Đổi mới, sáng tạo vì lợi ích của đoàn viên và người lao động

Chủ nhật, ngày 28/07/2024

(BDO) Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước sau nhiều thập kỷ, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng, xây dựng và phát triển hệ thống từ Trung ương đến cơ sở với mục tiêu luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và lợi ích của đoàn viên, người lao động.

Với vai trò là Trưởng Phòng Tổ chức nhân sự, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng Ban nữ công Công đoàn Công ty Cổ phần An Hưng (tỉnh Phú Yên), chị Bùi Thị Kim Soan (sinh năm 1982) đã có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn để lao động nữ đảm bảo các chế độ, chính sách về tiền lương, thưởng, nghỉ thai sản, bảo hiểm… Chị Soan còn tích cực hỗ trợ lao động nữ sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả làm việc. Ảnh: Tường Quân/TTXVN

Năm 2024 là năm tròn 95 năm Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn hướng tới người lao động, có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước và xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.

Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dù ở bất kỳ đâu, Công đoàn Việt Nam luôn hướng về người lao động, luôn đổi mới theo chiều hướng tích cực thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên…

Luật Công đoàn Việt Nam đã chỉ rõ: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Trong suốt 95 năm qua, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Công đoàn đã làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong từng thời kỳ cách mạng, Công đoàn đã giúp Đảng tập hợp, vận động, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng hiện đại, lớn mạnh. Công đoàn thực sự là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng với quần chúng lao động.

Không chỉ đồng hành với Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, tổ chức công đoàn còn cùng với công nhân lao động vượt qua mọi khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đoàn viên, người lao động. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng sự năng động, nhạy bén thích ứng của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Chị Bùi Thị Thứ (sinh năm 1974), Phó Bí thư Chi bộ, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý và xử lý chất thải Đình Vũ, đồng thời là Trưởng Ban nữ công Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng. Chị là 1 trong 2 Trưởng Ban nữ công công đoàn cơ sở tiêu biểu xuất sắc của Hải Phòng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gặp mặt, biểu dương đầu tháng 7/2024. Ảnh: Minh Thu/TTXVN

Trong nhiệm kỳ qua, tổ chức Công đoàn luôn đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa gắn với quyền lợi thiết thực của người lao động. Công đoàn các cấp đã đẩy mạnh hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, đơn vị, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Trong nhiệm kỳ, đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỉ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ).

Một trong những hoạt động thiết thực được đoàn viên, người lao động đón nhận và ủng hộ là Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân hàng năm. Đây là cơ hội để người lao động trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị và đề xuất liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của công nhân như chế độ lao động, thu nhập, nhà ở, sức khỏe… được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết.

Đặc biệt, Diễn đàn Người lao động năm 2023 do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân viên chức, lao động, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động đối thoại với đoàn viên, người lao động đã tạo hiệu ứng tốt, là kênh quan trọng thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động và công đoàn.

Có thể khẳng định, tổ chức Công đoàn đang ngày càng phát huy mạnh mẽ, trở điểm tựa cho công nhân, người lao động. Nhiều khẩu hiệu được đưa ra và xây dựng kế hoạch thực hiện như: ở đâu có công nhân lao động, ở đó có cán bộ công đoàn; đồng hành cùng người lao động trong mọi hoàn cảnh…

Để thực hiện mục đích này, tổ chức công đoàn luôn coi người lao động là trung tâm, không chỉ định hướng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động qua việc tham gia xây dựng chính sách, mà còn triển khai nhiều mô hình thiết thực, gắn liền với điều kiện thực tế của từng nơi. Những hoạt động mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân” được tổ chức hằng năm đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Riêng “Tết Sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền gần 28.000 tỉ đồng.

Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Các cấp công đoàn phân công cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao độn xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp, thiết lập các kênh thông tin đa chiều từ cơ sở, tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp, phát hiện sớm và giải quyết kịp thời các tranh chấp hoặc nguy cơ tranh chấp lao động, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Trong Bài phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức Công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động.

Để hoạt động công đoàn hấp dẫn, thấm sâu vào đời sống người lao động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phương thức hoạt động công đoàn cần linh hoạt, không ngừng sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công đoàn, cần có giải pháp cụ thể đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở; coi trọng cải cách hành chính; kiên quyết chống quan liêu, bệnh hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động công đoàn.

Các cấp công đoàn phải thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, tạo điều kiện và tổ chức để họ phát huy tốt nhất quyền làm chủ của mình trong sản xuất, kinh doanh, công tác; coi đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn…

Theo TTXVN