Đổi mới công nghệ để đạt hiệu quả hơn

Cập nhật: 22-06-2011 | 00:00:00

Trước tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng nhanh, Bình Dương (BD) đang đối mặt với thách thức lớn trong quản lý môi trường, nhất là trong hoạt động quản lý chất thải rắn (CTR). Để có thể đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, công tác quản lý CTR cần phải có nhiều thay đổi phù hợp.

Còn nhiều bất cập trong quản lý

Hiện nay, khối lượng CTR sinh hoạt thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý của BD là khoảng 600 tấn/ngày, đạt 60 - 70% khối lượng CTR sinh hoạt toàn tỉnh. Số lượng CTR sinh hoạt còn lại chủ yếu tập trung vào một số hộ dân ở nông thôn có diện tích đất rộng tự chôn lấp hoặc tự đốt. Tổng lượng CTR công nghiệp thu gom được trên địa bàn tỉnh khoảng 1.052 tấn/ngày. Trong đó CTR công nghiệp không nguy hại là 883,2 tấn/ngày. CTR công nghiệp nguy hại 168,8 tấn/ngày. Tại BD hiện nay phát thải trung bình 612kg/ngày CTR y tế nguy hại (18,4 tấn/tháng). Trong đó khối lượng rác y tế phát sinh từ 106 trung tâm y tế và phòng khám tư nhân là 147,6 kg/ngày (4.428 kg/tháng).

  Công tác xử lý CTR trong thời gian tới cần được đổi mới công nghệ hiện đại ( Ảnh: M.H)Trước những yêu cầu của thực tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên nhiều đơn vị thu gom rác. Tuy nhiên chất lượng hoạt động của các đơn vị này là không đồng đều. Với các địa phương phía nam hiện nay khối lượng rác thải chủ yếu được thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp tại các ô chôn lấp tạm của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương. Các huyện xa hơn như Phú Giáo, Tân Uyên, Dầu Tiếng thì thực hiện đổ tại các bãi rác lộ thiên trên địa bàn các huyện.

Trên toàn tỉnh BD chưa áp dụng chương trình phân loại CTR tại nguồn, CTR từ khu dân cư chưa được phân loại, việc lưu trữ chất thải còn yếu kém, chỉ một số ít gia đình có thùng rác hợp vệ sinh. Việc lưu trữ không hợp vệ sinh này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hộ gia đình nói riêng và gây khó khăn cho công tác thu gom, quản lý chất thải phát sinh ra tại các hộ gia đình nói chung. Thách thức lớn cho BD hiện nay là thực hiện thu gom, quản lý và xử lý tốt lượng chất thải nguy hại. Nguồn CTR nguy hại hiện nay gồm CTR công nghiệp nguy hại và CTR y tế nguy hại. Hiện nay hệ thống thu gom CTR công nghiệp nguy hại do 11 đơn vị thực hiện thu gom. Công tác thu gom đang gặp nhiều khó khăn, còn nhiều bất cập, chưa quản lý được toàn bộ. Một số nhà máy bắt buộc các công ty thu gom, vận chuyển và xử lý phải thu gom và vận chuyển cả CTR sinh hoạt không tính phí. Các cơ sở nhỏ thường đổ chung với CTR sinh hoạt. Thêm vào đó các hoạt động mua bán phế liệu cũng đã góp phần làm cho việc quản lý, thu gom, xử lý nguồn chất thải này gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn BD tất cả các bệnh viện đều không có phòng lạnh lưu giữ chất thải nguy hại. 11/17 bệnh viện có khối lượng chất thải y tế nguy hại lớn hơn 5kg/ngày nhưng chỉ có 6/11 (chiếm 55%) bệnh viện thực hiện lưu trữ không quá 48 giờ theo quy định của Bộ Y tế. 13/17 bệnh viện có giao chất thải y tế nguy hại cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý bên ngoài có chức năng; 100% số lượng bệnh viện này có ký hợp đồng theo quy định.

