“Thế là tôi bị xích ở một trại trong rừng. Tôi vẫn nhớ cái cậu cang gác tôi là Đực. Chưa rõ là ta hay địch, nên mối quan hệ giữa người tù và những người cai quản cũng rất lạ. Nói chuyện với nhau như thế này: Ông già râu ơi, nếu tụi tui có rút lui thì cũng phải bắn ông rồi mới rút. Đó là lệnh”.
Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Mỗi một lần giặc càn vào chiến khu, chiếc tàu thủy của chúng tạch tạch chạy trên sông, người gác lại bảo người tù: có nghe thấy không, tàu kêu tạch tạch, mõ báo động của quân ta kêu cốc, cốc. Hễ mà tàu nó mò vào là bắn ông liền. Tôi phải thi hành lệnh này, dù lòng tôi rất đau khổ khi phải bắn ông. Người tù thì vái trời. Tao mong nó đừng mò vào chiến khu - ông nói với cậu lính gác. Bởi vì tin tức tình báo cho hay rằng bọn giặc đang tìm cách cứu Hoàng Đạo. Thế khi bắn tôi, có mở còng không? Ông hỏi người lính, vì nghĩ rằng nếu giặc vào thấy xác ông bị còng, thì các mạng lưới hoạt động của ông sẽ không bị nghị ngờ, hoặc ít bị nghi ngờ hơn là thấy ông không bị còng. Ai biết được là ông bị giết hay là một người cộng sản bị lạc đạn trong giao tranh? Nghĩ xa xôi thế, ông bảo người lính: “Nếu bắn thì cứ để còng mà bắn, để bảo vệ mạng lưới hoạt động của tôi”.
Suốt một tháng bị còng chân trong lán trại ở rừng, Hoàng Đạo ngoài nỗi lo bị bắn nhầm, còn lo hơn nữa là toàn bộ kế hoạch lớn của cách mạng bị đổ bể. Ông tìm cách nhờ nhắn Kim Sơn ra, để bị bắt luôn chứ Kim Sơn còn lại giữa đám giặc, rồi giặc sinh nghi hoặc tra khảo xem ông đi đâu - Vậy là Kim Sơn ra, bị giữ lại ngay cùng nhà với ông, người ta cũng không báo cho ông biết. Kim Sơn không bị cùm - chỉ bị giữ lại đó, ngày ngày ăn xong chẳng biết làm gì nên được chơi bóng bàn.
Bị cùm chân, giam riêng, nhưng với kinh nghiệm của một người hoạt động nghề nghiệp lâu đời, ông bắt đầu quan sát và bí mật “nghiên cứu” các vấn đề của chiến khu qua người gác hoặc người đưa cơm. Đến lúc đi tắm, ông mới bí mật phát hiện Kim Sơn cũng đang bị giữ.
Một thời cơ tới, nhưng không giải quyết được. Ông Phạm Ngọc Thạch từ Trung ương vào công tác, có ghé qua. Ông Thạch lúc đó là phái viên của chính phủ kháng chiến, cũng có biết Hoàng Đạo. Được hỏi để xác minh thêm tin tức, ông cũng chỉ xác minh được mức độ thế này: Khi họp hành ở Việt Bắc, ông ở phía Hội đồng chính phủ, có thấy Hoàng Đạo là người bên công an. Còn việc cử Hoàng Đạo vào thành để công tác thế nào đó, ông hoàn toàn không biết.
Những người lãnh đạo đã thận trọng hơn. Họ muốn tin tưởng người đồng chí của mình, muốn cư xử tốt, nhưng vì nguyên tắc, thì vấn đề vẫn hoàn toàn bế tắc, phải chờ đợi. Thế là những cảnh oái oăm lại vẫn tiếp tục: còng chân, nhưng được cùng ngồi ăn ngon với ông Chiêu và ông Khương, người Bí thư Khu 7 và một Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Câu chuyện họ nói với nhau nghe cũng thật lạ lùng: “bắn anh hơi uổng”. “Hỏi Trung ương đã rồi hãy bắn tôi” - Ngày ấy chưa có phương tiện liên hệ hiện đại như bây giờ. Hình như từ Khu 7 điện tín ra Hòa Bình. Từ đó mới có đường liên lạc với Trung ương ở Việt Bắc.
Cái ngày nhận được lệnh của Trung ương, là một ngày vui nhưng niềm vui đó qua nhanh, nhường chỗ cho nỗi lo ập tới. Nếu ông thoát ra, trở về Sài Gòn, làm sao cho giặc tin để tiếp tục hoạt động: Hay là bị lộ rồi phải tìm cách ra Việt Bắc về làm việc ở chiến khu, kết thúc vai trò người điệp viên?
Dù sao, thì cũng phải hồi tưởng lại niềm vui hân hoan của mọi người - “Phải mở một cuộc liên hoan rồi cử người đưa anh ra Việt Bắc, không ai được đụng chạm đến anh” - Ông Trưởng ty Công an tỉnh Gia Định - Ninh (Gia Định - Tây Ninh) lúc đó lại cùng bàn với Hoàng Đạo cách thả ông ra. Nếu họ cử một trung đội bảo vệ đưa ông ra Bắc, phải mất bao lâu? Sáu tháng đi bộ! Đó là điều ông quan tâm nhất: không thể theo phương án đó được. Đối với giặc Pháp và các lực luợng trong Sài Gòn, ông chưa bị lộ. Tin tức tình báo Pháp biết rằng ông bị Việt Minh bắt, chúng đang tìm cách cứu ông ra nhưng chưa biết cách nào. Vậy ông phải bày ra mưu vượt ngục. Ông không muốn đi theo trung đội bảo vệ, ra Việt Bắc, mà phải tìm cách trở về lại Sài Gòn. Để cho kế hoạch vượt ngục hoàn toàn sự thật, công an đã bố trí cho ông một cuộc vượt ngục thật cùng với hai người tù là cán bộ cách mạng nhưng phản bội ta bị kết án tử hình. Thả cho họ ra, làm cái loa, làm bằng chứng cho cuộc vượt ngục này. Trước ngày tiến hành cuộc vượt ngục, Hoàng Đạo còn nói lại cho anh em nghe các kinh nghiệm nên tổ chức chiến khu ra sao, hầm chỗ nào, lúc giặc tới nên chạy đâu... Mọi việc “ông tù” này bị giam sao mà nắm vanh vách - Anh em thật ngạc nhiên. Có gì đâu - Một người tình báo với khả năng chuyên nghiệp khai thác mà - Anh em muốn hỏi thêm một số về nghiệp vụ tâm lý, muốn tìm hiểu xem vì sao ông bị giam mà biết rõ tổ chức đường đi lối lại của chiến khu, vì sao ông biết được những chuyện “nguy hiểm” như vậy. Nhưng thời gian không còn nữa cho việc trò chuyện. Ông bàn với các đồng chí công an còng ông vào giữa. Hai bên hai tử tội. Ông bí mật bàn với hai người từ đó một kế hoạch trốn thật sự. Họ phải đồng lòng cùng nhau chạy thoát khỏi chiến khu. Chả gì thì họ đều là những tử tội - kể cả Hoàng Đạo. Hai người kia hoàn toàn không hay biết gì. Họ tin rằng cả ba người tử tội đang đồng lòng trốn khỏi cái chết.
“Còng tôi bằng bù long tám hay mười gì đó. Sợi xích của tôi phải làm như vô tình chồng vô con tán mà không ai để ý. Khi chúng tôi chạy thoát, phải có kế hoạch săn đuổi, bắn lên trời” - Theo đúng kế hoạch, đêm xuống, ông mở còng, cùng hai tử tù kia chạy ra ngoài.
Từ Hố Bò, họ ra đến đường cái đi Sài Gòn - Tây Ninh. Phải qua một bàu nước tới cổ, bùn tới đầu gối ở quãng nông nhất. Hai tử tù kia, người dắt, kẻ đỡ khiêng nhau chạy thoát, chia tay với ông rồi họ cũng tìm đường chạy. Ngay lập tức mật thám Pháp được hai tử tù báo cáo về một chuyến vượt ngục trước ngày Việt Minh đem ra xử bắn.
Kim Sơn cũng được thả ra, đợi để cùng chạy theo. Kim Sơn và Hoàng Đạo đón xe ngựa lên Trảng Bàng và điện ngay cho đại diện của Bảo Đại - Họ cho xe lên rước về Sài Gòn. Thế là thoát, may mắn là ông không hề bị lộ. Bảo Đại viết một thư khuyến khích chúc mừng người quốc vụ khanh của mình thoát nạn. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI