Đổi mới sáng tạo, vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn

Cập nhật: 27-09-2022 | 08:36:50

Chiều 26-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis 2022 đã diễn ra phiên toàn thể “Bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững” và phiên đối thoại “Chiến lược xây dựng thành phố thông minh (TPTM) tương lai”. Các diễn giả đã thảo luận về những thách thức và cơ hội chính mà các thành phố ở cả hai nước Việt Nam - Ấn Độ phải đối mặt, làm thế nào để hai nước hợp tác với các đối tác để thúc đẩy đô thị hóa bền vững?

Toàn cảnh phiên đối thoại đổi mới sáng tạo

Phát triển quan hệ đối tác

Phiên đối thoại “Chiến lược xây dựng TPTM tương lai” diễn ra dưới sự chủ trì của diễn giả Jitesh Shetty, Nhà sáng lập Qwiklabs (Subsidiary of Google), Hoa Kỳ. Theo đánh giá của các diễn giả, các thành phố là động cơ tăng trưởng và rất quan trọng đối với sự chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ và Việt Nam.

Diễn giả Phạm Thị Linh, Phó Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, cho biết từ năm 2016 Bình Dương đã xây dựng mô hình TPTM, với mô hình ba nhà (Nhà nước, nhà nghiên cứu/viện/trường, nhà doanh nghiệp), thu hút nguồn nhân lực và doanh nghiệp đến Bình Dương đầu tư. Xây dựng cơ sở hạ tầng tốt là xuất phát điểm tốt cho Bình Dương. Hơn 5 năm qua, tỉnh đã xây dựng TPTM với mô hình đổi mới sáng tạo, giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. GDP Bình Dương cao nhất Việt Nam. Trong tương lai Bình Dương tiếp tục thay đổi, dịch chuyển hơn nữa để tránh bẫy thu nhập trung bình.

Theo diễn giả Phạm Thị Linh, để xây dựng TPTM, ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, hiện đại, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, Bình Dương đã tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút nhiều hoạt động, thúc đẩy công nghệ sản xuất, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo các diễn giả, để địa phương có nền kinh tế tốt, chính quyền địa phương cần tạo ra những việc làm tốt, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, hướng đến lưu trữ, khai thác dữ liệu, đưa dữ liệu trở thành các công trình phục vụ đời sống người dân, nâng cao chất lượng sống. Mỗi thành phố đều có những điểm mấu chốt để phục vụ người dân sống tốt hơn như nâng cao kỹ năng cho người dân sử dụng dịch vụ, công nghệ.

Chia sẻ về chiến lược phát triển TPTM Bình Dương trong tương lai, Tiến sĩ Frank-Jurgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis), cho biết xây dựng và phát triển các mối quan hệ đối tác là những gì đang cần. Đặc biệt, sự kiện lần này là một cơ hội lớn. “Chúng tôi đã mời rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Ấn Độ đến để giúp Bình Dương thực hiện mục tiêu. Tham dự hội nghị lần này có các công ty, tập đoàn lớn tại Ấn Độ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ với giá trị gia tăng cao. Hy vọng Ấn Độ và Việt Nam có thể chung tay để biến dự án TPTM Bình Dương thành hiện thực. Bằng cách tổ chức các sự kiện quốc tế lớn khác nhau, Bình Dương có thể thu hút thêm nhiều đầu tư. Các bạn cũng đang làm tốt việc xây dựng thương hiệu, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu công nhận và biết đến Bình Dương”, Tiến sĩ Frank-Jurgen Richter khẳng định.

Tại phiên đối thoại, diễn giả Varun Mathur, Giám đốc Điều hành Vertice Entertainment, Ấn Độ, cho rằng TPTM cần tập hợp 3 yếu tố gồm thành công, tinh thần và tài chính diễn ra đồng bộ để tạo sự phát triển bền vững. Cách để phát triển bền vững là sử dụng công nghệ hỗ trợ cuộc sống để thực hiện đáp ứng quản lý, cơ sở hạ tầng và bảo đảm yếu tố cơ bản về y tế, giáo dục, lương thực thực phẩm. Theo diễn giả Natalia Blokhina, Đồng sáng lập Brighter Ventures Inc, Hoa Kỳ, một TPTM là một thành phố dịch vụ số, cung cấp những dịch vụ số an toàn. Quản lý thành phố theo cơ chế thị trường, theo nhu cầu người tiêu dùng, lộ trình, cấu trúc dân cư, đáp ứng nhu cầu cho người dân, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Bảo đảm tăng trưởng bền vững

Phiên toàn thể “Bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững” đã diễn ra dưới sự chủ trì của ông Pranjal Sharma, biên tập viên đóng góp Business Standard, Ấn Độ. Theo đánh giá của các diễn giả, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tốc độ giảm nghèo cao và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã được thống nhất. Ở cả hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ, việc lập kế hoạch xóa đói giảm nghèo bắt đầu từ mức cơ bản thấp, nhưng số hóa, đặc biệt là nông nghiệp đang giúp tăng trưởng nhanh chóng. Các diễn giả đã thảo luận vấn đề làm thế nào để nông dân, những người khó tiếp cận với số hóa được tiếp cận công nghệ, chuyển họ từ nông thôn sang nghèo thương mại và sau đó là đi lên.

Diễn giả Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Halcom, Việt Nam, cho biết Việt Nam theo triết lý “không ai bị bỏ lại phía sau”, theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, học hỏi nhiều quốc gia phát triển, quan tâm đến môi trường xã hội. Theo diễn giả Vinod Sekhar, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Petra, cần phải nâng cấp chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn, cần có giải pháp hướng tới tương lai thật sự có hiệu quả trên toàn cầu. Bàn về quan điểm chính trị và sự thay đổi về tư duy, theo diễn giả Vishnu Narayan, Giám đốc Ceyenar Chemicals, Ấn Độ là nước có tốc độ phát triển nhanh, để đạt môi trường phát triển bền vững, tất cả người dân phải thích ứng, như vậy cần có mô hình phù hợp.

Tiến sĩ Frank-Jurgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis): “Bình Dương đang rất nỗ lực để xây dựng TPTM, đó không chỉ là Smart mà trở thành Intelligent City, trong đó sử dụng nền tảng là trí tuệ nhân tạo và tất nhiên là tất cả các phương tiện khác để chống lại biến đổi khí hậu. Sự phát triển bền vững là cực kỳ quan trọng đối với Bình Dương. Tôi cũng nhận thấy rằng Bình Dương đang vươn tới sự phát triển vượt bậc như các TPTM khác trên thế giới”.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=360
Quay lên trên