Đội ngũ trí thức đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Bình Dương

Cập nhật: 09-08-2022 | 08:52:29

Đội ngũ trí thức (ĐNTT) của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, phân bổ rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần sớm khắc phục trong công tác xây dựng ĐNTT; cần nhiều hơn những cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương để tạo thuận lợi cho công tác xây dựng ĐNTT, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Đội ngũ tiên phong

Báo cáo của Tỉnh ủy tại buổi tọa đàm khoa học tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về xây dựng ĐNTT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức, khẳng định: Sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là việc hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức và thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ trí thức.

Báo cáo nhấn mạnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và thường xuyên hoàn thiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ trí thức, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, xây dựng nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị; tăng cường thu hút nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phát triển nguồn nhân lực nói chung và công tác xây dựng ĐNTT của tỉnh nói riêng. Đó là những chương trình đào tạo, thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đề án tuyển chọn, đào tạo cán bộ nguồn từ học sinh, sinh viên xuất sắc; chính sách thu hút đối với người cóhọc hàm, học vị về công tác tại trường Đại học Thủ Dầu Một; chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đào tạo nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề nhà ở cho gia đình cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trẻ gắn với chính sách sử dụng trí thức trẻ, chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về Bình Dương công tác; các chính sách ưu đãi cho ngành giáo dục, đào tạo, y tế; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, chế độ ưu đãi CBCCVC làm công tác công nghệ thông tin, viễn thông...

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại phiên tọa đàm. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Có thể khẳng định, sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong thời gian qua có sự đóng góp rất quan trọng của ĐNTT trên tất cả các lĩnh vực. ĐNTT trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật… ngày càng lớn mạnh, ngày càng có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu mới áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh và đời sống, đem lại hiệu quả. ĐNTT trẻ đã phát huy tốt vai trò năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cónhững đóng góp thiết thực, tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. ĐNTT ở các xã, phường, thị trấn đã kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai, xây dựng, an ninh trật tự, thương mại. Đây cũng là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhiều trí thức ở cơ sở đã học tập và vận dụng có hiệu quả tri thức và kinh nghiệm về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi...

Vẫn còn nhiều trăn trở

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác xây dựng ĐNTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. ĐNTT của tỉnh phát triển chưa toàn diện, cơ cấu chưa thật sự hợp lý, thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành ở một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ cao, điện tử, tin học, tài chính, y tế, môi trường... Công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí sắp xếp và sử dụng cán bộ chưa có bước đột phá, chậm ban hành cơ chế để phát hiện, sử dụng người có đức, có tài, nhất là trí thức trẻ, có trình độ chuyên môn cao. Các đề tài nghiên cứu khoa học, đề án mang tính ứng dụng thực tiễn phục vụ sản xuất chưa nhiều... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, tồn tại trên; trong đó nguyên nhân chủ yếu do cơ chế, chính sách đối với ĐNTT còn bất cập, chưa đủ hấp dẫn và thực sự khuyến khích trí thức trẻ, trí thức có trình độ cao làm việc trong khu vực công và các ngành mũi nhọn.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế và tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, đều cho rằng hiện y tế và giáo dục là hai ngành sử dụng nhiều trí thức nhất song thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút và giữ chân ĐNTT. Bà Hằng cho biết theo nhu cầu, ngành giáo dục của tỉnh cần khoảng 2.000 giáo viên nhưng hiện chỉ có hơn 1.000 người, chưa kể trong thời gian dịch bệnh Covid-19, nhiều giáo viên đã chuyển sang làm việc khác. Cũng ở hoàn cảnh tương tự, ông Chương cho biết mặc dù tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm y bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho người dân nhưng việc tuyển dụng hết sức khó khăn. Cũng trong thời gian qua, nhiều y bác sĩ đã bỏ việc. Một số y bác sĩ ở đơn vị công chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân khiến đội ngũ y bác sĩ của tỉnh đã khó càng thêm khó…

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ có lúc, có nơi chưa đúng với năng lực, trình độ và ngành nghề đào tạo. Nhiều trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng sau khi tốt nghiệp lại không tích cực, thiếu đầu tư trong việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, nhất là CBCCVC, trí thức tham gia quản lý trong các doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng ĐNTT thời gian tới, tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức; có chính sách ưu đãi về chế độ tiền lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với trí thức, nhất là trí thức làm việc ở vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng phát triển nhanh về công nghiệp, đô thị, có áp lực cao về giáo dục, y tế… Bên cạnh đó, Trung ương cần có cơ chế đặc thù cho những địa phương cókinh tế tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô lớn được vận dụng một phần nguồn kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng thu hút người lao động thường trú ngoài địa phương nhằm tạo ra lực lượng lao động tri thức ngày càng dồi dào, phong phú.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, cho rằng bên cạnh những cơ chế ưu đãi về tiền lương cũng cần phải tạo môi trường làm việc phù hợp để trí thức vượt qua khó khăn, cống hiến cho ngành, cho địa phương. Đây cũng là điều mà nhiều ngành đã và đang thực hiện nhằm tạo môi trường làm việc đủ tốt để thu hút và “giữ chân” người tài.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, cho rằng Bình Dương là tỉnh công nghiệp phát triển nhanh, thu hút đầu tư tăng mạnh, nhất là các dự án đầu tư có vốn nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao từ các địa phương khác, kể cả từ nước ngoài đến làm việc; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh để đáp ứng yêu cầu tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ông cho rằng buổi tọa đàm rất thành công với nhiều ý kiến sâu sắc và tâm huyết; đồng thời ghi nhận các ý kiến phát biểu của các sở, ngành cũng như các đề xuất, kiến nghị của tỉnh để tổng hợp trình Trung ương xây dựng chủ trương, chính sách liên quan đến xây dựng ĐNTT đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên