Đối mặt với nhiều thách thức!

Cập nhật: 30-06-2011 | 00:00:00

Trong những tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ của Bình Dương vẫn đạt khá, tiếp tục là một trong 3 ngành hàng đứng đầu trong nhóm các mặt hàng XK chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cho rằng, hiện nay ngành gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức trước tác động của giá cả leo thang từng ngày như: nguyên phụ liệu đầu vào tăng; chi phí điện, nước, xăng dầu, nhân công đều tăng; lãi suất ngân hàng cao kịch trần... làm ảnh hưởng tới hiệu quả XK.

Kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng...

Theo Sở Công Thương, tính đến nay, Bình Dương đã thu hút đến 537 DN trong và ngoài nước hoạt động sản xuất, chế biến gỗ. Với số lượng này, Bình Dương là địa phương có ngành gỗ mạnh nhất nước hiện nay. Trong những tháng đầu năm 2011, mặc dù tình hình khách quan không thuận lợi do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu vẫn còn tác động, nguyên phụ liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao... nhưng kim ngạch XK gỗ của tỉnh vẫn đạt khá. Cụ thể, kim ngạch XK trong 5 tháng đầu năm đạt đến 522 triệu USD, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 2010 và chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch XK gỗ của cả nước. Trong đó, nhiều DN XK đạt kim ngạch cao như Công ty Kaiser, Tập đoàn Trường Thành, Công ty Hiệp Long, Công ty Tiến Triển, Công ty Minh Dương...

  Tuy kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhưng ngành gỗ đang đối mặt với nhiều thách thứcNhận định từ Sở Công Thương cho rằng, đạt được kết quả trên là nhờ các DN gỗ Bình Dương đã nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại mở rộng thị trường mới, đầu tư thiết bị công nghệ và đa dạng mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là có chiến lược hợp lý trong hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với tình hình khó khăn. Bên cạnh đó, điểm thuận lợi trong XK sản phẩm gỗ của tỉnh là thị trường mở rộng trên cả trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, từ chỗ tập trung vào một số thị trường truyền thống và trung chuyển sang nước thứ ba thì hiện nay sản phẩm gỗ của Bình Dương đã trực tiếp XK sang các nước có người tiêu dùng; trong đó thị trường châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc là những thị trường chủ lực.

Nhưng còn nhiều nỗi lo

Nhìn vào tổng thể chung của XK gỗ, tuy kim ngạch có tăng nhưng DN đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là hiện nay DN ngành gỗ đang vất vả để tìm đủ nguyên liệu vì 80% nguyên liệu gỗ mà các DN Bình Dương sử dụng phải nhập khẩu. Trong khi đó, giá gỗ liên tục tăng cao, so với đầu năm 2010 hiện giá gỗ nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ, New Zealand tăng 20 - 40%. Ở thị trường trong nước, trong vòng 3 - 4 tháng vừa qua, giá gỗ cao su, gỗ tràm đã tăng từ mức 4 triệu đồng/m3 lên mức 7 - 8 triệu đồng/m3; các loại gỗ khác cũng đua nhau tăng từ 30 - 50%... Chính vì giá nguyên liệu tăng cao, trong khi giá XK lại không tăng nhiều đã làm ảnh hưởng đến DN ngành gỗ. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Minh Phương cho biết, nguyên liệu nhập khẩu tăng nhiều so với năm trước, trong khi đó giá XK tăng không đáng kể. Vì vậy tuy XK có kim ngạch cao và đạt kế hoạch tăng trưởng mà DN đề ra nhưng lợi nhuận của phần lớn DN đều không tăng. Vấn đề này, nếu không có chiến lược hợp lý chắc chắn DN phát triển khó bền vững.

 Nói đến khó khăn của ngành gỗ, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Thành cho biết: “Lãi suất hiện nay 20 -22% là quá cao. Đã vậy, việc tiếp cận các tổ chức tín dụng cũng vô cùng khó trong việc hỗ trợ thêm vốn vay cho sản xuất, xuất khẩu hoặc hỗ trợ cho các L/C hàng xuất khẩu. Chi phí chứng từ cho từng lô hàng xuất nhập khẩu theo L/C rất cao và phát sinh chi phí dưới nhiều hình thức. Cụ thể chi phí một L/C trước đây từ 30 - 45 USD/bộ chứng từ; hiện nay các ngân hàng thương mại thu lên 90 - 137 USD/bộ chứng từ. Với mặt bằng lãi suất và chi phí như vậy, các DN ngành gỗ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Nhiều DN không dám tiếp nhận đơn hàng nhiều do không dám vay vốn ngân hàng; đồng thời cũng không dám xây dựng một chiến lược bán hàng dài hạn với khách hàng vì giá cả nguyên phụ liệu sản xuất thay đổi liên tục. Điều này dẫn đến tình trạng bất an cho người sản xuất lẫn người mua hàng!”.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ hiện nay là việc cần làm. Theo BIFA đề xuất, về vấn đề nguyên liệu, để chủ động sản xuất trong các năm tới, ngành gỗ cần tập trung vào 3 giải pháp cơ bản là đẩy mạnh đầu tư trồng rừng, phát triển công nghiệp chế biến ván nhân tạo và hạn chế xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ thô. Về vấn đề lãi suất, trước khó khăn của ngành gỗ, BIFA kiến nghị Chính phủ nên có chính sách kịp thời nhằm có lãi suất ưu đãi đối với cho vay để sản xuất hàng xuất khẩu.

TRỊNH BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=289
Quay lên trên