Với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và nhu cầu của doanh nghiệp (DN), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Bình Dương đang từng bước đổi mới trong đào tạo, từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm ở địa phương.
Sinh viên trường nghề trong giờ học thực hành
Đa dạng về loại hình, ngành nghề đào tạo
Với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, nguồn nhân lực phải có những kỹ năng mềm trong công việc, do vậy việc lựa chọn nội dung, hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) theo hướng kết hợp với thực tiễn, học đi đôi với hành, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và DN… là sự lựa chọn, định hướng mà các cơ sở GDNN trong tỉnh đang triển khai thực hiện. Việc này còn đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đào tạo bình quân khoảng 39.000 học viên/năm; phấn đấu đến năm 2030, GDNN tỉnh tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ là 37,5%. Hàng năm, tỉnh giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 35.000 lao động”.
Mạng lưới các cơ sở GDNN tỉnh đến nay đã đa dạng về loại hình và ngành nghề đào tạo. Các trường đã chủ động mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, mở thêm ngành nghề đào tạo mới, thực hiện đào tạo ở các cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng với các hình thức đào tạo đa dạng như: Đào tạo chính quy tại trường, đào tạo tại chỗ, đào tạo theo hợp đồng với các DN, đào tạo theo địa chỉ…
Công tác đào tạo nghề ở các cơ sở GDNN từng bước gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Trong giai đoạn 2015-2020, Bình Dương có 2 trường cao đẳng được phê duyệt, lựa chọn ngành, nghề trọng điểm với 7 nghề cấp độ quốc tế, 2 nghề cấp độ ASEAN, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo theo nguồn vốn từ dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” thuộc Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN, đội ngũ nhà giáo GDNN được nâng cao về chất lượng và chuẩn hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ sở GDNN được đẩy mạnh và đem lại kết quả tích cực. Nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện chuyển hướng tuyển sinh, đào tạo và quản lý kết quả đào tạo trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Đặc biệt, nhiều mô hình, cách làm mới mang tính đột phá trong GDNN thời gian qua đã được triển khai như: Mô hình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), tuyển sinh gắn với tuyển dụng…
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy thực hành nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo, tổ chức các kỳ thi tay nghề, hội thi thiết bị đào tạo, hội giảng nhằm góp phần nâng cao sức sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng đào tạo; đặc biệt là sự thay đổi tư duy nhận thức trong tổ chức đào tạo, tuyển sinh gắn với tuyển dụng, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
Giải quyết việc làm sau đào tạo
“Để phát huy cơ sở vật chất, trang thiết bị Nhà nước đã đầu tư cho các cơ sở GDNN trong đào tạo nghề, thời gian qua, các cơ sở GDNN trong tỉnh đã chủ động phối hợp với một số DN trên địa bàn tỉnh tổ chức khảo sát, rà soát nhu cầu đào tạo nghề trong các DN, qua đó, nắm bắt nhu cầu ngành, nghề đào tạo để tập trung tuyển sinh, đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN tuyển dụng trong tỉnh. Theo đó, các cơ sở GDNN đã phối hợp với DN thực hiện đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho NLĐ; tổ chức cho sinh viên thực hành tại các DN; phối hợp đào tạo theo đặt hàng của đơn vị, DN”, ông Võ Đông Duy cho biết thêm.
Tính đến đầu năm 2022, tổng số người học tốt nghiệp tại 6 trường cao đẳng và Phân hiệu Cao đẳng đường sắt phía Nam là 3.250 người, chiếm tỷ lệ 15,3% HSSV tốt nghiệp trong các cơ sở GDNN trong toàn tỉnh. Tỷ lệ HSSV, người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp là khoảng 90%. Trong đó có một số ngành nghề thuộc khối kỹ thuật có số lượng HSSV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao, một số trường đạt tỷ lệ 100%, nhiều DN đồng ý tuyển dụng ngay khi HSSV còn đang đi thực tập. Mức lương trung bình của người học nghề sau khi tốt nghiệp khoảng từ 5 triệu đến 9 triệu đồng/tháng. Lợi thế ở các cơ sở GDNN là DN trong tỉnh hàng năm cần tuyển khoảng hơn 30.000 lao động ở đủ cấp độ từ phổ thông đến tay nghề cao, đủ loại ngành nghề tương ứng nhiều vị trí việc làm khác nhau. Đây là cơ hội để các cơ sở GDNN hợp đồng liên kết đào tạo, cung ứng lao động có tay nghề cho các DN.
Mục tiêu GDNN của tỉnh trong thời gian tới là phải đào tạo các ngành nghề đạt chuẩn quốc gia, một số ngành nghề tiệm cận với trình độ lao động có kỹ năng cấp độ khu vực ASEAN và thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao ở các DN có vốn đầu tư FDI và các tập đoàn, DN khác có nhu cầu nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao đối với ngành nghề mà tỉnh đang thu hút như: Logistic, ô tô, điện tử, cơ khí chính xác, những ngành nghề không thâm dụng lao động... Những kết quả trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho NLĐ đã khẳng định hiệu quả việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo nghề của tỉnh.
T.VY - N.TRÃI