Đổi mới công nghệ để thực hiện tốt hơn

Hiện nay BD chưa thể thực hiện thu gom được 100% lượng CTR phát sinh trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó lượng CTR nguy hại mới chỉ xử lý được 2/3 tổng lượng. Các tính toán của các nhà chuyên môn cho thấy đến năm 2015, lượng CTR phát sinh hàng năm trên địa bàn BD là khoảng 3.600 tấn và đến năm 2020 sẽ là 6.800 tấn. Mục tiêu cho kế hoạch bảo vệ môi trường BD là đến năm 2020 tại các thị xã, thị trấn tỷ lệ thu gom và xử lý CTR đạt 90%, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 70% lượng CTR phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường; 80% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 50% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế...

Để thực hiện tốt các mục tiêu như vậy trong giai đoạn tới, công tác thu gom, quản lý, xử lý lượng rác thải trên địa bàn tỉnh cần phải được thay đổi về công nghệ và để phù hợp với tình hình thực tế. Khu liên hợp xử lý Nam Bình Dương có nhà máy tái chế nhựa, chưa sản xuất compost, rác thải tập trung về đây chủ yếu là chôn lấp và đốt. Có thể thấy việc xử lý chất thải theo hướng chôn lấp là không hiệu quả, diện tích đất chiếm nhiều và bỏ qua một số nguồn nguyên liệu tái chế lớn. Mặt khác, phương tiện, hình thức vận chuyển hiện nay tại một số địa bàn vẫn chưa bảo đảm theo các yêu cầu. Việc xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh rất khó kiểm soát, các lò đốt chưa bảo đảm kỹ thuật, việc xử lý cũng như tái chế chưa đạt hiệu quả. Đối với CTR y tế nguy hại một số bệnh viện tự trang bị lò để đốt nhưng đa số các lò này chưa có hệ thống xử lý khí thải. Quan điểm của các đơn vị hữu quan trên địa bàn tỉnh cho rằng trong thời gian tới cần xây dựng thêm các nhà máy tái chế để giảm đi lượng rác chôn lấp cũng như tận dụng được một nguồn nguyên liệu tái chế lớn.

Thách thức cho ngành quản lý môi trường trong thời gian tới là không hề nhỏ khi mà song song với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh là lượng rác thải phát sinh cũng ngày càng nhiều. Công tác quản lý môi trường trong thời gian tới cần được tăng cường, bên cạnh đó là thực hiện quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn BD cho phù hợp và kịp thời.

ĐÀ BÌNH

Chủ tịch UBND tỉnh LÊ THANH CUNG: Đẩy mạnh hơn công nghệ tái chế và dùng công nghệ đốt hiện đại

Quy hoạch tổng thể CTR trên địa bàn tỉnh là hết sức quan trọng và yêu cầu lãnh đạo các cấp địa phương cần nhận thức sâu sắc vấn đề này để thực hiện cho tốt; tất cả các khu công nghiệp, khu dân cư đô thị đều phải có địa điểm phân loại rác thải trước khi đem đi xử lý; xử lý rác thải thông thường và rác thải nguy hại phải tách bạch để bảo đảm an toàn; hạn chế bớt công nghệ chôn lấp, đẩy mạnh hơn công nghệ tái chế, công nghệ đốt hiện đại...

Bà VÕ THỊ NGỌC HẠNH, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Dương: Khâu tái chế là rất quan trọng

Trong việc xử lý CTR khâu tái chế là rất quan trọng và cần thực hiện tốt công nghệ này để hạn chế việc chôn lấp. Việc đầu tư xây dựng các khu liên hợp trong thời gian tới cần có khu vực cho các nhà đầu tư vào tham gia trong lĩnh vực tái chế.

Ông NGUYỄN VĂN THIỀN, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương: Khu liên hợp xử lý rác thải cần quy hoạch mở

Quy hoạch các khu liên hợp xử lý rác thải trong thời gian tới cần thực hiện quy hoạch mở để tận dụng các cơ sở vật chất xây dựng và phù hợp với nhu cầu thực tế, không ảnh hưởng đến phê duyệt quy hoạch ban đầu. Như vậy có thể giải quyết tốt được các vấn đề lâu dài và trước mắt.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=316
Quay lên trên