Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn trong tình hình mới

Cập nhật: 20-01-2022 | 08:23:34

Tỉnh ủy vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về việc “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn (CĐ) Việt Nam trong tình hình mới”.

Xây dựng CĐ vững mạnh

Chương trình hành động nhằm hướng đến mục tiêu tổng quát là xây dựng tổ chức CĐ tỉnh Bình Dương vững mạnh toàn diện, có đủ năng lực đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; chủ động thích ứng và linh hoạt giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra; thực sự là tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, là cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với công nhân lao động (CNLĐ); xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết CNLĐ, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đến tận khu nhà trọ để tặng thực phẩm thiết yếu cho người lao động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Mục tiêu chương trình đặt ra là đến năm 2023 phấn đấu có 1 triệu đoàn viên CĐ; phấn đấu 70% trở lên các doanh nghiệp (DN), đơn vị có tổ chức CĐ ký kết được thỏa ước lao động tập thể. Đến năm 2025, phấn đấu có 1,1 triệu đoàn viên CĐ, hầu hết DN có 25 CNLĐ trở lên có tổ chức CĐ; phấn đấu 80% trở lên các DN, đơn vị có tổ chức CĐ ký kết được thỏa ước lao động tập thể. Đến năm 2030, phấn đấu có 1,3 triệu đoàn viên CĐ; nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn CNLĐ được tập hợp, tham gia một số hoạt động của CĐ Việt Nam; phấn đấu 85% trở lên các DN, đơn vị có tổ chức CĐ ký kết được thỏa ước lao động tập thể. Đến năm 2045, hầu hết CNLĐ tại cơ sở là đoàn viên CĐ Việt Nam; phấn đấu 100% DN, đơn vị có tổ chức CĐ ký kết được thỏa ước lao động tập thể; phấn đấu 100% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức CĐ có nhu cầu tư vấn, tham gia bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại tòa án sẽ có đại diện CĐ tham gia.

Xác định nhiệm vụ, giải pháp

Chương trình cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cốt lõi. Đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại và lớn mạnh; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, phát triển đoàn viên tổ chức CĐ; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức CĐ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng nguồn lực tài chính để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ.

Bên cạnh đó là tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với CĐ. Đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động CĐ; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động của các cấp CĐ. Những nơi chưa có tổ chức Đảng, cấp ủy lãnh đạo tổ chức CĐ thông qua CĐ cấp trên trực tiếp, tạo điều kiện để tổ chức CĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Cấp ủy cấp tỉnh phối hợp với Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức và hoạt động của các cấp CĐ; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ trong tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động CĐ. Cấp ủy cấp huyện, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phối hợp với Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng, ký kết quy chế phối hợp công tác để phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐ cơ sở; định kỳ hàng năm và khi cần thiết, cấp ủy làm việc với CĐ cùng cấp.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cấp chính quyền trong việc phối hợp với tổ chức CĐ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thành lập, hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại DN bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu và quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của đoàn viên, người lao động; phòng ngừa việc lợi dụng xâm phạm lợi ích của người lao động và DN, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công nhân, CĐ; phát huy trách nhiệm nêu gương của đảng viên là cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu, đảng viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị, DN có đủ điều kiện phải tham gia tổ chức CĐ và gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của CĐ...

Theo LĐLĐ tỉnh, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 4.008 CĐ cơ sở với 790.421 đoàn viên/857.827 người lao động trong các đơn vị có tổ chức CĐ; trong đó có 3.239 CĐ cơ sở tại DN ngoài khu vực nhà nước với 750.058 đoàn viên /816.503 người lao động. Trong năm 2022, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tiến hành khảo sát DN, đặc biệt là DN có từ 100 lao động trở lên hoạt động nhiều năm chưa có tổ chức CĐ; xây dựng kế hoạch để thực hiện đạt chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở đến năm 2023 do Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. LĐLĐ tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án của Tỉnh ủy về hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn...; chú trọng đổi mới hoạt động CĐ, tập trung hướng về cơ sở xứng đáng với niềm tin, điểm tựa vững chắc của đoàn viên CĐ và người lao động.

ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=476
Quay lên trên