Đôi nét về báo chí Thủ Dầu Một trước Cách mạng Tháng Tám

Cập nhật: 09-10-2024 | 14:54:48

(BDO) Báo chí ở Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) trước Cách mạng Tháng Tám đã phản ánh khá chân thật, đậm nét về con người, vùng đất nơi đây, đặc biệt là công nhân cao su, thợ thuyền, những người lao động bị áp bức, bóc lột, những cuộc khởi nghĩa của nhân dân…  Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn nói đến báo chí và hoạt động báo chí ở Thủ Dầu Một trước Cách mạng Tháng Tám. Bài viết có tham khảo từ cuốn Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Bình Dương (1930-2017) do Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên. Bạn đọc có thể tìm đọc đầy đủ hơn từ quyển sách này.


Bìa sách Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Bình Dương (1930-2017)

Các nhân tố có ảnh hưởng lớn trong quan hệ với báo chí    

Trước Cách mạng Tháng Tám, công nhân cao su ở Thủ Dầu Một còn gọi là dân "công-tra", sống tập trung đã dẫn đến sự xuất hiện một vùng kinh tế xã hội khá đặc trưng. Đó là nơi cung ứng nguồn hàng xuất khẩu quan trọng của Nam kỳ (sau lúa gạo) mang về cho tư sản Pháp các khoản lợi nhuận đáng kể. Nguồn nguyên liệu này cũng đã tác động quan trọng đến ngành công nghiệp nội địa của chính quốc Pháp. 

Nhưng đó cũng là nơi mà cuộc sống xã hội tràn ngập áp bức, bất công, một xã hội tàn nhẫn, đen tối đến độ người đương thời đã gọi nơi đây là những “địa ngục trần gian”. Bị áp bức bóc lột tàn nhẫn, các phu cao su đã nổi dậy đấu tranh. Phong trào đấu tranh của họ là đối tượng đưa tin của báo chí và bản thân họ cũng đã nhanh chóng sử dụng báo chí như một công cụ đấu tranh sau này. Bức tranh hoạt động và sinh hoạt báo chí ở Thủ Dầu Một trong buổi đầu đã có thêm một nhân tố khá nổi bật cả về mặt đối tượng thông tin và tiếp nhận thông tin là đông đảo công nhân cao su.

Bên cạnh đó, một nhân tố quan trọng khác có ảnh hưởng lớn trong quan hệ với báo chí của vùng đất và con người Thủ Dầu Một - Bình Dương chính là sự sớm thành lập và đi vào hoạt động của các tổ chức yêu nước, cách mạng, dẫn đến sự thành lập tổ chức đảng vô sản tại Thủ Dầu Một.

Kể từ khi quân Pháp nổ súng tấn công đồn binh Thủ Dầu Một, các thế hệ những người yêu nước Thủ Dầu Một đã không ngừng nghỉ đấu tranh với kẻ thù xâm lược. Những lớp người đi trước bị bắn giết, tù đày, lớp lớp đi sau vẫn không hề nao núng. Cả vùng nông thôn, thị tứ phía Nam và vùng đồn điền cao su phía Bắc, đâu đâu ở Thủ Dầu Một cũng liên tục xuất hiện các cuộc đấu tranh trực tiếp hay gián tiếp chống lại kẻ thù thống trị. 

Các thế hệ người yêu nước Thủ Dầu Một dù hoạt động ở phía Bắc hay phía Nam của tỉnh đều có đặc điểm chung là luôn tìm cách gắn hoạt động đấu tranh yêu nước, cách mạng của mình với các tổ chức yêu nước và cách mạng ở Sài Gòn, Gia Định và các vùng miền khác. Chính qua đó họ sớm nhận thức được vai trò của báo chí như một công cụ đấu tranh hữu hiệu. Để không đơn độc trong đấu tranh, họ đã cố gắng không đơn độc trong thông tin. Từ đó họ đến với báo chí, sử dụng báo chí, sử dụng thông tin từ báo chí cả về mặt đưa tin và nhận tin sao cho có lợi trong hoạt động đấu tranh. 

Cuối cùng, khi đã thành lập được cho mình tổ chức đảng cách mạng, họ chẳng những biết sử dụng báo chí mà còn tiến hành cả hoạt động báo chí, xem báo chí cách mạng như là một mặt trận quan trọng trong trận địa đấu tranh với kẻ thù. Chính từ đó, quan hệ sâu sắc giữa vùng đất và con người Thủ Dầu Một - Bình Dương với báo chí đã sớm hình thành.

Những nét nổi bật

Những đặc điểm trên khiến vùng đất và con người Thủ Dầu Một - Bình Dương sớm tham gia sinh hoạt báo chí, trước tiên là đọc và cổ động các tờ báo xuất bản ở Sài Gòn - Gia Định. Điều này tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của hoạt động báo chí sau này, khi phong trào yêu nước và cách mạng ở đây phát triển. Những ấn bản báo chí cách mạng của tổ chức đảng vô sản đã xuất hiện đầu tiên ở Thủ Dầu Một có ý nghĩa như là một bước ngoặt trong lịch sử báo chí địa phương.

