Đổi mới sáng tạo: Động lực phát triển bền vững

Cập nhật: 18-05-2023 | 09:03:38

Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam xác định muốn bứt phá để phát triển nhanh, bền vững, một trong những chiến lược quan trọng đó chính là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Tại Bình Dương, với mục tiêu đến năm 2030, khoa học, công nghệ và ĐMST phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng.

 Dây chuyền sản xuất của Công ty Takako Việt Nam

 Đầu tư xứng tầm

Từ năm 2016, Bình Dương đã xây dựng Đề án thành phố thông minh (TPTM) với mô hình ba nhà (nhà nước, nhà nghiên cứu/ viện/trường, nhà doanh nghiệp), thu hút nguồn nhân lực và doanh nghiệp (DN) đến đầu tư. Ở đó, cơ quan chính quyền, các đối tác cùng hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và DN, bằng cách sử dụng công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy đề án TPTM thể hiện ý chí rất lớn của Bình Dương trong việc tìm kiếm động lực phát triển mới, lấy con người mới, với kỹ năng mới, hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST, tạo giá trị gia tăng mới, trực tiếp đóng góp vào việc gia tăng năng suất lao động và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Để tạo ra một dây chuyền sản xuất tự động hóa với các sản phẩm chính xác cao hơn, giảm thâm dụng nhân công, ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành, năm 2017 nhóm kỹ sư trẻ Công ty Katako, KCN VSIP 1, TP.Thuận An đã nghiên cứu, phát triển thành công dây chuyền tự động hóa. Nhờ vào sáng tạo, ứng dụng đổi mới công nghệ đã giảm 15/16 lao động so với dây chuyền cũ, công suất nâng cao gấp đôi. Dây chuyền sản xuất tự động hóa này được công ty mẹ mua lại, đưa vào sử dụng tại 86 nhà máy trên khắp thế giới.

Takako Việt Nam là một trong những DN tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất. Công ty đã đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại, không ngừng sáng chế, sáng tạo, cải tiến công cụ sản xuất nhằm tăng năng suất lao động. Ông Lê Duy Nhật Luân, Giám đốc kỹ thuật Công ty Takako Việt Nam, chia sẻ: “Nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu thời gian và chi phí, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm hoạt động, sau 4 năm nghiên cứu, sáng tạo, công ty đã cải tiến thành công dây chuyền. Trước đây phải tốn 4 nhân công để vận hành dây chuyền sản xuất, từ năm 2017 đến nay chỉ cần 1 kỹ sư vận hành”.

Để phát huy hiệu quả mô hình 3 nhà, thúc đẩy sản xuất 4.0, thu hút và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại Bình Dương, Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) đã hình thành hệ sinh thái thứ cấp ngay trong nhà trường, bao gồm các đơn vị có mối tương quan chặt chẽ như: Trung tâm thí nghiệm chế tạo Fablab, Vườn ươm DN Becamex, Công ty Aspire... Từ đó, góp phần phát triển và đẩy mạnh giá trị gia tăng cho địa phương và các vùng lân cận. TS.Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng EIU, chia sẻ: “EIU hiện đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực cần thiết theo định hướng phát triển của địa phương như quản trị kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ thông tin, điều dưỡng... Song song với việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm chất lượng, EIU luôn quan tâm nghiên cứu khoa học, ký kết hợp tác với nhiều đối tác từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… kết nối với hơn 280 DN trong và ngoài nước, phục vụ giảng dạy, học tập”.

Động lực tăng trưởng

Bình Dương phấn đấu trở thành địa phương phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực; nâng cao tỷ trọng đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) khoảng 45% giai đoạn 2021-2025 và trên 56% giai đoạn 2026-2030; tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị trên 20%/năm và phấn đấu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7% (năm 2025) và trên 7,5% (năm 2030).

Trong thời gian tới, Bình Dương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp KHCN trên nền tảng công nghiệp 4.0 từ các nước phát triển, đối tác tiềm năng hàng đầu thế giới. Khu công nghiệp KHCN là trọng tâm phát triển của Đề án Vùng ĐMST Bình Dương, mang đến một sinh thái toàn diện cho các hoạt động thâm dụng công nghệ và tri thức. Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “ĐMST đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư công nghệ cao, tiêu biểu là Vùng ĐMST của Becamex IDC với vị trí địa lý tốt. Đặc biệt, khu Trung tâm WTC Complex là một điểm sáng quy hoạch về KHCN, ĐMST để thu hút đầu tư công nghệ cao”.

 Tại buổi tọa đàm “Hình thái khó khăn hiện nay của các DN và con đường chúng ta đi” do Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bcons tổ chức mới đây, GS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Viện CIRTECH, trường Đại học Hutech TP.Hồ Chí Minh, cho rằng sản phẩm tri thức phải được chuyển hóa sang sản phẩm thương mại. DN phải xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn, ưu tiên tính nghiên cứu tạo ra giá trị đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên