Ca phẫu thuật ghép tay cho nữ bệnh nhân đã thành công hơn cả mong đợi khi đôi bàn tay mới của cô cuối cùng đã chuyển sang màu giống như toàn bộ phần da còn lại trên cơ thể.
Shreya đã được tiến hành cấy ghép 2 bàn tay
Shreya Siddanagowder, 21 tuổi, đến từ Pune, Ấn Độ là một trong 200 bệnh nhân ít ỏi trên toàn thế giới trải qua một ca cấy ghép tay. Cô đã bị cắt cụt cả 2 tay sau một vụ tai nạn xe buýt vào tháng 9/2016.
Hiếm hơn cả, đây là ca cấy ghép từ đôi tay của người khác giới đầu tiên ở châu Á. Đôi bàn tay hiến tặng thuộc về một chàng trai 20 tuổi đến từ Kerala, người vốn đã chết vào tháng 8/2017.
Sau hàng loạt kiểm tra tương thích về nhóm máu của người hiến tặng, Shreya cuối cùng đã trải qua ca phẫu thuật vào năm 2017 tại viện khoa học y khoa Amrita (AIMS) ở Kochi.
Ca phẫu thuật kéo dài 13 tiếng đồng hồ, được tiến hành bởi một nhóm gồm 20 bác sĩ phẫu thuật và 16 bác sĩ gây mê. Họ đã thực hiện gắn lần lượt từ xương tay, động mạch, tĩnh mạch đến cơ gân trước khi khâu phần da bọc vào chi trên của Shreya.
Shreya sau đó đã ở lại Kochi trong 18 tháng để trải qua vật lý trị liệu chuyên sâu và dần dần có được cảm giác ở tay. Đến gần đây, đôi bàn tay đã giảm một phần trọng lượng và bắt đầu trở nên giống với đôi bàn tay tự nhiên của cơ thể Shreya.
Đôi tay sau cấy ghép
Đáng ngạc nhiên hơn cả là đôi bàn tay tối màu ban đầu đã dần chuyển sang tông da màu sáng để tương thích với màu da trắng của Shreya. Một lần bị bệnh vào năm ngoái khiến cô gái giảm 12 kg và điều đó có thể dẫn đến việc giảm mỡ quanh bàn tay nhưng vẫn chưa ai lý giải được cách bàn tay dần đổi màu.
"Đây là trường hợp đầu tiên chúng tôi cấy ghép tay từ nam sang nữ. Chúng tôi chỉ có thể đoán rằng nội tiết tố nữ đã dẫn đến sự thay đổi nhưng việc đánh giá nguyên nhân chính xác là rất khó", bác sĩ Subramania Iyer, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và tái tạo tại viện Amrita cho biết.
Đến bây giờ, Shreya vẫn chỉ có 1 trong 3 dây thần kinh và các cơ ngón tay của cô vẫn gặp khó khăn trong hoạt động chức năng.
Tuy nhiên, khả năng viết của Shreya đang dần trở lại bình thường và có nhiều tiến bộ. Đây rõ ràng là một câu chuyện đáng lưu ý về bộ máy con người.
Đôi tay của Shreya hiện giờ
Theo Dân Trí