Bắt nhịp xu thế hội nhập, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng Thành phố thông minh (TPTM) - Vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó trọng tâm là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, hướng đến trở thành điểm đến của ĐMST, đưa tỉnh nhà ngày càng vươn tầm phát triển.
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Khoa học - Công nghệ và tỉnh Bình Dương thực hiện nghi thức khởi động tại Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2022 tổ chức tại Bình Dương
Đổi mới để vươn tầm
Bước qua đại dịch Covid-19, Bình Dương đã nhanh chóng phục hồi kinh tế, tiếp tục triển khai xây dựng TPTM - Vùng ĐMST. Triển khai quy hoạch tích hợp toàn tỉnh và đưa ra các chương trình chiến lược đột phá mới, là chìa khóa để đưa Bình Dương sang một thời kỳ phát triển mới, tiên phong vượt qua bẫy thu nhập trung bình, bắt nhịp cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành TPTM, cho biết: “Bình Dương đang triển khai xây dựng Đề án Vùng ĐMST với mô hình 5 lớp, là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Việc Bình Dương 4 lần liên tiếp được ICF ghi nhận thuộc Top 21 và 2 lần liên tiếp được vinh danh trong Top 7 là niềm vinh dự, tự hào, là thành quả xứng đáng cho những cố gắng và sáng tạo của tỉnh trong việc lựa chọn chiến lược phát triển những năm qua”.
Năm 2022, Bình Dương lần 2 tiếp tục lọt vào Top 7 các thành phố có chiến lược thông minh tiêu biểu trên thế giới, lần thứ 4 lọt Top 21 được ICF vinh danh, khẳng định hướng phát triển TPTM là đúng đắn, phù hợp với xu hướng thế giới. Đặc biệt, Bình Dương được lựa chọn để đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ (Horasis 2022), nâng cao khả năng tìm kiếm cơ hội và đối tác mới, cùng phát triển năng lực quản trị, trình độ khoa học - công nghệ, thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác. Từ đó tạo nền tảng quan trọng, tiếp tục góp phần vào chương trình đột phá kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, tạo động lực đưa tỉnh phát triển lên một tầm cao mới. Những thành tựu này của tỉnh nhà còn phản ánh một mô hình phát triển hết sức sáng tạo trong tiến trình đổi mới của đất nước, đó là: “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia” trong quá trình phát triển.
Xây dựng hệ sinh thái mở
Với mục tiêu vươn lên trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã và đang thực hiện những chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi số, tiếp tục chiến lược phát triển TPTM - công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt GDP bình quân đầu người 14.500 USD đến năm 2030.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Thực hiện Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Bình Dương luôn đặc biệt quan tâm, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ và dành nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, nhất là hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Bình Dương đã nhanh chóng ban hành chính sách rất cụ thể, sát thực với địa phương là Đề án 826 để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Chính sách vừa hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa hỗ trợ các vườn ươm - các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, kể cả các nhóm, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp”.
Theo định hướng đề án TPTM, Bình Dương tích cực thúc đẩy sự tương tác giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các chương trình hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp, nền tảng quan trọng để Bình Dương tiếp tục tăng trưởng và bứt phá trong giai đoạn mới. Tỉnh đã mạnh mẽ tạo điều kiện và đầu tư ngân sách xây dựng Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển các phòng thực nghiệm thực tế tại các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh, cũng như nhiều cơ sở hạ tầng khác. Đặc biệt nhất, tỉnh quan tâm sâu sắc, tạo cơ chế, điều kiện, khuyến khích và đã thu hút được các doanh nghiệp, viện trường, tổ chức cùng chủ động, hăng hái đầu tư vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Đây có thể xem là một điểm sáng trong thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST tại Bình Dương. Tiêu biểu Trung tâm ươm tạo và FabLab tiêu chuẩn quốc tế của trường Đại học Quốc tế Miền Đông, xưởng thực nghiệm kỹ thuật 16.000m2 của Becamex IDC, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình Singapore (Block71) hợp tác giữa Đại học Quốc gia Singapore và Becamex IDC, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của trường Đại học Thủ Dầu Một...
Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, lan tỏa tinh thần ĐMST của tỉnh, vừa qua UBND tỉnh đã phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Becamex IDC tổ chức chương trình Techfest Vietnam 2022. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Thông qua Techfest Vietnam 2022, Bình Dương mong muốn được góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Sự kiện giúp Bình Dương kết nối, thu hút các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang triển khai mạnh mẽ tại Bình Dương. Bình Dương xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư khoa học và công nghệ, ĐMST, tạo động lực để tỉnh phát triển, hướng đến TPTM, kinh tế số, kinh tế tri thức”.
“Mô hình phát triển, cách làm sáng tạo của Bình Dương là dấu ấn nổi bật trong tiến trình đổi mới của đất nước. Sự năng động, tích cực và đổi mới sáng tạo của chính quyền địa phương là điểm sáng, bài học quan trọng nhất giúp trả lời câu hỏi: Trong cùng một môi trường thể chế chính sách, với những điều kiện địa kinh tế tương đồng, có những địa phương phát triển bứt phá vượt lên, có những địa phương chững lại. Bình Dương có đủ điều kiện và nền tảng để tiếp tục phát triển bứt phá trong thời gian tới”. (Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương) |
PHƯƠNG LÊ