Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật lần hai

Cập nhật: 09-08-2013 | 00:00:00

Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, ngày 9-8 đã tham dự Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản lần thứ hai.

  Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chào xã giao Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera. (Ảnh: Hữu Thắng/TTXVN)Cuộc đối thoại diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm lần thứ 40 ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Đại diện quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản đều đi đến thống nhất rằng châu Á-Thái Bình Dương trong những năm tới là khu vực có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, châu Á-Thái Bình Dương chỉ có thể phát triển được nếu chúng ta duy trì một khu vực hòa bình, ổn định.”

Hai bên cũng đánh giá rằng bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, khu vực vẫn còn tồn tại những thách thức mà trong tương lai, nếu thiếu đi nỗ lực của từng quốc gia cũng như sự hợp tác trên bình diện quốc tế, tiềm năng phát triển của khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đối thoại lần thứ hai cũng tập trung vào các vấn đề lớn như an ninh phi truyền thống, vấn đề hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vấn đề an ninh biển, chống cướp biển...

Liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo, hai bên khẳng định tính cần thiết của việc giải quyết các tranh chấp và khác biệt bằng biện pháp hòa bình, tránh xung đột vũ trang, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Hai bên thống nhất hỗ trợ nhau về năng lực nghiên cứu, quản lý vùng biển và tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế để xây dựng những quy định, quy tắc ứng xử trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo không xảy ra xung đột hoặc mất ổn định.

Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản còn là cơ hội để hai bên cùng đánh giá lại và cụ thể hóa quan hệ hợp tác quốc phòng kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng.

Đối thoại cũng đề cập đến các lĩnh vực cụ thể của hợp tác như trao đổi đoàn, đào tạo nhân lực, công nghiệp quốc phòng, chia sẻ kinh nghiệm về hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn và an ninh biển.

Trong cuộc đối thoại, hai bên đã đề cập đến lĩnh vực hợp tác trên các diễn đàn đa phương như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) để đảm bảo xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định. Ngoài ra, hai bên cũng bàn về việc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực gìn giữ hòa bình.

Việt Nam thông báo với phía Nhật Bản việc tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nhật Bản đánh giá cao việc Việt Nam tham gia lực lượng này và bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn đầu về kỹ thuật, phương pháp quản lý cũng như tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế.

Đối thoại cũng đề cập đến hợp tác về công nghiệp quốc phòng, theo đó hai nước sẽ cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Vấn đề nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh cũng được hai bên nhắc tới trong cuộc đối thoại lần này. Nhật Bản ủng hộ cao việc Việt Nam đưa ra sáng kiến “hành động mìn nhân đạo” trong hội nghị ADMM+ tới đây tại Brunei. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ của Nhật Bản nhằm khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh sáng 8-8 đã chào xã giao Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và chuyển lời thăm hỏi thân thiết của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tới Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, đồng thời chuyển lời mời Bộ trưởng Onodera sớm sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ Việt Nam mong muốn tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc phòng đầy đủ, toàn diện, tin cậy và hiệu quả vì lợi ích của hai nước và đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng gửi lời cảm ơn Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và sẽ thu xếp sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, đoàn đã đi thăm Trung tâm gìn giữ hòa bình và thăm một số đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Đoàn cũng đã ghé thăm Tập đoàn Sojizt để nghe giới thiệu về công trình nghiên cứu xử lý chất độc da cam/dioxin bằng công nghệ nghiền nguội. Công nghệ này có ưu điểm vượt trội là không tạo nhiệt, không tạo khí mà sử dụng sự va đập trong quá trình nghiền với một số hóa chất đi kèm, để trung hòa đất và vật liệu bị nhiễm dioxin thành loại vật liệu an toàn với con người, có thể được dùng trong xây dựng và các sản phẩm phục vụ đời sống.

Công nghệ xử lý mới của Sojitz, nếu thành công, sẽ là công nghệ có nhiều ưu việt và có tiềm năng ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam trong tương lai./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên