Đối thoại Việt Nam tại Davos

Cập nhật: 01-02-2010 | 00:00:00

 

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ từ 26 đến 31-1-2010 với mục đích kêu gọi sự chung tay của các lãnh đạo toàn thế giới nhằm xác định những vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu, cuộc tọa đàm về chủ đề “Tái định hình nền quản trị toàn cầu” đã quy tụ các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia.

 

Theo dõi cuộc tọa đàm qua webcast (truyền hình trực tiếp trang web của WEF) www.weforum.org, có thể nhận thấy các nhà lãnh đạo thế giới, giới quan sát và bình luận quốc tế đã chú ý nhiều đến Việt Nam trong vai trò là nước chủ tịch ASEAN, một cộng đồng các quốc gia có nền kinh tế năng động nhất trong khu vực.

 

Trong cuộc tọa đàm, tiến sĩ Zakaria - biên tập viên báo Newsweek và CNN, đồng thời là điều phối viên của cuộc tọa đàm - đã đặt câu hỏi khá hóc búa với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Mẹ con chị Me Chen xem tivi màu tại nhà anh Ya Thi, người dân tộc Chu Ru, từ nguồn điện lưới quốc gia vừa được cấp ở xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng trong chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ cho năm tỉnh Tây nguyên.

 

- Tổng thống Hàn Quốc đã tỏ ra quan ngại về một thế giới còn đầy rẫy biện pháp bảo hộ mậu dịch vào thời điểm đặc biệt khó khăn như hiện nay. Trong những yếu tố đưa đến chính sách bảo hộ mậu dịch ấy, tôi có câu hỏi dành cho Thủ tướng Việt Nam: Trung Quốc hiện đang duy trì một tỉ giá hối đoái cao, gây rất nhiều lo ngại cho các đối tác thương mại của Trung Quốc như Mỹ và châu Âu. Để kinh tế thế giới cân bằng trở lại, cần phải có đối thoại với Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc định giá đồng nhân dân tệ một cách công bằng hơn và tự do hơn. Ngài dự đoán liệu mục tiêu này có thể đạt được bằng những cuộc đối thoại đơn phương hay song phương (với Trung Quốc)? Và tôi biết câu hỏi này không dễ dàng.

 

- (Thủ tướng trả lời ngay) Việt Nam cũng đã trao đổi với Trung Quốc về vấn đề này. Nhưng đây là một vấn đề khó, cho nên chúng tôi cũng còn đang trong quá trình trao đổi.

 

Cử tọa (bao gồm cả ông Bill Gates) đã tỏ vẻ đồng tình với sự thận trọng trong câu trả lời ngắn gọn của Thủ tướng Việt Nam.

 

Là một nhà báo, tiến sĩ Zakaria hỏi tiếp:

 

- Vậy ngài có thể cho cử tọa chút lạc quan là các cuộc trao đổi của ngài (với Trung Quốc) có tiến triển khả quan? Bởi vì cho đến nay những nỗ lực của các chính trị gia phương Tây khi nêu lên vấn đề này với Trung Quốc đều xem chừng không hiệu quả.

 

Hội trường, nơi đang hiện diện một cộng đồng quốc tế thu hẹp, chợt xuất hiện chút căng thẳng bởi đây là chủ đề nhạy cảm và liên quan đến các cường quốc kinh tế hàng đầu trên thế giới. Thủ tướng Việt Nam trả lời bằng một nhận xét:

 

- Tôi cũng đã có một số cuộc thảo luận về vấn đề này. Nhưng xem ra cũng chưa thấy có hướng gì rõ ràng lắm.

 

Trước sự thẳng thắn và đi vào ngay vấn đề một cách ngắn gọn như vậy, tiến sĩ Zakaria tỏ ra đồng tình.

 

- Cũng không ai nghĩ sẽ có câu trả lời dễ dàng.

 

Cử tọa cũng ồ lên cười vui vẻ làm dịu bớt bầu không khí đang căng thẳng. Bản thân tiến sĩ Zakaria cũng cảm nhận bằng thành ngữ “Touch!” thường được dùng trong các cuộc tranh luận để nhận định về một câu trả lời sắc sảo.

 

Chuyển đề tài qua tìm hiểu nguyện vọng của các nước nghèo đối với các quốc gia cung cấp viện trợ, ông cũng đặc biệt chú trọng đến thành quả giảm nghèo của Việt Nam bằng việc kết hợp sử dụng các gói viện trợ từ cộng đồng quốc tế và các giải pháp tự cứu như chính sách mở cửa hội nhập kinh tế.

 

Đúng là công cuộc xóa đói nghèo trên toàn thế giới là một quá trình phấn đấu lâu dài, như Tổng thống Hàn Quốc nhận định: “Hàn Quốc đã phải mất 40 năm để từ một nước nghèo đói với GDP chỉ 50 USD/đầu người thành quốc gia cung cấp viện trợ như ngày nay. Đó là nhờ chúng tôi đã phải học hỏi khắp nơi về cách sản xuất, trồng trọt, cách quản lý để đầu tư sử dụng tiền viện trợ hiệu quả nhất”.

 

Camera cũng ghi lại hình ảnh Thủ tướng Việt Nam chăm chú theo dõi, đôi lúc viết vội vài chữ khi tham gia ý kiến tại hội thảo.

 

Sau khi nghe Tổng thống Hàn Quốc ngồi bên cạnh trình bày về quá trình thoát nghèo của Hàn Quốc và Tổng thống Nam Phi nói về cơ chế hoạt động của các định chế quốc tế trong viện trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng góp ý:

 

- Tôi cho rằng khi chúng ta xem xét việc giải quyết vấn đề nghèo đói của một quốc gia thì cần xem xét cả hai phía: về nguyên nhân bên trong của quốc gia đó và các nguyên nhân bên ngoài. Việt Nam đang phấn đấu rất quyết liệt để vượt qua đói nghèo. Nhưng tình trạng đói nghèo ở Việt Nam do chiến tranh xâm lược, chiến tranh chiếm đóng gây ra là chủ yếu.

 

Vì vậy, tôi cho rằng hiện đang có tình trạng bất công và bất bình đẳng giữa các nước phát triển, giữa các nước giàu và các nước nghèo. Và các cơ chế quản trị toàn cầu không bình đẳng, không dân chủ hiện nay cũng cần phải được xem xét.

 

Do vậy, giải quyết vấn đề đói nghèo của một quốc gia trước hết phải bằng nội lực của chính quốc gia đó, nhưng đồng thời các nước phát triển, các nước gây ra đói nghèo cũng phải có trách nhiệm. Thí dụ như trong cuộc khủng hoảng vừa qua đã bộc lộ cho thấy một đòi hỏi cấp bách là phải dân chủ hơn trong quản trị toàn cầu. Đặc biệt là phải xem xét và đề cập một cách đúng đắn đến vai trò của các nước đang phát triển.

 

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên