chất lượng, thiết nghĩ các chủ thể của di sản độc đáo này (cơ quan quản lý, soạn giả, nghệ sĩ, diễn viên) phải trao đổi, thống nhất phương án thực hiện sao cho hợp lý, khoa học và có tính hệ thống; phải ưu tiên đầu tư đào tạo một cách căn cơ, bài bản lực lượng kế thừa; phải giới thiệu và truyền bá nghệ thuật cải lương đến với lực lượng công chúng (nhất là lớp trẻ), giúp họ am hiểu sâu sắc và trân quý hơn di sản đặc sắc mà thế hệ cha ông đã dày công vun đắp suốt một thế kỷ qua. Có như vậy thì mới có thể hy vọng giúp cho sàn diễn cải lương được “sáng đèn” và sống mãi trong lòng dân tộc chứ không phải chỉ thông qua những cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn như thế này mà “vực dậy” được sân khấu cải lương như thời hoàng kim.

 Thạc sĩ PHẠM THÁI BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=594
Quay lên trên