Đời không có những tiếng “giá như”…
(BDO) Chúng tôi đến thăm phòng trọ của anh Lê Văn Thành (SN 1986), ngụ số 166/7, khu phố Trung Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An vào một buổi sáng sớm. Ở nơi này, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện là bi kịch; là những biến cố quá lớn trong cuộc đời ai không may mắn phải gánh chịu. Nhưng, rơi vào bi kịch, sống trong khó khăn, đương đầu với chuỗi ngày đầy nước mắt, ấy vậy mà ở họ, chúng tôi không hề nghe đến hai từ “giá như!”. Vượt lên trên nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần là nghị lực sống, là tình yêu giữa người với người ngay giữa đời thực…
“Mong được một ngày báo hiếu cho mẹ”
Sinh ra và lớn lên tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong gia đình thuần nông, năm 2005, anh Lê Văn Thành thi đỗ vào Đại học Thương mại Hà Nội trong sự vui mừng của mọi người xung quanh. Thế nhưng, đến năm thứ 2 đại học, anh đành nghỉ để vào TP.Hồ Chí Minh làm thuê kiếm tiền chữa bệnh cho cha và học thêm tiếng Hàn để xuất khẩu lao động do kinh tế gia đình quá eo hẹp. Trớ trêu thay, năm 2007, trong khi làm việc tại lầu ba của công trình xây dựng thì anh Thành trượt chân ngã xuống đất. Tai họa bất ngờ đổ ập xuống, từ một thanh niên lanh lẹ, khỏe mạnh, anh Thành bị liệt tứ chi, phải nằm một chỗ. Nỗi đau này chưa dứt, nỗi đau khác lại vội vàng ập tới. Đó là tin cha anh ra đi mãi mãi vì quá đau xót cho nỗi đau của con trai mình. Lúc ấy, mẹ anh là bà Nguyễn Thị Liên, một người vợ - một người mẹ phải cũng một lúc gánh chịu hai nỗi đau quá lớn như cắt từng khúc ruột…
Ở hoàn cảnh tưởng chừng như cùng cực - bại liệt tứ chi, anh Lê Văn Thành vẫn nuôi dưỡng ý chí cử động được đôi bàn tay để báo hiếu mẹ già dù chỉ trong một ngày… Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Liên chăm sóc hàng ngày cho người con trai không may mắn của mình
Vì thương con, nên sau khi lo chu toàn tang sự, mẹ anh vội vàng khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh để chăm sóc anh và tìm đường mưu sinh. Hơn 12 năm nay, hai mẹ con anh chuyển từ sống cuộc sống lang bạt, ngày ngày bà đẩy anh trên chiếc xe lăn rong ruổi khắp các con đường bán từng tấm vé số qua một căn phòng trọ ổn định tại phường Bình Thắng. Thu nhập chính của 2 mẹ con từ nguồn bán vé số là 30.000 đồng/ngày. Ở tuổi 80, với nhiều người, đây là lúc họ được an nhàn hưởng tuổi già bên con, cháu. Nhưng sau 12 năm mất chồng, chăm con bại liệt, bà Liên vẫn chưa một lần dám mơ có ngày mình được về thăm lại quê hương, chưa từng mơ đến ngày được sống cho riêng mình… Mỗi ngày mới bắt đầu, bà lại lúi húi chăm bẵm từng miếng ăn, giấc ngủ cho con như thưở con mới lọt lòng. Thương người mẹ già vất vả, anh Thành tâm sự: “Khi mới gặp tai nạn, ngày nào mình cũng khóc. Nhưng có lẽ bây giờ, nước mắt đã cạn rồi, mình không khóc nữa, mà luôn động viên bản thân phải mạnh mẽ, cố gắng tập cử động được đôi bàn tay để mong có được dù chỉ một ngày báo hiếu mẹ già”.
