Đổi đời từ thế mạnh ven sông…

Cập nhật: 22-02-2022 | 08:31:37

Nằm bên cạnh sông Bé và sông Đồng Nai, huyện Bắc Tân Uyên có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ven sông. Nhiều người dân trên địa bàn đã tận dụng thế mạnh để phát triển kinh tế gia đình, góp phần thay đổi làng quê nghèo thành vùng đất với nhiều “tỷ phú nông dân”.

 Sông Đồng Nai và sông Bé với phù sa màu mỡ, nguồn nước bảo đảm là điều kiện thuận lợi để huyện Bắc Tân Uyên phát triển chuyên canh cây ăn trái có múi. Trong ảnh: Bến phà Hiếu Liêm ngày ngày đưa người dân qua lại và giao thương hàng hóa

 Quê nghèo “lột xác”

Trong ánh nắng nhẹ nhàng của một buổi sáng đầu xuân, tôi chạy xe về bến phà xã Hiếu Liêm, nơi hàng ngày có nhiều chuyến chuyên chở người dân qua lại và hàng hóa giao thương. Đứng bên bờ sông, ngắm dòng nước sông Bé và sông Đồng Nai phẳng lặng, nhìn những chuyến phà chở nặng hàng hóa như gợi mở ra một bức tranh kinh tế sôi động, sầm uất dần theo năm tháng.

Ấp Chánh Hưng và ấp Cây Dâu (xã Hiếu Liêm) trước đây là khu dân nghèo thuộc ấp 5, xã Lạc An, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng cây tràm cho hiệu quả không cao. Ngày nay, cái tên “xóm nghèo” không còn nữa, giờ đã thành “xóm giàu” của xã. Theo lời ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, kể từ khi tách xã, tận dụng lợi thế ven sông, bà con chuyển đổi trồng cây ăn trái có múi. Thời điểm ban đầu chỉ có 2 - 3 hộ dân đến từ Đồng Tháp, Bến Tre trồng cây ăn trái cho hiệu quả cao. Từ đây, chính quyền địa phương đã định hướng cho người dân học hỏi kinh nghiệm để chuyển hướng phát triển cây ăn trái có múi như cam, quýt, bưởi để vươn lên ngay trên mảnh đất quê hương.

“Dân số xã Hiếu Liêm ít, dân thưa, đất rộng nên có điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp. Nằm bên sông Bé và sông Đồng Nai, nguồn nước bảo đảm tưới tiêu, thổ nhưỡng vùng đất này phù hợp để phát triển cây ăn trái có múi. Hiện tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn xã hơn 1.400 ha, riêng 2 ấp Chánh Hưng và Cây Dâu chiếm tới 2/3 diện tích với 1.200 ha. Thương hiệu “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”, “Quýt Bắc Tân Uyên” giờ đây đã có uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Quý tự hào cho biết.

Ông Lý Văn Cư, Trưởng ấp Cây Dâu, chia sẻ: “Ấp có 130 hộ thường trú, nhiều hộ sống giáp sông, khoảng cách chỉ 600m. Dân trong ấp chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn trái có múi, nhiều hộ khai khác nguồn nước tốt nên phát triển cây ăn trái rất mạnh”. Quả thật, về Bắc Tân Uyên, nhắc đến những cái tên như Ba Thắm, Tám Thương, Tám Vững, Năm Tình, Tư Có, Phạm Ngọc Minh... hầu như ai cũng biết. Với diện tích trên dưới 100 ha, các trang trại này trung bình cho ra sản lượng 25 - 30 tấn/ha, doanh thu vài chục tỷ đồng/năm, thị trường khách hàng trải khắp các thành phố lớn trong nước. Để thuận lợi trong trồng trọt, các trang trại này 99% tận dụng nguồn nước từ 2 dòng sông bằng cách áp dụng công nghệ cao để tạo hệ thống tưới tiêu hoàn toàn tự động trong sản xuất.

Điển hình như trang trại ông Lâm Thành Thương (tổ 4, ấp Chánh Hưng) đã rất thành công trong việc đem giống quýt hồng Lai Vung từ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đến trồng trên mảnh đất Hiếu Liêm. Ông Thương tâm sự: “Đưa một giống cây từ vùng đất sét về vùng đất mới để thành công không phải dễ dàng, bên cạnh nguồn nước thuận lợi đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm. Trồng cây rất dễ và ai cũng có thể trồng, nhưng đến ngày thu hoạch phải đạt chất lượng đó là trái đẹp, mọng nước thì không phải ai cũng làm được”. Và quả thực, nguồn nước giàu phù sa và kinh nghiệm của người nông dân đam mê trồng trọt đã mang lại trái ngọt cho ông. Với diện tích 15 ha trồng quýt hồng Lai Vung, trung bình thu hoạch 30 - 40 tấn/vụ, riêng mỗi vụ tết thu hoạch lên tới 100 tấn đã mang lại cho ông nguồn lợi kinh tế không nhỏ.

 Vườn quýt hồng Lai Vung của trang trại ông Lâm Thành Thương (Tám Thương) nằm bên cạnh dòng sông Bé mang lại nguồn thu lớn mỗi năm. Trong ảnh: Thành viên gia đình ông Tám Thương chăm sóc vườn cây

Nói về sự thay da đổi thịt của mảnh đất này, ông Trần Hữu Quyền, Trưởng ấp Chánh Hưng, không giấu nổi niềm xúc động, hân hoan: “Tôi sinh sống trên mảnh đất này đã hơn 34 năm, làm trưởng ấp hơn 20 năm, chứng kiến sự thay đổi của vùng đất thân thương này theo từng năm tháng thật sự tự hào. Trước đây vùng đất này vẫn còn nghèo khó, kể từ khi phát triển, mở rộng trồng cây ăn trái có múi, đời sống kinh tế của người dân đã thay đổi rất nhiều. Người ít đất thì có việc làm, người nhiều đất thì tập trung canh tác, trồng cây ăn trái giúp kinh tế địa phương phát triển”.

Nghề cũ đã thành ký ức

Cũng là một xã có nhiều người dân sinh sống ven sông, Lạc An là một xã còn nghèo nhưng người dân chịu thương, chịu khó, từng bươn chải, lăn lộn trên sông nước để sinh nhai. Trong giọng kể chậm rãi pha lẫn chút hoài niệm, ông Trần Văn Trung, Trưởng ấp 1, xã Lạc An, tâm sự: “Ở ấp 1 trước đây có 1 tổ là hộ ven sông sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Đồng Nai. Cách đây hơn 10 năm về trước họ phát triển thêm nghề nuôi cá bè, nhưng sau này để bảo đảm vệ sinh môi trường nước nên không còn nuôi cá bè nữa. Ấp 1 khó khăn hơn các ấp khác vì đất ít nên thanh niên chủ yếu đi làm công nhân. Những hộ có đất thì phát triển cây ăn trái có múi, đời sống kinh tế tương đối khá giả”.

Ông Đỗ Hoài Vinh, Trưởng ấp 3, cho biết ấp có tổng số hơn 500 hộ dân, trong đó có 20 hộ sống ven sông. Được sự vận động, định hướng đúng đắn của huyện, những hộ dân dưới bè cá lên đất liền sinh sống. Những người đi đánh bắt cá giờ còn rất ít, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Còn lại người dân chủ yếu đầu tư phát triển cây ăn trái có múi, trồng lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc đi làm công ty. Hiện nay, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển cây ăn trái có múi, Lạc An là xã có diện tích đất lúa lớn nhất trong huyện, chiếm 280 ha. Người dân Lạc An đang nỗ lực mỗi ngày để tận dụng lợi thế ven sông phát triển cây trồng. Từ đó nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Rời vùng đất ven sông của huyện Bắc Tân Uyên trong tôi vẫn đọng lại hình ảnh bức tranh quê với cảm xúc vui mừng khó tả. Với điều kiện tự nhiên thích hợp, biết tận dụng lợi thế sông ngòi để phát triển thế mạnh, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên đã tăng nhanh, tạo thành vùng chuyên canh lớn góp phần thúc đẩy nền kinh tế - văn hóa của toàn huyện. Nhờ địa thế bên sông, định hướng đúng đắn của cấp chính quyền, đúng thời kinh tế mở cửa, sự nhạy bén của người dân đã biến những làng quê nghèo ngày càng đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn.

 Để phát triển kinh tế ven sông của huyện bền vững, ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huyện chú trọng tranh thủ nguồn đóng góp của người dân, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa nạo vét, cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương, các trạm bơm điện, đập chứa nước để phân phối, điều tiết nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó kịp thời chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tăng cường theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, di dời các hộ dân thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông Đồng Nai...  

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=896
Quay lên trên