Đối thoại trực tiếp với nhân dân: Tạo sự đồng thuận cao trong xã hội

Cập nhật: 11-01-2010 | 00:00:00

Lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại với người dân ở huyện Dĩ An

Trong thực tế xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, để có sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân, nhất thiết phải chú trọng công tác vận động quần chúng, trong đó, đối thoại trực tiếp là biện pháp mang tính linh hoạt nhưng đem lại hiệu quả cao. Lâu nay, người dân Bình Dương đã không còn xa lạ gì với việc lãnh đạo tỉnh trực tiếp đối thoại với nhân dân để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc xung quanh chuyện giải tỏa, đền bù. Thực tế cho thấy, đối thoại là cách vận động quần chúng hiệu quả nhằm tạo được sự đồng thuận từ phía người dân đối với các chủ trương lớn của tỉnh.

Thời gian trước đây, người dân ở Bình Dương xôn xao với việc tỉnh đang khẩn trương xây dựng dự án Khu Liên hợp công nghiệp- dịch vụ và đô thị Bình Dương (KLH) có diện tích quy hoạch là 4.196,81 ha nằm trên địa bàn 6 xã thuộc: huyện Tân Uyên, Bến Cát và TX.TDM. Bắt đầu từ năm 2004, được sự đồng thuận của đại đa số người dân trong khu vực dự án, công tác bồi thường, giải tỏa và giải phóng mặt bằng được 3.756,2 ha của 6.972 hộ dân, đạt hơn 97% diện tích. Đến năm 2008, bồi thường thêm được 5,6 ha của 18 hộ dân; trong đó thực hiện theo phương án giải quyết tồn đọng được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ 3473/QĐ-UBND ngày 5-11-2008 là 4,5 ha của 8 hộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân đối thoại với 7 hộ dân ấp Vĩnh Trường, xã Tân Vĩnh Hiệp

Như vậy, trong toàn dự án còn 127 ha của 157 hộ dân và 1 doanh nghiệp chưa nhận tiền chiếm khoảng 3% tổng diện tích quy hoạch. Tính đến ngày 25-12-2009, tồn đọng trong công tác giải tỏa chỉ còn 27 hộ/19,77 ha chưa nhận bồi thường chiếm 0,47% diện tích quy hoạch. Để có được con số 0,47% như hiện nay, ngoài sự nỗ lực của Ban QLPT KLH phối hợp cùng UBND các cấp tích cực tổ chức vận động, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã trực tiếp tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với người dân ở những khu vực ảnh hưởng bởi dự án KLH. Cụ thể như buổi đối thoại trực tiếp với 7 hộ dân ở ấp Vĩnh Trường, xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên). Trong buổi đối thoại này, rất đông người dân đã đến tham dự và bày tỏ những vướng mắc cũng như suy nghĩ của mình đối với chủ trương giải tỏa, di dời cũng như chính sách đền bù cho dự án KLH. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân đã trực tiếp trả lời, giải quyết từng ý kiến của bà con. Chỉ trong một thời gian ngắn, những vấn đề bức xúc của người dân đã được xem xét thấu đáo và ngay sau đó, bà con đồng tình di dời hoặc giao một phần đất để Ban QLPT KLH tiến hành thi công tuyến kênh thoát nước Tân Vĩnh Hiệp.

Có thể nói, việc đối thoại trực tiếp để giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm đã thể hiện sự khéo léo, linh hoạt trong công tác dân vận của chính quyền. Công tác giải tỏa, đền bù và giải phóng mặt bằng đạt được kết quả đáng khích lệ, trong một thời gian ngắn chính là nhờ phương thức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan với người dân địa phương. Nhờ đến tận nơi, lắng nghe từng ý kiến của bà con nên lãnh đạo tỉnh mới có thể giải quyết thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mô hình đối thoại trực tiếp với nhân dân đến nay đã mở rộng ở cấp huyện, thị và không chỉ dừng lại ở những vấn đề về giải tỏa, đền bù mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác. Quy mô, cách thức tổ chức và tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân tuy có khác nhau nhưng đều là cách làm thiết thực để nâng cao tính dân chủ, phát huy vai trò và tiếng nói của cộng đồng dân cư trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Cách làm này đã bảo đảm nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của quy chế dân chủ cơ sở. Trong đối thoại trực tiếp, có thể xuất hiện nhiều ý kiến trái ngược đối với các chủ trương chung của lãnh đạo nhưng chính sự phản biện trái chiều sẽ giúp cho các cấp chính quyền xem xét và có những điều chỉnh kịp thời, đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Và từ đó có được đồng thuận và thống nhất cao từ phía cộng đồng dân cư.

Đối với quá trình chỉnh trang đô thị ở tỉnh Bình Dương, chuyện tranh chấp, khiếu nại của các hộ dân liên quan đến các chính sách đền bù luôn khiến cho chính quyền các địa phương “đau đầu” khi giải quyết. Không phải lúc nào đối thoại trực tiếp cũng mang đến một kết quả khả quan nhưng là dịp để lãnh đạo chính quyền và những ban, ngành liên quan làm sáng tỏ vướng mắc của nhân dân một cách công khai. Những gì có thể giải quyết và thông qua ngay tại buổi đối thoại thì lãnh đạo chính quyền sẽ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo. Đại diện mặt trận, đoàn thể, các ban quản lý dự án, các ngành... cũng luôn có mặt tại các buổi đối thoại, tiếp dân để lắng nghe những ý kiến phản hồi của người dân. Qua đó, xác định cách thức vận động người dân phù hợp; có thể khẳng định, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và người dân là cách vận động quần chúng linh hoạt và hiệu quả. Thông qua đó, chính quyền các cấp không chỉ phát huy được tính dân chủ mà còn tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Việc đối thoại đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả của việc tiếp công dân, được thực hiện theo đúng quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Đối với giải quyết khiếu nại lần đầu đều được tổ chức đối thoại trước khi ra quyết định giải quyết. Trừ những vụ việc đơn giản, thì lãnh đạo có thể ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, còn đối với các vụ việc phức tạp, lãnh đạo cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân cho rằng: trong đối thoại phải chú ý lắng nghe ý kiến công dân, kết hợp đối thoại với việc giải thích các vấn đề mà người dân chưa hiểu, trong đó cần quan tâm giải quyết thấu đáo các yêu cầu chính đáng của họ, thuyết phục họ đồng tình với cách giải quyết đưa ra. Đây là biện pháp quan trọng góp phần hạn chế tiếp khiếu.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải tạo được sự đồng tình của dư luận nhân dân với việc khiếu nại đúng, giải quyết khiếu nại đúng, phê phán việc khiếu nại sai và giải quyết khiếu nại không đúng pháp luật. Làm tốt việc giải thích, vận động, thuyết phục là một trong những biện pháp nghiệp vụ quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn và tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần nâng cao hơn hiệu quả của công tác tiếp công dân.

PHƯƠNG HÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=538
Quay lên trên