Trả ơn đời…
Mong muốn lớn nhất của anh Thành bây giờ là được báo hiếu cho mẹ, để mẹ anh được an ủi phần nào. May mắn có lẽ đã mỉm cười khi năm 2014, chị Hồ Thị Nga, quê huyện Hướng Hóa, Quảng Trị sau khi tình cờ đọc được một bài báo về tình trạng khốn khó của anh Thành, chị đã đồng cảm và chủ động nhắn tin hỏi thăm động viên để anh sớm vượt qua khó khăn. Rồi như nhân duyên của tạo hóa, sau cuộc điện thoại chúc mừng nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3-2014, chị Nga cảm nhận được niềm hạnh phúc dâng lên trong lòng mình và chị tìm gặp anh Thành theo lời trái tim mách bảo. Chị Nga vốn dĩ cũng mắc bệnh “phù chân voi” đi lại khó khăn, nhưng khi cảm mến anh Thành, chị đã luôn tận tâm chăm sóc, yêu thương anh dù không danh phận. 3 người - 3 số phận - trong cùng một hoàn cảnh. Trong họ ẩn chứa một trái tim không lành lặn vì những nỗi đau thể xác, nhưng vượt lên trên tất thảy là tình yêu thương lẫn nhau.
Phòng trọ 166/7 là nơi 2 mẹ con anh Thành mưu sinh bằng vài tờ vé số, thu nhập khoảng 30.000 đồng/ngày. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Liên tranh thủ bán vé số trước cửa phòng trọ
Anh Lê Văn Thành tâm sự: “Tôi không may mắn rơi vào hoàn cảnh này. Nhưng tôi luôn nghĩ mình không bao giờ được yếu đuối, vì mẹ và vợ đã luôn ở bên tôi và vì cả những nhà hảo tâm đã luôn giúp đỡ chúng tôi. Tôi nợ cuộc đời này rất nhiều…”. Chính vì suy nghĩ đó, anh Thành đã tâm sự cùng mẹ về mong muốn được hiến giác mạc và hiến tạng cho những người cần nó sau khi anh mất đi… Mong muốn của anh là dù khi mình rời xa cuộc đời vẫn có thể giúp được rất nhiều người khác, thậm chí đôi khi chỉ với một bộ phận nhỏ như giác mạc cũng sẽ giúp người khác tìm được ánh sáng, thay đổi cuộc sống.
Anh Thành dù đôi chân buộc phải nằm một chỗ nhưng không trói buộc được tấm lòng của anh. “Dù bây giờ tôi không làm được gì, nhưng chỉ cần cơ thể của tôi còn cần cho một hoàn cảnh nào khác thì tôi không muốn mình cứ thế mà chết đi”, anh xúc động chia sẻ.
Thương con, chăm sóc con không mong một ngày sống cho bản thân mình nhưng bà Liên vẫn tôn trọng anh. Bà nói: “Con tôi đã không thể thực hiện được giấc mơ của đời mình thì điều mong muốn cuối cùng của nó tôi cũng sẽ rất tôn trọng”. Anh Thành và bà Liên, hai người mang hai nỗi đau nhưng họ luôn đặt suy nghĩ của mình là người khác để hiểu và cảm thông... với đau đáu cách trả “nợ” đời. Tôi tự hỏi, có cách trả “nợ” nào nhân văn hơn thế?! Đó hẳn là khi “sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ, hy sinh. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” (trích “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải). Và anh Thành, đã vượt qua được ranh giới của chính bản thân mình để làm điều ý nghĩa nhất…
Tôi đọc ở đâu đó rằng: “Nếu bạn cảm thấy mất phương hướng và không biết mục tiêu sống của mình là gì, hãy nghĩ đến những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, họ đang trải qua những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Họ yêu quý cuộc sống biết bao nhưng sẽ không có cơ hội để tự hỏi như thế nữa”. Điều tôi nể phục ở anh Thành, mẹ anh và cả vợ anh ở chỗ, dù trong bi kịch, họ vẫn không bao giờ thốt lên từ “giá như”.
THANH LÊ