Đổi thay nhờ phát triển kinh tế hộ gia đình

Cập nhật: 28-06-2011 | 00:00:00

Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã An Linh cho biết, đây là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra. Để thực hiện mục tiêu đạt hiệu quả, Đảng bộ xã khuyến khích người dân đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, nhất là cao su song song với công nghiệp chế biến, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng dần tỷ trọng nông nghiệp (70%), tiểu thủ công nghiệp (15%) và thương mại, dịch vụ (15%).

Từ khi nghị quyết Đảng bộ xã đi vào hiện thực, người dân An Linh từng bước vươn lên bằng việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Bằng các hình thức như trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất hay giúp hộ nghèo vay vốn... những năm qua, xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông mở hàng trăm lớp tập huấn cho nông dân nhằm truyền đạt kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, kỹ thuật sử dụng phân bón... Đồng thời, tạo điều kiện cho 173 hộ nghèo vay vốn làm ăn và vươn lên thoát nghèo, trở thành gia đình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi đến thăm chú Hoàng Mạnh Quát, nông dân ở tổ 4, ấp 6. Với dáng người đậm chất nông dân, chú đón chúng tôi bằng chiếc xe máy cà tàng và đèo thêm cây chuối trên vai dài hơn 2m. Chú kể: “Ngày trước, gia đình tôi nghèo lắm. Khi về đây lập nghiệp (năm 1977), đường sá xấu, đi lại cũng khó khăn chứ không được trải nhựa như bây giờ. May thay có Đảng bộ, chính quyền địa phương giúp đỡ cho gia đình vay 15 triệu đồng, tôi đã sử dụng vốn đó đầu tư cây điều và cao su. Tôi nghĩ, đất An Linh rất phù hợp với loại cây này. Không ngờ sau 34 năm gầy dựng, nhờ biết tính toán, giờ đây, gia đình tôi đã xây nhà với một cơ ngơi khá khang trang gồm 4 ha điều, 3 ha cao su, mỗi năm thu lợi hàng trăm triệu đồng”.

Gia đình chị Tạ Thị Mười ở ấp 30-4 cũng là một trong những hộ tiêu biểu. Trước đây, chị là công nhân Nông trường mía An Linh. Sau khi nông trường giải thể, đời sống kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, đến miếng đất cắm dùi cũng không có, phải ở đậu khu nhà trẻ nông trường. Quyết tâm xây dựng kinh tế gia đình, tạo dựng cơ nghiệp, chị đã thuê đất canh tác, cải tạo đất hoang và dành tiền mua đất cất nhà. Giờ đây, gia đình chị đã có trong tay 5 ha cao su với thu nhập ước tính đạt gần 3 triệu đồng/ngày.

Cũng như chị Đỗ Thị Quý ở ấp 6, cách đây chừng 5 năm, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhà chỉ có 2 mẹ con, bản thân chị bị bệnh ung thư nhưng với quyết tâm thoát nghèo, chị đã vượt qua bệnh tật, ổn định đời sống trên cánh đồng hoang. Chị phấn khởi cho biết: “Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi được vay tiền làm lúa, trồng mì nên gia đình tôi đã khấm khá. 400 nọc tiêu, 1 ha cao su và ngôi nhà mới xây là tài sản mà hai mẹ con tôi đã vất vả tạo dựng trong nhiều năm qua. Thành quả này là nhờ vào chính sách của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho gia đình tôi thoát nghèo. Tôi không biết lấy gì để tỏ lòng biết ơn”.

Từ khi biết xác định thế mạnh của xã, An Linh đã có nhiều đổi thay từ cơ sở hạ tầng đến cuộc sống người dân. Điều đó chứng tỏ, ý Đảng, lòng dân ở An Linh luôn đồng thuận.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên