Kỳ 1: Quyết tâm cao, lợi thế lớn
Theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Dương có tiềm năng, cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn bởi môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh, thu hút mạnh doanh nghiệp FDI. Cùng với đó, Bình Dương có quyết tâm chính trị cao trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nói chung và ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Sinh viên ngành kỹ thuật Đại học Quốc tế Miền Đông thực hành tại phòng máy
Phát huy tiềm lực
Trong giai đoạn hiện tại, Bình Dương ưu tiên phát triển ngành công nghiệp vi mạch - hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, có nhiệm vụ tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp như một siêu máy tính cho đến các sản phẩm đơn giản dân dụng như máy giặt. Đây là ngành công nghiệp mang tính toàn cầu và đang phát triển nhanh chóng.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, trong thời gian qua Bình Dương đã thực hiện quyết liệt, có những thành công nhất định. Trong giai đoạn hiện tại phải đối mặt với nhiều thách thức, việc lấy kết quả để nâng cấp và xây dựng một mô hình phát triển mới, đón đầu những yêu cầu mới của thời đại là rất quan trọng. Với quan điểm đó, Bình Dương đã, đang tích cực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp, đô thị xanh, thông minh, bền vững, tiến tới kiến tạo các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao. Ðồng thời, Bình Dương tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Nhằm tạo ra bước đột phá và đổi mới trong thu hút đầu tư trên địa bàn, cũng như tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất với công nghệ và giá trị gia tăng cao, Bình Dương đang khuyến khích đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử”.
Hợp tác với đối tác các nước, Bình Dương đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo chung tại các trường, các viện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chíp bán dẫn. Tỉnh duy trì và phát huy thương hiệu địa phương đã được đầu tư xây dựng, đồng thời đẩy mạnh triển khai đề án thành phố thông minh giai đoạn mới, 2022-2026; tập trung vào hỗ trợ và phát triển các đối tượng doanh nghiệp (vừa và nhỏ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ…) tạo môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, năng động trong cộng đồng và trong doanh nghiệp, phát triển văn hóa sáng tạo.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Xuân Hùng, Phó trưởng khoa Kỹ thuật Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), chia sẻ: “Khoa kỹ thuật EIU được đầu tư và trang bị nhiều phòng thí nghiệm hiện đại về điện tử, cơ điện tử, khí nén thủy lực, máy điện, điện tử công suất, chiếu sáng thông minh, hệ thống PLC. Đặc biệt, khoa kỹ thuật được Becamex IDC đầu tư trực tiếp các trung tâm như trung tâm sản xuất tiên tiến (AMC), Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0 (IIC), Trung tâm các giải pháp bền vững EIU-Sembcorp (SSC), phòng thí nghiệm chế tác mở (FabLab) và Trung tâm STEM”.
TS. Nguyễn Xuân Hùng cho biết năm 2024, khoa kỹ thuật EIU sẽ được Becamex IDC đầu tư thêm Trung tâm Điện tử - bán dẫn - viễn thông với hệ thống các phần mềm, thiết bị thí nghiệm thực hành đáp ứng cho chuyên ngành bán dẫn - vi mạch. Tất cả các trung tâm đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp khoa triển khai các hợp tác nghiên cứu phát triển, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực ngành, góp phần mạnh mẽ vào việc chuyển đổi từ hình thức sản xuất thâm dụng lao động sang tự động hóa tiên tiến, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của tỉnh.
Tính chuyện đường dài
Chia sẻ kinh nghiệm về hành trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Colley Hwang, Giám đốc Điều hành Digitimes (Đài Loan, Trung Quốc), cho biết: “Đài Loan đã có những bước đi dài, bền bỉ và thành công trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Tôi cho rằng đây là hướng đi tất yếu để hiện đại hóa công nghiệp theo hướng thông minh, bền vững mà Bình Dương đang hướng tới”.
Ông Colley Hwang cho biết thêm, khảo sát các quốc gia nhập chip nhiều nhất cho thấy Trung Quốc đứng đầu, Việt Nam đứng thứ 5. Điều này đưa tới nhận định rằng trong 5 năm tới Việt Nam sẽ phát triển cao về công nghiệp điện tử. “Các bạn cần hiểu rằng công nghệ bán dẫn là công nghiệp khó, phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn phải có một lộ trình chứ không thể nôn nóng”, ông Colley Hwang nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC cho biết doanh nghiệp này đang thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với thành phố Eindhoven, Hà Lan - một trong những khu vực sản xuất chip silicon tiên tiến nhất thế giới, gồm các nhà máy ASML, Signify… Becamex IDC cũng đang hợp tác với Daejeon Hàn Quốc - Khu công nghiệp Khoa học và công nghệ, định hướng phát triển khu công nghiệp về nano, chíp bán dẫn; Hinschu Đài Loan - công viên khoa học, một đặc khu công nghệ, thu hút các ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn, như TSMC, MediaTek (nhà sản xuất chip di động lớn thứ hai thế giới) và United Microelectronics (nhà sản xuất chip đầu tiên của Đài Loan)… (Còn tiếp)
TIỂU MY