Ở Thủ Dầu Một xưa, dưới thời Pháp thuộc, do các đặc điểm riêng, mãi đến những năm 1930, ở địa phương vẫn chưa có hoạt động báo chí. Trên địa bàn của tỉnh đến lúc này vẫn chưa có tờ báo nào ra đời. Những người Thủ Dầu Một có khả năng viết báo, làm báo hầu hết đều hoạt động ở Sài Gòn - Gia Định. Thủ Dầu Một không làm báo nhưng sớm mua, đọc báo… 

Sinh hoạt báo chí ở Thủ Dầu Một hình thành sớm, theo kịp đà phát triển của báo chí. Người dân, nhất là tầng lớp trên và trung gian sớm biết đến báo chí, mua và đọc các loại nhật trình, tân văn, thời báo, cả báo chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Khi những tờ báo đầu tiên của tỉnh hình thành vào cuối những năm 1930 (do những đảng viên cộng sản của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một tổ chức thực hiện), sinh hoạt báo chí càng thêm đặc sắc vì đã bổ sung cho công chúng đọc báo loại hình báo chí bí mật, chống thực dân, tuyên truyền cổ động chủ nghĩa cộng sản, do chính những người Thủ Dầu Một sáng tạo nên. Kể từ thời điểm đó, sinh hoạt báo chí ở Thủ Dầu Một xưa chuyển biến nhanh về khuynh hướng chính trị xã hội.

Thành phần tham gia sinh hoạt báo chí ở Thủ dầu một xưa ngay từ khi báo chí Nam Kỳ mới ra đời chính là các công chức các cấp trong bộ máy hành chính từ Chủ tỉnh đến chủ quận, Trưởng Đại lý, Chánh tổng, Xã trưởng…; các viên chức trong các ngành bao gồm cả giáo viên, học sinh, nhân viên y tế, kiểm lâm, cảnh sát, thu thuế…

Ngoài ra còn có một thành phần nữa cũng sớm tham gia sinh hoạt báo chí ở Thủ Dầu Một. Đó là tầng lớp trưởng giả mới, là những người giàu có ở địa phương cùng với con cái và gia đình họ. Họ bao gồm các bá hộ ngày trước giờ kết thân với nhà cầm quyền thực dân; là các chủ hiệu, chủ hàng, chủ trại, chủ sở, chủ lò các loại…những ông chủ mới xuất hiện trong quá trình phát triển công, thương nghiệp ở địa phương. 

Những lớp người giàu có này, bao gồm cả người Việt, người Hoa hay Minh Hương đều có điểm chung là luôn thân thiện và dựa dẫm với chính quyền thuộc địa nên phải sớm học biết tiếng Pháp và nhất là chữ Quốc ngữ. Để theo dõi thời cuộc, họ buộc phải mua và đọc báo, cả báo tiếng Pháp và tiếng Việt, ngay khi báo chí mới ra đời hay khi đã phát triển mạnh mẽ, đa dạng. 

Các gia đình trưởng giả này ngày càng xuất hiện nhiều ở tỉnh lỵ Phú Cường, ở Lái Thiêu, cả ở Bến Cát. Trong họ, nhiều người được nhà nước thực dân phong các hàm Đốc phủ hạng nhất, hạng nhì, đưa vào hội đồng hàng tỉnh, quận. Con cái của họ phần đông lớn lên đều đi học ở Pháp hoặc Sài Gòn. Nhiều người đỗ đạt, thành danh; có người tham gia báo giới đương thời.

Sinh hoạt báo chí ở Thủ Dầu Một xưa gắn liền với sự hình thành và phát triển của báo chí Nam Kỳ. Là cái nôi của báo chí Việt Nam, Sài Gòn - Gia Định là nơi hình thành các tờ báo đầu tiên của báo chí Nam Kỳ. Thủ Dầu Một có vị trí địa lý liền kề với Sài Gòn - Gia Định cho nên báo chí Nam Kỳ hình thành từ đây luôn có ảnh hưởng sâu rộng đến sinh hoạt báo chí Thủ Dầu Một.

Sinh hoạt báo chí ở Thủ Dầu Một xưa gắn liền với sự hình thành và phát triển của báo chí Nam Kỳ. Là cái nôi của báo chí Việt Nam, Sài Gòn - Gia Định là nơi hình thành các tờ báo đầu tiên của báo chí Nam Kỳ. Thủ Dầu Một có vị trí địa lý liền kề với Sài Gòn - Gia Định cho nên báo chí Nam Kỳ hình thành từ đây luôn có ảnh hưởng sâu rộng đến sinh hoạt báo chí Thủ Dầu Một.

Quỳnh Như (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=99
Quay lên trên