Là một trong những địa phương kinh tế năng động, Bình Dương luôn tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, đồng hành với DN, địa phương đã tích cực đổi mới phương thức quảng bá trong công tác vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tạo cơ hội cho sản phẩm của địa phương vươn ra thị trường.
Định hướng thị trường
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, ngành công thương thời gian qua đã nỗ lực rất lớn trong việc đưa hàng Việt vào các kênh phân phối, tổ chức hội chợ triển lãm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, về nông thôn, về khu vực đông công nhân lao động. Đồng thời, sở chủ động làm việc với các đơn vị bán hàng bình ổn của tỉnh để bảo đảm đưa những sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng đến với người dân địa phương. Song song với đó là tổ chức các hội chợ kết nối cung cầu để đưa hàng hóa của Bình Dương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Người Bình Dương biết hàng Việt cũng nhờ thế, yêu hàng Việt cũng vì thế”.
Hàng hóa địa phương trưng bày tại ngày hội công nhân tháng 11-2023
“Các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại tiêu thụ hàng Việt, đã cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các loại hàng hóa, thông tin thị trường giá cả, nhu cầu, các quy định, tiêu chuẩn, chuẩn mực hàng hóa về bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... để tăng tính cạnh tranh của hàng Việt. Qua đó, định hướng thị trường, định hướng sản xuất; giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thông tin về, dịch vụ tiêu dùng và đưa ra lựa chọn hàng Việt hợp lý. Rõ ràng, công tác kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bình Dương với các tỉnh, thành phố góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa DN sản xuất và DN phân phối, góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn”, bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết thêm về phương thức kết nối cung cầu hàng Việt.
Đặc biệt với sự ra đời của Trung tâm Triển lãm thành phố mới WTC Bình Dương, điểm trưng bày, nhận diện hàng Việt trở nên trang trọng hơn. Với khu triển lãm này nhiều DN cho biết điểm trưng bày, nhận diện hàng hóa hiện đại, sang trọng sẽ phát huy hiệu quả, trở thành “điểm sáng” trong quảng bá các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, sản phẩm OCOP và hướng người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam dần thay thế hàng ngoại nhập.
DN trách nhiệm
Về phía DN, trong bối cảnh Bình Dương đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, DN ý thức rõ việc phát triển thương mại trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, góp phần quan trọng cho sự phát triển. Bà Phan Thị Thùy Trang, chủ Cơ sở cà phê Đăng Nguyễn (huyện Phú Giáo) cho biết khi hàng hóa được hỗ trợ trưng bày tại các thị trường trong và ngoài tỉnh giúp DN sản xuất hàng hóa trong nước có cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, phát triển thị trường nội địa, tăng thị phần, tiếp cận với thị trường nông thôn rộng lớn, kết nối nhà phân phối tại địa phương. Bên cạnh đó, DN có điều kiện khảo sát tâm lý, hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng phương thức mua bán, nhận thức của người tiêu dùng, về giá cả, chất lượng, kiểu dáng hàng hóa. Từ đó, DN định hướng việc sản xuất gắn với nhu cầu và khả năng thanh toán của người tiêu dùng”.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty Aeon Việt Nam cho biết. Hiện nay hàng Việt là sự lựa chọn của khách hàng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng được nâng lên đáng kể. Tại Aeon Bình Dương, hàng Việt đã chiếm tới 80-90% hàng hóa trên kệ hàng. Aeon lựa chọn hàng Việt chất lượng cao đưa đến tận tay người tiêu dùng, bên cạnh đó đẩy mạnh quảng bá hàng Việt đến các kênh phân phối của Aeon trên toàn cầu. Aeon cũng tạo điều kiện cho hàng hóa địa phương vào siêu thị. Thông qua các hội nghị xúc tiến, kết nối cung cầu, Aeon muốn các đơn vị sản xuất nắm bắt được các quy định của hệ thống phân phối, tiếp cận với người tiêu dùng để nâng chất hàng hóa, bao bì, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng Việt.
Tại hội nghị kết nối cung cầu vùng Đông Nam bộ năm 2023, ông Lương Ngọc Văn, Giám đốc Công ty Trường Thọ (TX. Bến Cát) khẳng định hội nghị đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho DN các tỉnh, thành tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động được tổ chức góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa DN sản xuất và DN phân phối. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho DN cũng như DN của các tỉnh, thành phố tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đại diện các DN sản xuất, phân phối hàng hóa đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành; giới thiệu về mô hình sản xuất, kinh doanh; tình hình cung ứng hàng hóa. Đồng thời, giới thiệu, làm rõ thông tin về các sản phẩm, dịch vụ do DN, đơn vị mình sản xuất, cung ứng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải: Tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo nghiêm túc việc quán triệt và triển khai nội dung theo tinh thần Thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31-7- 2009 của Bộ Chính trị, Kết luận số 107-KL/TW ngày 10-4-2015 của Ban Bí thư, Chỉ thị 03-CT/ TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 28/ CT-TTg, Quyết định 386/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã ban hành các văn bản, từ kế hoạch, hướng dẫn cụ thể các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở triển khai, thực hiện. Đồng thời, chủ động trong việc triển khai cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, có tính hấp dẫn, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh. |
TIỂU MY - ANH TUẤN