Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cập nhật: 26-11-2013 | 00:00:00

Bài 1: Gỡ vướng về chính sách thuế

UBND tỉnh vừa tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và KCN Mapletree. Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, đại diện các DN đã mạnh dạn bộc bạch nhiều trăn trở và cả một số vấn đề còn bất cập, đặc biệt là về chính sách thuế. Đại diện lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành đã lắng nghe, giải đáp và xử lý ngay vướng mắc, qua đó nhận được sự đánh giá cao từ phía cộng đồng DN…  

Lãnh đạo tỉnh thẳng thắn, tận tình tháo gỡ vướng mắc, DN đồng tình đánh giá cao

Nộp thuế “trái tuyến”, điều chỉnh lại ngay

Ý kiến đầu tiên liên quan đến chính sách thuế được Chủ tịch HĐQT Công ty Kỹ nghệ lạnh Âu Châu Phạm Thúc Hải Cường đề cập đến là việc phân cấp quản lý thuế giữa Cục Thuế tỉnh và các chi cục thuế tại các địa phương. “…Là DN trong KCN nhưng Công ty Kỹ nghệ lạnh Âu Châu lại “bị” phân cấp về Chi cục Thuế TX.Thuận An quản lý, vừa gây khó khăn bất tiện, vừa mất nhiều thời gian đi lại do “trái tuyến”…”, ông Cường nói và yêu cầu được chuyển việc quản lý thuế của DN mình về lại với Cục Thuế tỉnh. Đại diện một số DN có mức nộp thuế cao thì so bì về thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN): Tại sao với DN có doanh thu dưới 20 tỷ đồng thì được ưu tiên áp mức thuế suất 20% ngay từ 1-7-2013. Trong khi đó, các DN có doanh thu lớn hơn, nộp thuế nhiều hơn lại bị áp mức thuế suất 22% và phải đến đầu năm 2014 mới được trở về mức 20%. DN đề nghị nên có sự công bằng thay vì phân biệt DN lớn, DN nhỏ như hiện nay…

Trên thực tế, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN, trong đó có sự điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 20% sẽ áp dụng từ đầu năm 2014 tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh các DN nhỏ gặp khó khăn do kinh tế thế giới và trong nước có dấu hiệu suy giảm, Chính phủ đã đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế TNDN mới này cho các DN nhỏ ngay từ 1-7-2013 để hỗ trợ các DN này duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lê Văn Trang trần tình: “Chính sách thuế của chúng ta cũng còn nhiều bất cập, nhạy cảm. Văn bản thì đôi lúc còn khó hiểu, dẫn đến mỗi người hiểu mỗi cách nên tạo ra lo lắng là đúng. Với trách nhiệm của mình chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến phản ánh của DN; điều gì trong phạm vi khả năng chúng tôi sẽ tham gia giải quyết ngay. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ tập hợp trình UBND tỉnh để kiến nghị lên cấp trên hoặc Chính phủ để sớm được thay đổi, chỉnh sửa. Riêng với DN có điều gì vướng mắc cần gặp trực tiếp lãnh đạo ngành thuế để giải quyết, chúng tôi vẫn sẵn sàng bố trí lịch gặp, làm việc…”!

Đối với kiến nghị về phân cấp quản lý thuế, ông Trang cho rằng, việc phân cấp đã được UBND tỉnh phê duyệt, DN nằm trong KCN sẽ do Cục Thuế tỉnh trực tiếp quản lý. Còn lại DN ngoài quốc doanh, DN ngoài KCN thì giao về cho các chi cục thuế ở các địa phương quản lý. Trường hợp Công ty Kỹ nghệ lạnh Âu Châu là DN nằm trong KCN mà lại do chi cục thuế quản lý là có sai sót, nhầm lẫn. “…Chúng tôi xin ghi nhận và sẽ hỗ trợ chuyển đầu mối quản lý theo yêu cầu của DN…”, ông Trang nói.

Thuế không chỉ là

nguồn thu

Trả lời thêm về đề nghị cần có sự công bằng, không phân biệt giữa DN lớn, ông Trang phân tích, trước tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là các DN nhỏ. Vì vậy, với trách nhiệm của mình, Chính phủ phải có chính sách bảo vệ, nuôi dưỡng và hỗ trợ để DN đứng vững trên thị trường. Đây vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ mà đất nước nào cũng phải làm để bảo vệ DN…

Ngoài ra còn có DN nêu ý kiến: “Lợi nhuận DN ngày một giảm, trong khi thuế suất thuế TNDN ngày một tăng mạnh từ 5% đến 15%, đề nghị Chính phủ có chính sách giảm thuế trong thời gian tới…”. Theo ông Trang, vấn đề này cần phải được nhìn nhận thấu đáo, nếu không rõ nguồn gốc vì sao “lợi nhuận ngày một giảm, trong khi thuế ngày một tăng” sẽ dẫn đến hiểu sai bản chất sự việc. Mấu chốt ở đây là DN đã có thời gian hoạt động khá lâu, đã tích lũy được nguồn vốn nhờ hưởng ưu đãi về thuế theo quy định từ 5 đến 10 năm đầu. Vào thời điểm DN không phải chịu hoặc được giảm thuế, thì lợi nhuận cao. Đến thời điểm chịu thuế hoặc chịu đủ mức thuế suất thì tiền nộp thuế vừa cao hơn so với lúc chưa nộp thuế và lợi nhuận cũng có phần giảm xuống do phải chi nộp thuế là đúng… Việc giảm thuế suất thuế TNDN theo ông Trang là một vấn đề mang tính chiến lược trong ưu đãi, thu hút đầu tư. Hiện các nước Đông Nam Á đang cạnh tranh thu hút đầu tư, quốc gia nào có chính sách thuế thông thoáng, cạnh tranh thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Chính phủ đã thấy điều này nên đã có sự thay đổi về chính sách thuế và đề ra lộ trình áp dụng để thuế không chỉ là nguồn thu cho ngân sách mà còn là đòn bẩy để DN phát triển và hội nhập.

Đã gỡ phải hết vướng!

Đại diện một DN điện tử đặt vấn đề “bị truy thu thuế mà DN không hài lòng vì đã kê khai hải quan (HQ) rất rõ ràng và được thông quan hàng hóa từ lâu”. Cục trưởng Cục HQ Bình Dương Nguyễn Phước Việt Dũng cho biết, Luật HQ Việt Nam quy định DN tự khai và tự chịu trách nhiệm về phần khai của mình trong thời hạn 5 năm. Hiện nay công tác kiểm tra HQ rất thuận tiện, nhanh chóng nhờ khai báo HQ điện tử và thông quan tự động nhằm giảm thời gian, chi phí và tránh gặp gỡ trực tiếp giữa DN với HQ. Nhưng sau đó, bộ phận phúc tra, phúc tập hồ sơ sẽ tập trung vào phần “hậu kiểm” và ra quyết định truy thu nếu phát hiện sai sót, bất hợp lý. Một DN khác cho biết: “Là DN chế xuất, hàng hóa dư thừa chất đầy kho, đã hư hỏng mà không tiêu hủy được. Đề nghị HQ hướng dẫn thủ tục tiêu hủy”. Ông Dũng trả lời: “DN chỉ cần liên hệ với Chi cục HQ nơi DN làm thủ tục để được hướng dẫn tiêu hủy”. Tham dự, chủ trì cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đề nghị: “Số lượng hàng xuất khẩu lớn nếu còn sử dụng được thì hướng dẫn DN làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ. Theo ông Cung, nếu hàng hóa còn tốt thì nên làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ để thu lại một phần chi phí cho DN, đem tiêu hủy thì rất lãng phí trong khi luật không bắt buộc phải tiêu hủy… Đề nghị này của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã nhận được sự tán thưởng của rất nhiều DN.

Trước hàng loạt các câu hỏi liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, chi phí thuê nhà của người nước ngoài không được trừ vào thuế, phải có xác nhận của cơ quan thuế mới được xuất cảnh, chi phí quà biếu khách hàng như quà tết, bánh trung thu không được tính vào chi phí… Cục trưởng Lê Văn Trang thừa nhận đây là những ý kiến rất xác đáng. Cục Thuế cũng kiến nghị tỉnh có ý kiến với Trung ương, xem xét bỏ các quy định bất hợp lý. “Nguồn thu thời gian đầu có thể giảm nhưng bù lại DN làm ăn thuận lợi, giữ chân được khách hàng thì sản xuất - kinh doanh sẽ tăng trưởng, nguồn thu thậm chí còn lớn hơn. Khi đã gỡ, phải gỡ cho hết khó”, ông Trang nhấn mạnh. Trước những đề nghị này, Chủ tịch Lê Thanh Cung tỏ thái độ rất đồng tình và nói: “Nếu có văn bản đề nghị, tôi sẽ ký ngay trong chiều nay…”. Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, tán thưởng của cộng đồng DN.

Bài 2: Tạo thuận lợi để doanh nghiệp chăm lo người lao động

D.CHÍ - T.BÌNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=167
Quay lên trên