Đối thoại trực tiếp giữa hải quan và doanh nghiệp Nhật Bản lần thứ I-2013: Thêm hiểu biết, vững niềm tin

Cập nhật: 23-05-2013 | 00:00:00

Hiện thực hóa tinh thần “xem khó khăn của doanh nghiệp (DN) là khó khăn của địa phương” bằng việc tổ chức đối thoại trực tiếp, định kỳ giữa Hải quan (HQ) và DN nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý để kịp thời tháo gỡ, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh từ hai phía. Tham gia đối thoại có khoảng 60/150 đại diện DN Nhật Bản, cùng Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM và Trưởng đại diện DN Nhật Bản tại Bình Dương.

Tự chủ và tự chịu trách nhiệm

Một trong những điểm nhấn quan trọng mà Cục HQ Bình Dương giới thiệu đến đại diện lãnh đạo DN Nhật Bản là Cục HQ Bình Dương được chọn là 1 trong 7 cục HQ trọng điểm trên cả nước ưu tiên đầu tư phát triển chương trình cải cách - hiện đại hóa, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm tranh chấp giữa HQ và DN, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế đã được các nước áp dụng. Theo đó, thủ tục HQ đã được đơn giản hóa theo hướng “Công khai - Minh bạch - Thuận lợi”. Và, HQ Bình Dương cũng đã triển khai đến 6/6 chi cục HQ trực thuộc mô hình khai báo HQ điện tử qua mạng internet với kết quả đạt trên 90% số tờ khai phát sinh, rất thuận lợi và tiết kiệm cho cả DN và nhân viên ngành HQ.  

Máy soi container góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa vì không phải kiểm tra thủ công như trước

Một trong những đột phá quan trọng của HQ cả nước nói chung và HQ Bình Dương nói riêng là bước chuyển từ thực hiện thủ tục HQ truyền thống bằng hồ sơ giấy sang thủ tục HQ điện tử bằng hồ sơ điện tử với thời gian thông quan nhanh, liên tục 24/24 giờ mỗi ngày và cả 7 ngày trong tuần. Góp phần làm nên thuận lợi này chính là năng lực và tính trung thực của DN, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong hồ sơ khai báo thì máy sẽ từ chối tiếp nhận và DN phải khai báo lại đến khi nào đạt yêu cầu hệ thống mới tự động trả lời bằng thông tin: “Lô hàng được thông quan”. Không dừng lại ở đó, HQ điện tử còn tự động “phân luồng” hàng hóa theo các thứ tự ưu tiên (luồng xanh: ưu tiên thông quan; luồng vàng: có kiểm tra ngẫu nhiên; luồng đỏ: phải kiểm tra thực tế hàng hóa).

“Một khi đã hiểu biết lẫn nhau thì việc đối thoại định kỳ sẽ góp phần nâng tầm hợp tác giữa HQ và nhà đầu tư “

(Cục trưởng Cục HQ Bình Dương Nguyễn Phước Việt Dũng)

 

Điều quan trọng nhất trong khai báo HQ điện tử là DN được tự chủ xác định, kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản khai của mình với thời gian bảo lưu 5 năm. Kết quả kiểm tra sau thông quan của HQ Bình Dương, cho thấy năm 2010 kiểm tra sau thông quan phát hiện 16 vụ gian lận thương mại, trốn thuế với số tiền truy thu, nộp ngân sách Nhà nước 36 tỷ đồng; năm 2011 phát hiện 52 vụ với số tiền truy thu 305 tỷ đồng và năm 2012 tiếp tục tăng lên 72 vụ…

Những sai sót thường gặp

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là yêu cầu cần thiết và quan trọng, không chỉ thể hiện nơi sản xuất mà còn gắn với văn hóa tiêu dùng, cùng các quyền lợi cơ bản khác, trong đó có ưu đãi thuế quan. Hiện Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên vấn đề ưu đãi thuế quan là một lợi thế cực kỳ quan trọng, quyết định sức cạnh tranh và thị trường tiêu thụ của hàng hóa, sản phẩm. Để giúp DN giảm bớt sai sót, gây phiền hà, mất thời gian, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP.HCM đã giới thiệu sơ lược về mẫu đăng ký xuất xứ hàng hóa; cách xác định, phân loại và các ưu đãi theo hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Trong quá trình kê khai, xác định xuất xứ hàng hóa, DN thường nhầm lẫn giữa tên hàng với thương hiệu. Cụ thể, khi định danh sản phẩm là “giày da”, thay vì phải ghi là “Shoes” thì người kê khai lại điền là Adidas, Nike… trong khi Adidas, Nike chỉ là thương hiệu và như vậy hồ sơ xuất hàng hóa trở thành không hợp lệ và không được hưởng ưu đãi. Nhầm lẫn thường gặp khác là “hàng hóa mua tại thị trường Việt Nam, có hóa đơn, nguồn gốc Việt Nam nhưng chưa phải xuất xứ tại Việt Nam”. Ví dụ: Linh kiện, phụ kiện… Cụ thể như hóa chất được mua tại Việt Nam, có hóa đơn do DN Việt Nam cung cấp, nhưng nước sản xuất là Singapore thì không thể nói hóa chất đó có xuất xứ từ Việt Nam được!

Quan trọng nhất là thông tin cảnh báo từ đại diện Cục HQ Bình Dương về những sai phạm thường gặp để lãnh đạo DN quan tâm nhắc nhở cán bộ chuyên môn trong khi thi hành nhiệm vụ, nhằm tránh tổn hại đến uy tín và hoạt động của DN, như: Khai báo định mức cao hơn thực tế; kho bị thiếu hoặc thừa nguyên liệu, không có thuyết minh hoặc thuyết minh không đầy đủ, rõ ràng; thực xuất ít hơn khai báo, hồ sơ không đầy đủ… Để tránh các sai sót này, người làm nhiệm vụ kê khai phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ và thực hiện đúng quy định pháp luật, yêu cầu chuyên môn.

Phó Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM KAKURO SATO: “Đối thoại thể hiện sự trân trọng, hiểu biết lẫn nhau…”

Hội nghị đối thoại lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm rút ngắn khoảng cách giữa DN và HQ, nhằm giải quyết nhiều vấn đề. Việc làm này còn thể hiện sự trân trọng, quan tâm, có trách nhiệm với nhau của lãnh đạo tỉnh đối với nhà đầu tư. Với vai trò lãnh sự tôi không chỉ giới thiệu điều này với các nhà đầu tư Nhật Bản mà còn nhấn mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông ở Bình Dương khi có cơ hội.

Trưởng đại diện Hiệp hội Đầu tư Nhật Bản tại Bình Dương YAMATOMO: “Đối thoại mở ra nhiều cơ hội thuận lợi…”

Đây là lần đầu tiên cộng đồng các nhà đầu tư Nhật Bản tại Bình Dương được gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo Cục HQ Bình Dương. Hội nghị đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi, giúp lãnh đạo DN tiếp cận và hiểu rõ hơn các quy định về pháp luật. Mong rằng hình thức này tiếp tục được duy trì và mở rộng trong thời gian tới.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên